Hướng dẫn về công tác phòng chống dịch COVID-19 cho người sử dụng lao động, ban quản lý kí túc xá, theo Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) Phan Thanh Tâm, các đơn vị cần thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, trong đó Thủ trưởng đơn vị là Trưởng Ban Chỉ đạo. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch, thiết lập kênh liên lạc về phòng, chống dịch COVID-19; phân công và công khai thông tin liên lạc của cán bộ đầu mối làm công tác phòng chống dịch tại nơi làm việc.
Để giảm tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm dịch từ bên ngoài, các đơn vị không cho phép người không có phận sự vào khu vực làm việc. Khu vực cổng ra vào cần bố trí nhân lực kiểm tra thân nhiệt, đảm bảo giãn cách. Nơi làm việc phải bố trí đầy đủ khu vực rửa tay sát khuẩn, thùng rác có nắp đậy, tăng cường thông khí, lắp đặt hệ thống vách ngăn trong suốt tại các cơ sở lao động có bộ phận tiếp xúc với nhiều người,…
Ngoài ra, cần có cơ chế cho phép người lao động được làm việc tại nhà hoặc bố trí ca làm việc linh hoạt; ưu tiên hình thức trực tuyến đối với các cuộc họp, hội nghị, sự kiện; tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm tại nơi làm việc; tổ chức đưa đón người lao động theo đúng quy định;…
Về công tác đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, Tiến sĩ Đinh Xuân Ngôn, Khoa Vệ sinh và An toàn lao động, Viện sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường cho biết, các cơ sở sẽ được đánh giá nguy cơ lây nhiễm thông qua bộ chỉ số gồm 15 nội dung. Việc đánh gía được áp dụng đối với từng phân xưởng, dây chuyền, khu vực sản xuất,… để xác định nguy cơ lây nhiễm.
Tiến sĩ Đinh Xuân Ngôn phát biểu tại buổi tập huấn. Ảnh: Huyền Mai
Đối với công tác kiểm tra phòng chống dịch tại cơ sở sản xuất kinh doanh, đoàn sẽ kiểm tra dựa trên các nội dung gồm: Tổ chức công tác phòng, chống dịch COVID-19; Quản lý người lao động làm việc; Vệ sinh khử khuẩn; An toàn vệ sinh thực phẩm và Phòng chống dịch tại khu vực nhà ăn; Đảm bảo phòng chống dịch khi đưa đón người lao động; Truyền thông phòng chống dịch tại nơi làm việc; Nơi lưu trú tập trung cho người lao động.
Tại buổi tập huấn, Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Đình Trung, Trưởng khoa bệnh nghề nghiệp, Viện sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường đã hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc bệnh COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp. Theo đó, các đơn vị cần nhanh chóng kích hoạt phương án phòng chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 đã được phê duyệt. Phong toả tạm thời toàn bộ cơ sở sản xuất, khu công nghiệp hoặc từng phân xưởng/dây chuyền/tổ sản xuất/khu vực sản xuất/vị trí làm việc có trường hợp F0 trên cơ sở tình hình thực tế. Đồng thời, cách ly các trường hợp F0 tại chỗ tại cơ sở sản xuất, khu công nghiệp. Thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị và thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định.
Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Đình Trung phát biểu tại buổi tập huấn. Ảnh: Huyền Mai
Phát biểu tại buổi tập huấn, Phó Cục trưởng Cục quản lý Môi trường y tế Dương Chí Nam cho rằng, trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19 đòi hỏi công tác phòng chống dịch cần được thực hiện nghiêm ngặt tại các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp. Phó Cục trưởng Cục quản lý Môi trường y tế yêu cầu các đoàn kiểm tra phải trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ khi thực hiện công tác. Cùng với đó, cần xét nghiệm COVID-19 cho tổ kiểm tra trước và sau mỗi buổi đánh giá để đảm bảo phòng chống dịch.
Phó Cục trưởng Cục quản lý Môi trường y tế Dương Chí Nam phát biểu tại buổi tập huấn. Ảnh: Huyền Mai
Theo Phó trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM Phạm Thanh Trực, trên cơ sở đề xuất, tổng hợp từ các ngành, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP sẽ tham mưu UBND TP về các tổ đánh giá các doanh nghiệp. Đồng thời, đề ra các phương án bảo đảm an toàn cho các đoàn kiểm tra và doanh nghiệp, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài và bên trong.
Phó trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM Phạm Thanh Trực phát biểu tại buổi tập huấn. Ảnh: Huyền Mai