Với vai trò chủ trì, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến chuyên gia để góp ý cho văn kiện kinh tế-xã hội trình Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Ông cho hay, qua quá trình chuẩn bị văn kiện của Trung ương và của TPHCM, đến giờ này Thành phố đã có dự thảo lần 1. Tuy nhiên, tại hội thảo này, ông Mãi mong muốn các đại biểu nên thảo luận phóng hết tầm tư duy để tham vấn cho sự phát triển kinh tế -xã hội Thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn xa hơn.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND TPHCM cũng đề nghị, ngoài trình bày của chuyên gia, hội thảo cũng nên lựa chọn những điểm đưa vào hai văn kiện: Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội TPHCM đến năm 2030 và Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố. Đây sẽ là định hướng cho TPHCM trong thời gian tới.
Dẫn Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045, ông Mãi cho biết mục tiêu đến năm 2030 là TPHCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Theo đó, để TPHCM đạt được mục tiêu này và đạt được ở mức nào trong yếu tố "văn minh – hiện đại" thì cần có những định lượng về mặt mục tiêu, để từ đó xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ thêm, theo các tổ chức, chuyên gia, nhà nghiên cứu, Việt Nam còn 10 năm nữa để quyết định việc vượt qua bẫy thu nhập trung bình hay vẫn "luẩn quẩn ở tầng dưới". Do đó, TPHCM cần tìm ra những điểm nghẽn, vấn đề then chốt cần thay đổi để vượt qua bẫy thu nhập trung bình trong giai đoạn này và đóng góp cùng cả nước thoát bẫy thu nhập trung bình.
TS. Trần Du Lịch nêu ý kiến tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Tận dụng thời cơ, khai thác nguồn lực
Theo TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, cần lấy mục tiêu năm 2030, tầm nhìn 2045 theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị để lý giải bài toán phát triển TPHCM trong giai đoạn 2026-2030 với 3 quan điểm lớn là "Tận dụng thời cơ - khai thác nguồn lực - tăng trưởng nhanh, bền vững".
"Tức là tiếp cận theo bài toán ngược để định hình chính sách và giải pháp phát triển với quyết tâm chính trị cao nhất, để vừa giải quyết có hiệu quả những vấn đề đang tồn tại, vừa tạo nền tảng cho việc xây dựng thành phố toàn cầu, ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới", ông Lịch nói.
Về cơ hội, TS. Trần Du Lịch cho biết, giai đoạn 2026-2035, TPHCM cùng cả nước cần tận dụng nguồn nhân lực trẻ trước khi bước vào giai đoạn già hóa kinh tế. Một cơ hội khác nữa là Việt Nam là một đất nước hòa bình trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn.
Ngoài ra, Việt Nam có tiềm năng để phát triển các ngành công nghệ cao như phần mềm, chip bán dẫn... Các ngành này sẽ góp phần để TPHCM chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu và đi đầu cả nước. Theo chuyên gia này, đây mới là những ngành có khả năng tăng năng suất 30-40% mỗi năm chứ không phải các ngành truyền thống".
Trong 5 năm tới, TS Trần Du Lịch cho rằng vấn đề TPHCM cần tập trung là chỉnh trang và phát triển đô thị. Cụ thể, TPHCM cần tập trung xử lý toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, chỉnh trang các khu dân cư ở các con hẻm sâu thiếu an toàn và không gian sống.
Đồng thời, cần cơ chế đặc thù để đẩy nhanh đầu tư hạ tầng đô thị, trong đó trọng tâm giai đoạn 2026-2030 là triển khai xây dựng 183 km đường sắt đô thị trong 10 năm 2026-2035; hoàn thiện thể chế quản lý hướng tới mô hình chính quyền đô thị hiệu lực, hiệu quả…
Theo TS Trần Du Lịch, để đạt mục tiêu tăng trưởng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, cần phải đổi mới tư duy, giải bài toán ngược với cơ chế khác, các làm khác.
Ông Phạm Phú Trường, Phó Chủ tịch Công ty Tư vấn hội nhập toàn cầu, nêu ý kiến tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Đóng góp ý kiến, ông Phạm Phú Trường, Phó Chủ tịch Công ty Tư vấn hội nhập toàn cầu cho rằng, một trong những chủ thể của việc phát triển kinh tế, xã hội của TPHCM là doanh nghiệp (doanh nghiệp ngoài nước đầu tư ở Việt Nam và doanh nghiệp trong nước).
Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước có tỉ lệ lớn (khoảng 98%) là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là nhóm tạo ra nhiều việc làm và đóng góp lớn (tạo ra khoảng 60% lực lượng lao động và đóng góp hơn 23,34% GDP của TPHCM trong 2021).
Tuy nhiên, ông Trường nhìn nhận đây là lực lượng dễ tổn thương nhất vì quy mô nhỏ, trình độ kinh doanh và quản trị còn yếu, trình độ học hỏi và ứng dụng khoa học công nghệ còn khiêm tốn, khả năng hội nhập chưa đủ vươn ra thế giới. Do đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa là điểm nghẽn lớn để phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố trong tương lai.
"TPHCM cần xem xét đưa nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa thành một chủ thể quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới với chiến lược, kế hoạch triển khai cụ thể. Trong đó chú trọng đến chất lượng doanh nghiệp", ông Trường nêu ý kiến.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Công ty Tư vấn hội nhập toàn cầu cho rằng cần đơn giản hóa các khái niệm "cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi xanh"… để doanh nghiệp và người dân có thể thực hiện.