Trung tâm Báo chí TP chủ động, quyết liệt, kịp thời trong cung cấp thông tin
(HMC) - Ngày 11/11/2021, Trung tâm Báo chí Thành phố (gọi tắt là Trung tâm) tổ chức Hội nghị sơ kết 43 ngày thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM (từ ngày 23/8/2021 đến ngày 04/10/2021). Đến dự có ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP; ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP; đại diện một số phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trên địa bàn cùng Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm.
Thay đổi phương thức làm việc linh hoạt, thích ứng tình hình mới
Báo cáo sơ kết tại hội nghị nêu rõ: Xác định nhiệm vụ và vai trò của quan trọng của Trung tâm Báo chí TP trong việc triển khai các hoạt động, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của TP trong bối cảnh dịch bệnh trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp khó lường.
Bên cạnh đó, thông tin từ các nguồn không chính thống, chưa đầy đủ cuả một số cơ quan báo chí, mạng xã hội… đặt ra một yêu cầu lớn về việc thông tin phải được đảm bảo cung cấp chính xác, nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ đến người dân; phản bác những không tin sai lệch, giả mạo làm ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch của TP.
Vì vậy Trung tâm Báo chí đã triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong giao đoạn này trên cơ sở thay đổi phương thức làm việc linh hoạt, thích ứng theo hướng lấy mục tiêu và kết quả công việc làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Trong đó, quán triệt đội ngũ cán bộ chủ chốt viên chức, người lao động toàn cơ quan trách nhiệm tập trung cho việc triển khai; tổ chức phân công bố trí lực lượng nhằm đáp ứng nhiệm vụ trong điều kiện giãn các xã hội ở mức cao hơn; triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong thực hiện nhiệm vụ…

Kể từ ngày 23/8/2021, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố quyết định tổ chức họp báo hàng ngày tại Trung tâm với sự chủ trì của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông và Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố, Trung tâm đã chủ động triển khai đưa hệ thống họp trực tuyến (phần mềm họp báo trực tuyến SureMeet) vào công tác họp báo cùng với việc phân công trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận để triển khai phục vụ, hỗ trợ.
Trong 43 ngày cao điểm, Trung tâm đã tổ chức 39 cuộc họp báo với 1.373 lượt phóng viên báo đài tham dự đưa tin, chiếm tỉ lệ 76,5% trên tổng số 1.794 lượt phóng viên tham dự trong 4 tháng cộng lại (tháng 7/2021 – 10/2021).
Nhằm tăng cường công tác thông tin, khai thác lợi thế CNTT trên các nền tảng mạng xã hội, Trung tâm đã phối hợp với Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đảm bảo địa điểm, hạ tầng kỹ thuật, đường truyền, xây dựng kịch bản, biên tập nội dung, kỹ thuật, tổng hợp thông tin kiến nghị, xử lý bình luận sau mỗi số phát sóng để tổ chức sản xuất chương trình Livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời”.
Tính đến ngày 17/9/2021, tổng lượt xem chương trình: 10.134.000 lượt; tổng số người xem chương trình ở cùng một thời điểm: 443.147 người; tổng số cảm xúc người xem được thể hiện qua hành động thả các biểu tượng vào chương trình: 448.056 lượt; tổng số lượt bình luận trực tiếp tại chương trình: 481.243 lượt; tổng số lượt chia sẻ chương trình qua mạng xã hội: 121.242 lượt.
Số lượng câu hỏi nhận được thông qua Google Form là 27.518 câu hỏi và thông qua tương tác Livestream là 419.243 câu hỏi. Các nhóm câu hỏi chính tập trung vào lĩnh vực y tế - điều trị, vaccine, an sinh - cứu trợ, bảo hiểm xã hội, đi lại, giáo dục, an ninh trật tự và kế hoạch phục hồi sau khi hết giãn cách. Số lượng đơn điện tử đề xuất hỗ trợ các vấn đề an sinh xã hội của chương trình là 1.571.895 đơn đăng ký qua Google Form và trên App An sinh.
Từ 24/8 - 29/10/2021, chương trình đã thực hiện được 20 số phát sóng, thực sự góp phần cùng Đảng bộ và chính quyền Thành phố tương tác với người dân, giải đáp trực tiếp những thắc mắc chính đáng của người dân, từ đó thu hút được sự quan tâm rất lớn của người dân.


Về công tác tuyên truyền, phòng chống dịch, Trung tâm tham gia và tổ chức cho phóng viên tham dự các cuộc làm việc, kiểm tra của Lãnh đạo Trung ương, Thành phố tại các địa phương, bệnh viện điều trị, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện việc chống dịch. Tổng số tin, bài đã đăng trên trang thông tin điện tử và fanpage Trung tâm Báo chí TP trong tháng 8 và 9/2021 là 649 tin, bài; Tổ chức điểm báo hàng ngày của hơn 20 đầu báo TP và 40 cơ quan báo chí Trung ương, từ 23/8 đến 4/10 tổ chức điểm 9.828 tin bài, trong đó có 2.582 tin bài của TP và 7.246 tin bài của các cơ quan báo chí TƯ, báo cáo nhận xét sơ bộ tính tích cực tác động và hạn chế của các bài báo trong công tác chống dịch.
Cùng với đó, phát hiện và báo cáo kịp thời cho lãnh đạo Sở, TP các thông tin sai trái, không đúng sự thật về công tác phòng chống dịch và có thông tin chính thức phản bác giúp các cơ quan báo chí có thông tin đầy đủ để cung cấp cho bạn đọc.
Đẩy mạnh các nền tảng công nghệ số trong công tác tuyên truyền. Cùng với trang Web, hiện nay Trung tâm đã triển khai đồng loạt các nội dung trên 3 nền tảng khác là Youtube, Fanpage và Tiktok. (Fanpage đến nay đã đạt mức hơn 80.000 lượt theo dõi; Tiktok đã vượt qua 100.000 theo dõi, có những tin đã vượt trên 2 triệu người tương tác).
Trung tâm Báo chí đã tạo ra “hiện tượng” mới trong phát triển nền tảng số của cơ quan nhà nước
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương nhận định, 43 ngày cao điểm là quãng thời gian tập thể Trung tâm Báo chí TP và phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí làm việc không nghỉ ngơi để chuyển tải kịp thời thông tin mới nhất đến người dân TPHCM. Thực sự phát huy đúng chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm - ngôi nhà thứ 2 của các phóng viên báo chí.
Trước hết là sự dấn thân, tinh thần làm việc trách nhiệm và hết mình của đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động của Trung tâm Báo chí và các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng bổ sung và tăng cường phương thức làm việc mới, đó là hình thức họp báo trực tiếp và trực tuyến. Cách tổ chức và cung cấp thông tin qua các cuộc họp báo được lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành phố đánh giá rất cao. Việc áp dụng phương thức truyền thông mới đã tạo ra “hiện tượng” mới trong phát triển nền tảng số của cơ quan nhà nước như Chương trình phát sóng trực tiếp Livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời”…
Việc phản bác thông tin giả, sai lệch của Trung tâm Báo chí được các cơ quan báo chí khai thác một cách hiệu quả, do đó cần tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa.
Nhắc lại 06 bài học được nêu trong Báo cáo của Trung tâm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương cho rằng, hiện nay chưa có cơ chế chính sách để hỗ trợ cải thiện thu nhập cho các cán bộ, nhân viên và động viên kịp thời những nỗ lực, cố gắng của từng cá nhân và tập thể. Đây vẫn là điều trăn trở nhất của lãnh đạo Sở, lãnh đạo Trung tâm.
“Nếu tinh thần làm việc là bản lề thì điều kiện cơ sở vật chất chính là cánh cửa” - ông Từ Lương nói.
Đáp ứng tốt các nhiệm vụ đột xuất là một trong những điểm nổi bật của Trung tâm Báo chí TP
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng nhấn mạnh: “Trong đợt dịch vừa qua, Trung tâm Báo chí Thành phố được Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá rất cao với mô hình Livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống dịch COVID-19”.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, việc chủ động, quyết liệt, kịp thời cung cấp thông tin chất lượng là hướng đi đúng của Trung tâm, cũng là nguyên nhân quan trọng tạo nên những kết quả nổi bật của Trung tâm thời gian qua.
Những hoạt động, sản phẩm đã đáp ứng đúng, hiệu quả nhu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP và nhu cầu về thông tin của người dân.
Không chỉ hỗ trợ tốt cho các phóng viên, biên tập viên về nội dung, hình ảnh,… Trung tâm còn không ngừng cải thiện chất lượng các cuộc họp báo. Các phóng viên, biên tập viên khi đến tác nghiệp tại Trung tâm còn được phục vụ thức ăn nhẹ.
“Ai “đói lòng” thường đến đây để được “ấm lòng”. Tôi cũng là một trong những người đó. Chỉ đơn giản là ăn gói mì để thêm năng lượng làm việc tiếp” – ông Lâm Đình Thắng chia sẻ.

Về điểm nổi bật khác của Trung tâm, ông Lâm Đình Thắng cho rằng, là khả năng đáp ứng các nhiệm vụ đột xuất và tiếp cận, ứng dụng CNTT trong hoạt động của mình, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội.
Thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và có dấu hiệu gia tăng. Vì vậy, Ban giám đốc Sở đề nghị Trung tâm tiếp tục phát huy những ưu điểm, thế mạnh của mình và duy trì để trở thành cơ chế, lề lối, tác phong làm việc của Trung tâm.
Đồng thời, rà soát và chuẩn bị sẵn sàng về nội dung, nhân lực, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất, phương án làm việc cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; Tham mưu cho Sở để đổi mới và duy trì dài hơi chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời”; Tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại Trung tâm, khai thác để tạo ra những giá trị gia tăng bền vững cho TP và cho cả Trung tâm.
Ngoài ra, khai thác mảng nội dung của Trung tâm thành những sản phẩm thông tin truyền thông chất lượng phục vụ hiệu quả cho công tác quản trị của TP, giúp lãnh đạo TP phát hiện kịp thời và xử lý các vấn đề “nóng”, hỗ trợ phóng viên báo chí và an dân.
Tiếp thu và cảm ơn các phát biểu chỉ đạo của Ban Giám đốc Sở, bà An Thị Liên Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP cũng bày tỏ sự trân trọng, ghi nhận và cảm ơn sự đồng lòng, chung sức, nỗ lực của tập thể cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm; sự ủng hộ, đồng hành của phóng viên, biên tập các cơ quan báo chí trong suốt thời gian qua. Đây là tiền đề quan trọng để thời gian tới, Trung tâm góp sức nhiều hơn trong sự nghiệp phát triển trên lĩnh vực thông tin truyền thông TPHCM.