Những dự kiến điều chỉnh trong việc tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến của lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng tại Hội nghị Tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021. Hội nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức theo hình thức trực tuyến sáng nay, 25/3.
Những điều chỉnh mới
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy, trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn cơ bản giữ ổn định như các năm trước, nhưng có điều chỉnh một số điểm.
Trong đó, đáng lưu ý nhất là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh được đăng ký xét tuyển nguyện vọng bằng một trong hai hình thức: bằng phiếu trực tuyến (tại những nơi có điều kiện) hoặc bằng hình thức trực tiếp như các năm trước. Theo đó, năm 2021 sẽ là lần đầu tiên thí sinh được đăng ký xét tuyển trực tuyến.
Thứ hai là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng tối đa ba lần theo hình thức trực tuyến thay vì chỉ được điều chỉnh duy nhất một lần như các năm trước đây.
Thứ ba là Bộ sẽ quy định cụ thể hơn về việc các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng nguồn nhân lực. Theo đó, Bộ dự kiến điểm chuẩn của thí sinh diện đặt hàng được phép thấp hơn một điểm so với điểm chuẩn quy định chung của trường.
Bên cạnh đó là vấn đề về việc sử dụng phiếu kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để xác nhận nhập học, vấn đề thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh.
Nên cho thí sinh điều chỉnh mấy lần?
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, các dự kiến điều chỉnh đều nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh.
Phát biểu tại Hội nghị, đa số các trường đại học đều đồng tình với những dự kiến điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay. Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng việc điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần sẽ giúp cho thí sinh có thêm cơ hội để cân nhắc các nguyện vọng xét tuyển.
Đây cũng là quan điểm của phó giáo sư Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và phó giáo sư Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội. “Tôi ủng hộ các điều chỉnh, làm thế nào để hoạt động tuyển sình thuận lợi hơn, đặc biệt là thuận lợi hơn cho thí sinh, người học,” ông Tú nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, do việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển là lần đầu tổ chức triển khai nên các nhà trường nên dành thời gian để hướng dẫn, tập huấn cho thí sinh, nhằm hạn chế các sai sót.
Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ba lần. Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng việc được đăng ký xét tuyển trực tuyến là điểm mới rất tích cực, giúp công tác tuyển sinh được nhẹ nhàng hơn, nhanh gọn hơn. “Nhưng điều chỉnh nguyện vọng ba lần là quá dài, ảnh hưởng đến thời gian tuyển sinh,” giáo sư Nguyễn Đình Đức chia sẻ.
Đây cũng là ý kiến của tiến sỹ Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính. “Kinh nghiệm là nếu cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần thì có thể cá cem sẽ không nhớ là mình đã thay đổi như thế nào. Thí sinh điều chỉnh trực tuyến được ba lần, còn nếu điều chỉnh trực tiếp thì được mấy lần?” ông Tùng đặt câu hỏi.
Chia sẻ băn khoăn này của các trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay Bộ sẽ quy định thời gan điều chỉnh nguyện vọng trong khoảng từ 5 đến 7 ngày. Trong khoảng thời gian đó, thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng hai hoặc ba lần theo hình thức trực tuyến. “Vì vậy, sẽ không ảnh hưởng tới khung kế hoạch thời gian xét tuyển. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các vụ, cục có thể gửi xác nhận đăng ký qua email cho thí sinh để các em chắc chắn về các nguyện vọng đã điều chỉnh,” Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các trường đại học cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu về việc cho thí sinh được xác nhận nhập học trực tuyến thay vì phải gửi bản cứng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông về các trường như hiện nay. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết đây là một hướng tích cực và Bộ sẽ nghiên cứu để có thể triển khai.