Cùng nhìn lại chặng đường cả nước cùng chung tay phòng chống dịch bệnh, càng nhận thấy những hi sinh thầm lặng của đội ngũ y bác sĩ, lực lượng chiến sĩ bộ đội, công an, ngành hàng không…
Dù đối mặt trước nguy cơ lây nhiễm nhưng họ đều đồng lòng, bình tĩnh và tài tình vượt qua, đem lại kết quả thật tốt đẹp trong công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam.
Lay động triệu triệu con tim Việt Nam
Phát biểu tại chương trình, ông Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho rằng: "Thật khó kể hết những câu chuyện, những hình ảnh đẹp đẽ, cao cả của những người trên tuyến đầu chống dịch.
Cả xã hội trân trọng ghi nhớ, biết ơn các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Các anh chị đã là những tấm gương tuyệt đẹp của sự cống hiến, của tinh thần xả thân quên mình, nỗ lực hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.
Những hình ảnh, những câu chuyện về các anh chị lan tỏa, lay động triệu triệu con tim Việt Nam, là niềm vinh dự, tự hào của cả xã hội, góp phần tạo một Ấn tượng VN mạnh mẽ, và một niềm tin sẽ chiến thắng dịch bệnh".
Chương trình đã giao lưu cùng bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Linh - phó khoa hồi sức cấp cứu A, Bệnh viện Chợ Rẫy, là người trực tiếp chữa trị cho "bệnh nhân 91" (phi công người Anh), và cũng là người lên đường chi viện cho Đà Nẵng trong đợt bùng dịch thứ hai.
"Nói không áp lực là không đúng, ngay từ khi tiếp nhận ca bệnh nặng số 91, trong khi đó dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp. Có được sự thành công như hôm nay, chúng tôi nhận thấy đó chính là sự huy động tất cả trí tuệ của đội ngũ y bác sĩ giỏi của cả nước" - bác sĩ Thanh Linh chia sẻ.
Dự kiến, trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 20-11-2020, báo Tuổi Trẻ tiếp tục phối hợp các đơn vị tổ chức hai đợt tuyên dương, tri ân tại Hà Nội (khu vực phía Bắc) và Đà Nẵng (khu vực miền Trung).
"Ở đâu đồng bào cần, ở đó có chúng tôi"
Cũng tại buổi giao lưu, chị Hoàng Thị Tuyết Nhung, phó đoàn trưởng đoàn tiếp viên Tổng công ty Hàng không Việt Nam, chia sẻ cảm xúc của đoàn tiếp viên cùng phi hành đoàn tham gia những chuyến bay lao vào tâm dịch để đưa đồng bào về nước.
Chị nói: "Khi dịch bệnh xảy ra, chúng tôi là những người trong tuyến đầu, thường xuyên phải tiếp xúc rất nhiều người, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nhưng khi được cử tham gia những chuyến bay 'giải cứu' đưa công dân từ các nước trở về quê hương, cả phi hành đoàn đều rất cố gắng để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh.
Với tôi, chỉ hai tiếng đồng bào rất thiêng liêng. Chúng tôi nhận thấy tinh thần rất quan trọng và luôn tâm niệm ở đâu đồng bào cần, ở đó có chúng tôi".
Với bác sĩ trẻ Dư Lê Thanh Xuân, khoa cấp cứu hồi sức tích cực - chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cũng là người trực tiếp tham gia cứu chữa cho bệnh nhân số 91, thì chính bản thân cô cũng học được nhiều bài học từ quá trình tham gia điều trị cho bệnh nhân này nói riêng và các bệnh nhân nhiễm COVID-19 khác nói chung.
"Nếu có trường hợp xảy ra dịch bệnh, tôi sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Vì tôi không thể làm ngơ khi đồng nghiệp của mình lao vào tâm dịch" - bác sĩ Thanh Xuân khẳng khái nói.
Còn du học sinh Nguyễn Tăng Quang sau 14 ngày cách ly khi trở về nước trong đợt dịch bệnh, anh đã ký họa những bức tranh nói lên công tác phòng chống dịch bệnh và tình người trong khu cách ly.
Sau đó những bức tranh của anh đã được xuất bản thành sách ảnh song ngữ Việt - Anh. " Không biết khi nào tôi mới có thể trở lại châu Âu để học tập do dịch bệnh bên ấy vẫn rất phức tạp, nhưng qua những phản hồi của nhiều bè bạn khi được tiếp cận với sách ảnh của tôi, họ đều khâm phục một đất nước nhỏ bé nhưng tinh thần chiến đấu rất kiên cường. Họ tin về một đất nước Việt Nam tươi đẹp, hiền hòa và giàu tình nghĩa" - Quang chia sẻ.
Đứng phía dưới sân khấu có chị Nguyễn Thị Diệu Hiền bồng theo cậu con trai đầu lòng mới hơn 2 tháng tuổi để cổ vũ cho chồng là anh Trần Kim Hùng, phó bí thư Đoàn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới được vinh danh dịp này.
Cũng công tác tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch nên chị Hiền chia sẻ và động viên ông xã trong những ngày phải tăng cường chống dịch tại bệnh viện dã chiến ở huyện Củ Chi hay Cần Giờ.
"Những ngày anh đi chống dịch, ở nhà mình mang thai nên lại càng lo lắng, chỉ sợ gặp anh lại lây nhiễm cho con mới tượng hình. Sau khi dịch đã kiểm soát được, anh về nhà nhưng vẫn phải hạn chế tiếp xúc để an toàn cho mọi người.
Những ngày tháng ấy đã qua rồi. Hôm nay nghĩ lại vẫn thấy xúc động. Cả nước cùng chống dịch, đúng là chỉ có sự đoàn kết mới giúp chúng ta vượt qua tất cả" - chị Hiền bộc bạch.