Tại buổi gặp gỡ, đại diện chương trình tài trợ cho sự đổi mới và sáng tạo Phần Lan khẳng định Việt Nam, trong đó có TP.HCM là môi trường thích hợp để chính phủ và doanh nghiệp Phần Lan thực hiện các dự án hợp tác, hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực mà trong đó ưu tiên là các giải pháp sáng tạo và phát triển bền vững.
Hiện nay, xu thế phát triển bền vững, lấy con người và môi trường làm nền tảng là tiêu chí hàng đầu trong việc phát triển của Phần Lan, mà trụ cột là việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Tại Phần Lan, 90% chất thải rắn đã được xử lý thành năng lượng hoặc tái chế. Đặc biệt khoảng 40% năng lượng được tạo ra từ nguyên liệu tái tạo, quốc gia này cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, sẽ sản xuất điện hoàn toàn từ rác thải.
Phóng viên Trung Khiêm: Ở Phần Lan, việc tận dụng chất thải để tạo ra năng lượng được xem như tất yếu. Đặc biệt trong khoảng gần 3 năm trở lại đây, rác thải hữu cơ đã bị cấm mang ra bãi rác nhằm tăng lượng rác thải tái chế để chuyển đổi thành năng lượng. Việc biến rác thải thành nhiên liệu sạch còn có thể giảm thiểu 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, qua đó không chỉ giúp Phần Lan trở thành nơi có môi trường sống xanh nhất thế giới và là quốc gia sở hữu nền công nghệ về làm sạch môi trường thứ hai trên thế giới.
PB của Ông KARI HERLEVI – Giám đốc dự án kinh tế tuần hoàn, quỹ phát triển đổi mới sáng tạo Phần Lan – Sitra
[Lời dịch]: Tôi biết hiện TP.HCM đang có những bước chuẩn bị cho việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Điều các bạn cần làm là phải lên chiến lược cụ thể, và chiến lược đó phải gắn với người dân, bởi người dân chính là thành tố quan trọng tham gia vào kinh tế tuần hoàn như sử dụng thành phẩm tái chế vào mục đích gì. Yếu tố thứ hai là phải có đánh giá về các loại tài nguyên phế thải là gì ví dụ như TP.HCM hiện có lượng nhựa plastic phế thải rất lớn, thì từ đó các bạn mới đề ra chiến lược tái chế, tuần hoàn tương ứng với từng loại nguyên liệu phế thải.
Trong khi việc sử dụng năng lượng tái tạo từ rác đang trở thành xu hướng và được ứng dụng rộng rãi tại các nước thì Việt Nam vẫn đang bỏ phí nguồn tài nguyên này.
Mỗi năm TP phải chi hơn 2.200 tỷ đồng cho việc quản lý rác, trong đó hầu hết để xử lý rác tại các bãi chôn lấp. 95% khối lượng rác thải được chôn lấp, thay vì chuyển đổi thành điện mang lại hiệu quả kinh tế cao.
TP.HCM đã xác định chủ trương chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang công nghệ xử lý tiên tiến có thu hồi năng lượng là công nghệ đốt rác phát điện nhằm “đến năm 2020, giảm tỷ lệ tỷ lệ lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh tối đa là 50%, đến năm 2025 tối đa là 20%”. Do vậy, TP mong muốn hợp tác cùng với các doanh nghiệp Phần Lan trên 3 lĩnh vực là đổi mới công nghệ xử lý rác thải thành năng lượng, kêu gọi đầu tư xử lý rác thải rắn sinh hoạt và đầu tư xử lý bãi chôn lấp đã đóng cửa.
Để cụ thể hóa sự hơp tác, dịp này, Công Ty Tasco Củ Chi Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ với 2 doanh nghiệp Phần Lan là công ty công nghệ Valmet và công ty công nghệ BHM trong hợp tác xử lý rác thải, biến rác thải thành năng lượng.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp Phần Lan, chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, hiện TP đang đối mặt với một số thách thức trong quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa. Do đó, TP.HCM mong muốn hợp tác, học hỏi kinh nghiệp từ những tập đoàn công nghệ hàng đầu đặc biệt là trong các lĩnh vực vốn là thế mạnh của Phần Lan như đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và năng lượng thông minh, chuyển đổi rác thải thành năng lượng.
Chủ tịch UBND TP.HCM kỳ vọng, buổi gặp gỡ là cơ hội để các doanh nghiệp Phần Lan hiểu rõ hơn môi trường và tiềm năng hợp tác kinh doanh tại Thành phố, qua đó đẩy mạnh kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.
Thực hiện: TRUNG KHIÊM – HOÀN PHÚC