TPHCM và các tỉnh, thành phố vùng Tây Bắc, Đông Bắc và miền Trung liên kết phát triển du lịch

12:54 04/11/2020

(HMC) - Ngày 4/11, Sở Du lịch TP phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Họp báo giới thiệu về Chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố vùng Tây Bắc mở rộng, vùng Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Giám đốc Sở Du lịch TP Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Võ Thị Ngọc Thuý cùng Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP Từ Lương chủ trì họp báo.

Giám đốc Sở Du lịch TP Nguyễn Thị Ánh Hoa phát biểu tại họp báo. Ảnh: Khang Minh
Giám đốc Sở Du lịch TP Nguyễn Thị Ánh Hoa phát biểu tại họp báo. Ảnh: Khang Minh

Theo thông tin buổi họp báo, chương trình liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố vùng Tây Bắc mở rộng, vùng Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 3 hội nghị liên kết sẽ được tổ chức trong tháng 11/2020.

Cụ thể, Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và 8 tỉnh, thành phố vùng Tây Bắc mở rộng (Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái và Phú Thọ) diễn ra ngày 14 và 15/11/2020 tại Phú Thọ với chủ đề “Liên kết phát triển bền vững”. Trong hai ngày 19 và 20/11/2020, Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố vùng Đông Bắc (Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Quảng Ninh) sẽ được tổ chức tại Quảng Ninh với chủ đề “Kết nối tinh hoa”. Tiếp theo đó, tại tỉnh Quảng Nam, với chủ đề “Dòng chảy tinh hoa”, Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Bình Đình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế) sẽ diễn ra từ ngày 27-28/11/2020.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố sẽ thảo luận, ký kết Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch vùng giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, Kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng giai đoạn 2020-2021 cũng sẽ được thông qua trong hội nghị.

Giám đốc Sở Du lịch TP Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, chương trình trên là hoạt động được thực hiện đúng với bản chất của ngành du lịch, ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng. Theo Giám đốc Sở Du lịch, chúng ta đang phát triển đúng với bản chất của ngành du lịch, vì vậy, cần khai thác một cách có hiệu quả từ việc liên kết này. Đây cũng là một trong những hoạt động trọng tâm để TP hỗ trợ doanh nghiệp, ngành du lịch phục hồi sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Giám đốc Sở Du lịch TP chia sẻ thêm, trong thời gian không có khách quốc tế như hiện nay, thị trường nội địa đang được xác định là thị trường chủ lực. Liên kết vùng là một trong những giải pháp trọng tâm để thu hút và đánh bật thị trường nội địa trong thời gian tới. Khi các liên kết diễn ra, lượng khách du lịch từ các vùng miền đến TPHCM và lượng khách mà các doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM tổ chức đi đến các vùng miền này chắc chắn sẽ tăng. TP kì vọng, trong năm 2021, từ những liên kết đã thực hiện, khách nội địa đến TPHCM sẽ đạt tối thiểu 35 triệu lượt.

Trong khuôn khổ chương trình, Sở Du lịch TP cũng phối hợp cùng Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch/Sở Du lịch các tỉnh thành và Báo Tuổi Trẻ TP mở diễn đàn trực tuyến hiến kế, góp ý giải pháp phát triển du lịch vùng Tây Bắc, Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Diễn đàn nhằm tìm kiếm các góp ý, các giải pháp phát triển du lịch từ du khách, chuyên gia và bạn đọc.

Hoạt động ký kết các thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và các vùng đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ liên kết hợp tác giữa lãnh đạo các tỉnh, thành, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch của các vùng. Chương trình tập trung vào 05 nội dung chính: công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

Qua đó, các tỉnh, thành phố sẽ trao đổi thông tin nhằm xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú và phát huy được lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, cơ sở hạ tầng du lịch. Từ đó, góp phần tăng tỉ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách, phục hồi ngành du lịch và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.

Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục