TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách đi kèm với an sinh xã hội

21:56 19/08/2021

(HMC) – Chiều 19/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền về công tác phòng chống dịch trên địa bàn. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê và Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức chủ trì họp báo.

TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách đi kèm với an sinh xã hội
Toàn cảnh cuộc họp

Tham dự có Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh; Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TP; Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Nguyễn Văn Hiếu; Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương; Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hoài An; Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm; đại diện lãnh đạo quận Tân Bình và 44 phóng viên, nhà báo đại diện 32 cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TPHCM.

Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 là vấn đề được TP ưu tiên trong giai đoạn hiện nay

Thông tin tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức khẳng định: Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 là một trong những vấn đề lãnh đạo TP rất quan tâm và ưu tiên trước hết trong giai đoạn này, để không có trường hợp người dân phải đói, thiếu ăn. TPHCM đang cố gắng đưa các gói cứu trợ đến tay người dân sớm nhất.

Trên tinh thần đó, TPHCM đã có 2 đợt hỗ trợ với tổng số tiền 913 tỷ 839 ngàn đồng. Bên cạnh đó, TP cũng triển khai nhiều khoản chi khác như: hỗ trợ cho các hộ kinh doanh phải tạm ngừng hoạt động (gần 12 tỷ); hỗ trợ thương dân tại các chợ truyền thống gặp khó khăn (gần 26 tỷ); hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn, nghề nghiệp cho hơn 2,3 triệu người lao động (1.060 tỷ); hỗ trợ tạm ngừng đóng phí hưu trí và tử tuất (187 tỷ); hỗ trợ viên chức trong hoạt động nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động, hướng dẫn viên du lịch, người lao động sống trong khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân,… (hơn 140 tỷ); hỗ trợ 43.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo (47,5 tỷ).

Lý giải tình trạng người dân ở một số địa bàn ra đường đông bất thường

Về tình trạng người dân ra đường đông hơn so với trước đây tại một số nơi, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, trong thời gian qua, TPHCM đã ban hành nhiều quy định để hạn chế người dân ra đường không cần thiết. Theo đó, ước tính các đối tượng được phép ra đường để thực hiện các công việc cấp thiết, duy trì một số hoạt động bình thường, thiết yếu của TP khoảng 1,2 triệu người/ngày. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát, phần lớn người dân ra đường nằm trong nhóm đối tượng được phép lưu thông. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số người ra đường không đúng quy định và bị xử phạt.

Thống kê cho thấy, mỗi ngày, Công an TP kiểm soát trung bình hơn 200.000 lượt phương tiện, trong 100.000 người sử dụng phương tiện cá nhân đã xử phạt gần 1.500 trường hợp, buộc quay đầu 3.200 trường hợp. Như vậy, tỉ lệ vi phạm dưới 1%.

Ngoài ra, Công an TP cũng đã tổ chức lực lượng kiểm soát tại khu phong toả, khu dân cư để hạn chế người dân ra đường, phát loa tuyên truyền 1.800 lượt/ngày trên các địa bàn phường, xã, thị trấn để truyền đạt thông tin đến người dân.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức thông tin một số vấn đề với các PV báo chí
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức thông tin một số vấn đề với các PV báo chí

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, có nhiều nguyên nhân khiến số lượng người dân ra đường đông gần đây. Thứ nhất, sau một thời gian áp dụng các biện pháp, một số dịch vụ bị cấm trước đây được mở lại để đảm bảo, duy trì cuộc sống hàng ngày như dịch vụ bảo trì hạ tầng, kỹ thuật. Thứ hai, một số tuyến đường nhánh bị chặn để lực lượng chức năng dễ dàng kiểm soát, buộc người dân phải di chuyển theo các trục đường chính. Thứ ba, số lượng người phải ra đường để tiêm vắc xin cũng ngày càng đông với khoảng hơn 200.000 người/ngày, cao điểm có thể lên đến 300.000 người/ngày. Đây là nhiệm vụ quan trọng, giúp TP đạt được mục tiêu đến cuối tháng 8/2021 có trên 70% người trên 18 tuổi đều được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, nếu người ra đường đảm bảo an toàn phòng chống dịch thì không tạo ra các mối nguy cơ.

“Về việc có thể xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ tại các chốt kiểm soát, Công an TP đã phối hợp với các lực lượng nghiên cứu kĩ, rà soát lại 17 đối tượng đang được cho phép ra ngoài từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Từ đó, đưa ra các giải pháp, quy định phù hợp trong thời gian tới” – Phó Chủ tịch UBND TP thông tin thêm.

Liên quan đến vắc xin, TPHCM đã vượt qua mốc trên 5 triệu người được tiêm. Đến 18 giờ ngày 18/8, số mũi tiêm tại TP đã đạt 5.064.449 mũi. Tính riêng từ ngày 22/7 đến nay, TP tiêm được trên 4 triệu mũi. Theo số liệu thống kê, chỉ 2.969 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm, không có trường hợp phản ứng nặng.

TPHCM chỉ đạo cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ vụ việc chở 36 thi thể mắc COVID-19 từ TPHCM về Bến Tre hỏa táng

Trao đổi với báo chí, Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TP cho biết, qua xác minh ngày 16/8, lực lượng chức năng tỉnh Bến Tre đã phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc tài xế Lê Phú Hậu, SN 1993, trú tại xã Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, điều khiển xe tải (BKS: 64C-077.84, được Sở Giao thông vận tải tỉnh Trà Vinh cấp giấy ưu tiên hoạt động trên luồng xanh từ ngày 01/8, đăng ký từ hợp tác xã vận tải Cầu Ngang, ưu tiên vận chuyển tôm giống thực phẩm) chở 36 thi thể/02 ngày/02 cluyến từ TPHCM về Nhà hỏa táng Phúc Lạc Viên, xã Phú Hưng, TP Bến Tre do Công ty cổ phần đầu tư Phú Hưng Viên quản lý.

Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, việc tài xế lợi dụng xe được hoạt động trên luồng xanh để chở thi thể người tử vong do COVID-19 đã vi phạm quy định theo Quyết định số 5188/QĐ-BYT ngày 14/12/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn phòng và kiểm soát lấy nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám chữa bệnh, chưa thực hiện thông báo với Trung tâm kiếm soát bệnh tật địa phương; vi phạm Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về vệ sinh trong vận chuyển thi thể của người chết do mắc bệnh truyền nhiễm. Việc di chuyển thi thể phương tiềm ấn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, các chốt kiểm soát dịch bệnh chưa kiểm tra chặt chẽ phương tiện lưu thông, thông qua việc vận chuyển hàng hóa, quan tài… các tài xế có thể lợi dụng giấy ưru tiên hoạt động luồng xanh để chở thi thể hoặc các mặt hàng khác sai quy định. Vấn đề này, cơ quan chức năng sẽ điều tra, làm rõ, kết luật và truy cứu trách nhiệm.

Khi vụ việc xảy ra như báo chí phản ánh, Bộ Tư lệnh TP đã kịp thời tham mưu Thường trực Thành ủy, UBND TP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh thành giáp ranh với TPHCM hỗ trợ đón nhận thi thể các trường hợp tử vong không phải do COVID-19 để giảm tải cho TPHCM; rà soát, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở mai táng, bệnh viện để kịp thời điều chỉnh việc vận chuyển thi thể tử vong do COVID-19 đảm bảo các quy định phòng chống dịch; các chốt kiểm soát phải chặt chẽ hơn trong việc kiểm tra các phương tiện lưu thông; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân an tâm, tin tưởng lực lượng vũ trang trong công tác bảo đảm hậu sư cho người mất vì COVID-19.

Tiếp đó, Thường trực Thành ủy, UBND TP đã lập tức chỉ đạo cơ quan điều tra vào cuộc để làm rõ vụ việc này và truy xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan.

Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TP
Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh TP

Cũng theo Bộ Tư lệnh TP, hiện nay, Bộ Tư lệnh được lãnh đạo TPHCM giao nhiệm vụ phối hợp xử lý, bảo quản, khâm liệm, hỏa táng thi hài và vận chuyển, bàn giao tro cốt bệnh nhân tử vong do nhiễm COVID-19 cho gia đình. Bộ Tư lệnh TP đã thành lập 7 đội công tác đặc biệt cấp TP và chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự TP Thủ Đức, các quận, huyện thành lập mỗi đơn vị 01 đội để tiếp nhận và xử lý thi hài bệnh nhân tử vong do COVID-19.

Bộ Tư lệnh TP sẽ căn cứ vào số lượng bệnh nhân tử vong hàng ngày để xử lý, vận chuyển, khâm liệm và phân luồng về các cơ sở hỏa thiêu để hỏa táng. Trường hợp các cơ sở hỏa táng quá tải, thi hài sẽ được đưa vào khu vực bảo quản chu đáo, thường xuyên chăm lo hương khói, nhang đèn cho đến khi hỏa táng. Đồng thời, tổ chức vận chuyển, bảo quản và bàn giao tro cốt người tử vong do nhiễm COVID- 19 đến từng gia đình người dân bảo đảm trang trọng, chu đáo.

“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có thời điểm có thể chậm trễ, song bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm, tình cảm, mệnh lệnh từ trái tim người lính, cán bộ chiến sĩ xem người mất vì Covid-19 như người thân của mình. Chúng tôi bảo quản giữ gìn thi hài cẩn thận, hỏa táng theo đúng quy định và bàn giao tro cốt cho gia đình trang trọng, chu đáo và sớm nhất có thể”, Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo khẳng định.

Phương án tổ chức năm học mới và công tác xét tuyển lớp 10

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Nguyễn Văn Hiếu, trong tình hình hiện nay, năm học mới tại TPHCM không thể bắt đầu bằng hình thức trực tiếp. Hiện nay, có 249 trường đang sử dụng làm nơi cách ly, 453 trường hỗ trợ hoạt động xét nghiệm, chích ngừa; có 1.960 giáo viên và 5.898 học sinh thuộc diện F0, F1. Công tác chuẩn bị năm học mới còn rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, ngành Giáo dục TP đã dự kiến và xây dựng các phương án để tựu trường, khai giảng trực tuyến, học sinh sẽ bắt đầu năm học mới bằng hình thức học trên môi trường internet; chỉ đạo các nhà trường xây dựng các bài giảng trên môi trường internet cho cả học kỳ I của năm học.

Riêng bậc học mầm non, do đặc thù phải dạy - học trực tiếp (giữ, giáo dục và chăm sóc trẻ), có thể bắt đầu và kết thúc năm học với thời gian riêng, chậm hơn bậc học phổ thông. Trong thời gian chưa thể bắt đầu đi học, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho giáo viên xây dựng các đoạn phim ngắn hướng dẫn trẻ sinh hoạt, vui chơi, giáo dục kỹ năng với sự tham gia, phối hợp của phụ huynh.

Khi Thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, tranh thủ cho khối lớp 1, 2, các lớp đầu và cuối cấp chia nhỏ lớp để học trực tiếp; các khối khác tiếp tục học trực tuyến đến khi ổn định trở lại.

Trường hợp việc học trực tuyến kéo dài, Thành phố sẽ tính toán tham mưu sử dụng các tuần dự trữ, kéo dài thêm năm học, nhất là cho các lớp 1,2 và đầu cấp để đảm bảo chương trình và kết quả học tập.

Đối với khối phổ thông và thường xuyên, phương án bắt đầu năm học 2021 - 2022 như sau:

Giáo dục Trung học (THCS và THPT, kể cả giáo dục thường xuyên): Từ ngày 01 đến 05/9/2021, tổ chức lớp, hướng dẫn kĩ năng, phương pháp học tập trên internet và củng cố kiến thức; Từ ngày 06/9/2021, giảng dạy chương trình năm học mới.

Giáo dục Tiểu học: Từ ngày 08 đến 19/9/2021, tổ chức lớp, hướng dẫn kỹ năng, phương pháp học tập trên internet và củng cố kiến thức; Từ ngày 20/9/2021, giảng dạy chương trình năm học mới.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Nguyễn Văn Hiếu
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Nguyễn Văn Hiếu

Liên quan đến công tác tuyển sinh vào lớp 10 chuyên và không chuyên của trường chuyên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, TPHCM không thể tổ chức vòng thi tuyển như những năm trước, do đó TP đã điều chỉnh phương thức tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2021 – 2022.

Tuy nhiên, việc thay đổi phương án từ thi tuyển sang xét tuyển tác động đến tâm lý lo lắng của một số phụ huynh. Ngoài ra, việc lựa chọn theo phương án xét tuyển có thể chưa phát hiện hết các học sinh có năng khiếu so với việc tổ chức thi tuyển… Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo đã trình Thường trực UBND TP cho phép xét tuyển bổ sung cho đủ chỉ tiêu được giao, đồng thời bổ sung thêm 10% chỉ tiêu tuyển sinh các lớp chuyên, lớp không chuyên trong trường chuyên năm học 2021 – 2022 trên toàn Thành phố.

Trong trường hợp số lượng xét tuyển vượt quá số học sinh chuyên theo quy định là 35 học sinh/lớp, các em được tuyển bổ sung sẽ không được hưởng chính sách tài chính của các học sinh Chuyên.

Công tác tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cũng phải điều chinh từ phương án khảo sát sang phương án xét tuyển. Trong quá trình thực hiện xét tuyển, do đa phần học sinh đăng ký tuyển sinh có kết quả học tập xuất sắc, có 1.560 học sinh đạt 60 điểm tổng điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn Tiếng Việt – Toán lớp 3, 4, 5, cao hơn nhiều so với chi tiêu tuyển sinh là 525 học sinh, gây khó khăn cho công tác sàng lọc.

Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo nhận thấy cần bổ sung việc xem xét điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý lớp 4, 5 nhằm phù hợp với yêu cầu đánh giá năng lực toàn diện của học sinh. Đồng thời, việc lựa chọn theo phương án xét tuyển có thể chưa phát hiện hết các học sinh có năng khiếu so với việc tổ chức thi tuyển. Vì vậy, Sở đã trình Thường trực UBND TP cho phép điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh từ 525 tăng lên 600 học sinh; Điều chỉnh phương án xét tuyển: Điểm xét tuyển= (Tổng điểm kiểm tra định kì cuối năm lớp 3, 4, 5 các môn Tiếng Việt và Toán) + (Tổng điểm kiểm tra định kì cuối năm lớp 4,5 các môn Khoa học và Lịch sử - Địa lý).

Trường hợp các thí sinh có Điểm xét tuyển bằng nhau và vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh thì xem xét thêm tổng điểm tiêu chỉ bổ sung về Ngoại ngữ và Tin học.

Trả lời câu hỏi về việc các học sinh ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở nơi cư trú không về được các trường học tại TPHCM, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Sở sẽ liên kết, phối hợp với các địa phương khác để đăng ký và làm thủ tục chuyển trường tạm cho các học sinh theo học tại các trường nơi cư trú. Khi ổn định dịch bệnh, sẽ quay về học bình thường. Ngược lại, với các học sinh các tỉnh, thành đang kẹt tại TPHCM chưa thể về nơi cư trú để đi học, TP sẵn sàng bố trí cho các em học online để theo kịp chương trình nếu có nhu cầu.

Về sách giáo khoa, đang gặp khó khăn trong phân phối do không nằm trong danh sách mặt hàng thiết yếu. UBND TP đã chỉ đạo các Sở ngành liên quan phối hợp, tạo điều kiện để vận chuyển sách giáo khoa đến các trường và hướng dẫn phụ huynh học sinh đăng ký để nhận sách đảm bảo có sách giáo khoa trước ngày bắt đầu năm học mới.

Theo ông Hiếu, khó khăn hiện nay của ngành Giáo dục TP còn là việc tăng học sinh hằng năm nên dẫn đến sĩ số học sinh không đảm bảo. Ngoài ra, TP hiện có đến 151 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ngừng hoạt động và giải thể do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Xây dựng mô hình “Trạm y tế lưu động” hỗ trợ điều trị F0 tại nhà

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm cho hay, chủ trương chính của chiến lược này nhằm tạo tâm lý thoái mái cho các F0, kéo giảm số ca COVID-19 tử vong và giảm sự quá tải cho các bệnh viện. Ngoài ra, TP sẽ kịp thời xử trí khi bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm 
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm 

Thực hiện chiến lược này, Sở Y tế TP đã xây dựng mô hình “Trạm y tế lưu động” nhằm quản lý F0, hỗ trợ truyền thông, điều trị F0 tại nhà và hỗ trợ cấp cứu kịp thời. Mỗi Trạm sẽ quản lý từ 50 – 100 F0, với cơ cấu tối thiểu gồm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế (hoặc tình nguyện viên tham gia). Trước mắt, TP sẽ chuẩn bị khoảng 400 trạm, sắp tới sẽ là 1.000 trạm trên toàn TP; trang thiết bị thiết yếu tối thiểu cho mỗi Trạm sẽ có 2 bình oxy, máy thở, máy đo Co2, các thiết bị xét nghiệm tại nhà và túi thuốc.

Trong trường hợp người dân test nhanh tại nhà có kết quả dương tính hoặc có người nhà bị tử vong tại nhà do COVID-19 thì Trạm y tế lưu động sẽ tiếp nhận thông tin và triển khai xử lý kịp thời.

Cần tăng cường các tuyến bài làm đậm nét tính nhân văn, nghĩa tình của TPHCM

Nhấn mạnh, trong thời gian qua, đặc biệt là 03 ngày gần đây, khi TPHCM thực hiện chặt hơn, quyết liệt hơn Nghị quyết 86 của Chính phủ, chúng ta đều băn khoăn nhiều vấn đề liên quan như “tại sao giãn cách mà F0 cộng đồng vẫn tăng?”, “các chốt kiểm soát trang bị còn sơ sài trong phòng chống dịch”; “lượng người tập trung đông ùn ứ tại các chốt kiểm soát”… , Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng đó đều là những quan tâm rất xác đáng. Từ những trao đổi của báo chí để các cấp, ngành, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng kịp thời rà soát, điều chỉnh phù hợp.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng khẳng định, tới đây TP sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm vấn đề giãn cách xã hội theo Nghị quyết 86 và đi kèm với thực hiện an sinh xã hội, để những trường hợp khó khăn, yếu thế … đều được hỗ trợ.

Do đó, đề nghị các cơ quan báo chí cần có những tuyến bài làm rõ, đậm nét tính nhân văn, nghĩa tình của TP trong chia sẻ khó khăn với người dân, từ việc kiến nghị, đề xuất Trung ương hỗ trợ, cho đến trích ngân sách, quỹ dự phòng của TP và kêu gọi, vận động xã hội hóa để kịp thời hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn. Tránh những tuyến bài tiêu cực, cách đặt vấn đề thông tin một chiều… gây hoang mang lòng dân.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục