Tuyệt đối không để thiếu trang thiết bị y tế chỉ vì cơ chế, thủ tục

15:33 17/07/2021

(HMC) – Sáng 17/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan có cuộc họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 TPHCM về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.

Tham dự cuộc họp, về phía TPHCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng các thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.

Triển khai Kế hoạch điều trị 50.000 ca bệnh

Thông tin tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, từ 06 giờ ngày 16/7 đến 06 giờ ngày 17/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP ghi nhận 2.846 trường hợp dương tính SARS- CoV-2, trong đó 1.841 trường hợp trong khu vực phong tỏa và 474 khu vực cách ly, 420 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện, 104 trường hợp đang điều tra, bố sung thông tin và 07 trường hợp phơi nhiễm nghề nghiệp.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thông tin nhanh về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thông tin nhanh về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP

Hiện TP đang điều trị 26.035 trường hợp, có 262 ca đang thở máy, trong đó có 08 trường hợp cần can thiệp ECMO. Trong ngày 16/7 có 224 ca xác định xuất viện.

Công tác điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch được tăng cường triệt để cùng với chiến dịch xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm nguồn lây. Thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đồng thời lấy mẫu xét nghiệm mẫu gộp tại các ổ dịch ở phạm vi tổ dân phố, mở rộng khu phố (quyết định tùy theo yếu tố dịch tễ), toàn bộ công ty, xí nghiệp...

Từ 26/5 đến hết ngày 15/7/2021, ngành Y tế đã lấy 1.970.569 mẫu xét nghiệm RT-PCR (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công. nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...) và 1.421.226 test nhanh kháng nguyên.

TPHCM triển khai chiến dịch xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm nguồn lây. Ảnh minh họa
TPHCM triển khai chiến dịch xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm nguồn lây. Ảnh minh họa

Về giải pháp điều trị, TP triển khai Kế hoạch điều trị 50.000 ca bệnh, theo mô hình tháp 4 tầng trong điều trị COVID-19; Cơ sở hạ tầng các khu điều trị ở các tầng dần đi vào nề nếp, từ nguồn nhân lực và cơ sở vật chất và các điều kiện hậu cần khác phục vụ người bệnh.

Đối với Bệnh viện Hồi sức COVID-19, Sở Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân sự và điều kiện hậu cần đầy đủ, phối hợp từ tuyến trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất.

Đối với các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị khác, Sở Y tế đã phối hợp với Trường Đại học Y Dược TP tổ chức việc điều trị thu dung đồng thời mở thêm khu điều trị cho các bệnh nhân chuyển nặng để kịp thời xử lý các ca có dấu hiệu chuyển nặng trong thời gian chờ chuyển các tầng điều trị cao hơn, giảm tải cho các bệnh viện điều trị COVID-19 tuyến trên.

TP cũng đã triển khai việc cách ly F0 (nhân viên y tế), F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại các trung tâm y tế quận, huyện và các cơ sở cách ly tập trung của tuyến TP; triển khai các giải pháp công nghệ thông tin để điều phối các ca F0 không triệu chứng đến các bệnh viện thu dung điều trị và F0 đang chuyển nặng, nguy kịch đến bệnh viện điều trị COVID-19.

Cải thiện các quy định trong tiêm chủng để phù hợp với điều kiện thực tiễn

Qua 01 tuần thực hiện giãn cách theo tinh thần Chỉ thị số 16/CT-TTg, TP nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng, đặc biệt là các trường hợp phát hiện trong các khu vực phong tỏa, cách ly và qua khám sàng lọc tại cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, ghi nhận cộng đồng đã tích cực thực hiện yêu cầu trong giãn cách xã hội, tuy nhiên còn 1 số nơi chưa hoàn toàn nghiêm túc, còn tình trạng tụ tập đông người.

Để đảm bảo khống chế hiệu quả dịch bệnh trong tình hình như hiện nay, cần phải tiếp tục duy trì, đảm bảo nghiêm ngặt giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16.

Trong đó, tập trung kiểm soát các khu vực chợ truyền thống, siêu thị nếu không đảm bảo an toàn phòng dịch cũng phải ngưng hoạt động mua bán trực tiếp, chuyển sang các hình thức cung ứng, phân phối khác hạn chế sự tiếp xúc; Giám sát, kiểm tra trong khu vực phong tỏa đảm bảo cách ly y tế tuyệt đối giữa nhà với nhà, người với người; Giám sát chặt việc tuân thủ của người cách ly tại nhà, đặc biệt là các trường hợp F1, thí điểm cho phép cách ly tại nhà, chỉ thực hiện nếu kiểm tra xác nhận đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế; Sắp xếp lại nguồn nhân lực y tế để phân bố trên các lĩnh vực dự phòng và điều trị một cách hợp lý nhằm đảm hà vận hành hiệu quả trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, tăng cường độ bao phủ vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng; Tổ chức tiêm đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong giai đoạn giãn cách xã hội và không ảnh hưởng đến việc tập trung nguồn lực cho công tác chống dịch; Cải tiến các quy định, quy trình trong tiêm chủng phù hợp điều kiện thực tiễn; đảm bảo nguồn lực y tế để tổ chức tiêm vắc xin đợt 5 với 930.2700 liều do Bộ Y tế phân bổ.

Hơn 1.000 điểm bán đăng ký bổ sung trở thành kênh phân phối thực phẩm thiết yếu

Báo cáo về tình hình cung ứng hàng hóa, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, lượng lương thực, thực phẩm đã tăng 5.300 tấn so với ngày hôm qua nhưng vẫn thiếu khoảng 1.000 tấn so với ngày bình thường. Hiện nay, do điều kiện dịch bệnh phức tạp, nhiều tỉnh thành cũng đang thực hiện giãn cách xã hội nên việc thu mua gặp khó khăn, giá cả cũng cao hơn trước.

TP đã vận động thêm nhiều kênh khác để cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong đó, huy động các doanh nghiệp logistic và doanh nghiệp thương mại chưa tham gia vào hệ thống, đến nay đã có hơn 1.000 điểm bán đăng ký bổ sung trở thành kênh phân phối thực phẩm thiết yếu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngoài ra, ngành Công Thương TP tiếp tục phát huy chợ online; mô hình “Chợ nghĩa tình”, “Siêu thị mini 0 đồng” cũng đã được triển khai ở nhiều quận huyện, từng bước khắc phục việc chưa thuận lợi trong cung ứng hàng cho khu phong tỏa. Nhân viên siêu thị thực hiện “3 tại chỗ”, ăn, ở và làm việc cung ứng hàng cho bà con theo phương án không tiếp xúc.

Hiện nay lượng thịt heo về TP dồi dào 850 tấn/ngày đêm nhưng mặt hàng trứng các loại đang thiếu hụt cục bộ. Sở Công thương đang phối hợp với các tỉnh Đắc Nông, Gia Lai, các tỉnh miền Trung và một số tỉnh miền Bắc để cung ứng hàng cho TPHCM. 

Huy động các lực lượng tham gia giao hàng, kiểm tra trong các khu phong tỏa

Trao đổi tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong thông tin thêm, hiện nay, TP đang huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, thanh niên xung phong tham gia giao hàng, kiểm tra trong các khu phong toả. Lực lượng này sẽ tham gia cùng tổ COVID-19 cộng đồng tăng cường kiểm tra, tránh để lây nhiễm chéo trong khu phong toả. Ngoài ra, Ban dân vận Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP cũng huy động lực lượng từ các tổ chức tôn giáo và đã tiếp nhận gần 700 tình nguyện viên cùng tham gia chăm sóc bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị ca COVID-19 nặng.

Về công tác xét nghiệm, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cho biết, trong thời gian vừa qua, TP chỉ đạo xét nghiệm tập trung các vùng lõi, khu phong toả, nơi có nguy cơ cao, các quận - huyện tập trung kết hợp giữa lấy mẫu test nhanh với xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn và mẫu gộp. Trong đó, số mẫu đơn PCR tăng rất nhanh, vượt quá mức xét nghiệm. Do đó, TP đã điều phối ngay lực lượng đến hỗ trợ, đảm bảo trả kết quả xét nghiệm kịp thời.

Về năng lực xét nghiệm mẫu gộp, TP sẽ chỉ đạo mở rộng kết hợp 2 đầu, một bên tập trung vào vị trí trọng yếu, một bên là các khu vực giáp ranh.

Đảm bảo liên tục cung ứng hàng hóa về TPHCM

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam đề nghị TPHCM triển khai đồng bộ các giải pháp trong hệ thống y tế; tổng lực rà soát, thống kê năng lực, công suất hiện tại cũng như quy trình, thủ tục mua máy móc, trang thiết bị để cung cấp đầy đủ cho các cơ sở y tế, đảm bảo cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, tuyệt đối không để thiếu hụt máy móc, trang thiết bị chỉ vì cơ chế, thủ tục. Theo đó, phát huy tinh thần tập thể lãnh đạo, TP khẩn trương thống nhất cơ chế tài chính về mua sắm trang thiết bị y tế trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.

Về công tác xét nghiệm, theo Phó Thủ tướng, số lượng lấy mẫu là quan trọng nhưng quan trọng hơn là phải đảm bảo khoảng cách, giữ an toàn phòng dịch trong quá trình lấy mẫu.

Phó Thủ Tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị TPHCM phát huy tinh thần tập thể lãnh đạo, khẩn trương thống nhất cơ chế tài chính về mua sắm trang thiết bị y tế trong giai đoạn hiện nay,
Phó Thủ Tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị TPHCM phát huy tinh thần tập thể lãnh đạo, khẩn trương thống nhất cơ chế tài chính về mua sắm trang thiết bị y tế trong giai đoạn hiện nay,

Về lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu, Trung ương đã làm việc và có chỉ đạo các địa phương liên tục cung ứng về TP để hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân TPHCM. Việc vận chuyển, phân bổ hàng hóa trong TP, các Sở - ngành của TP tiếp tục triển khai các phương án đã đề ra. Trong đó, tiếp tục kiểm tra, kiểm soát và phân phối hoạt động giao hàng trên địa bàn để đảm bảo cung cấp hàng hóa kịp thời nhất cho người dân.

Hàng ngày, TP có thống kê, báo cáo sớm về các mặt hàng còn thiếu để Trung ương có giải pháp hỗ trợ phân bổ và điều tiết phù hợp.

Xử lý nghiêm hơn nữa các vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh

Thống nhất ý kiến với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên cho rằng, tình hình dịch bệnh hiện nay đang diễn biến phức tạp, số ca F0 và F1 ngày càng tăng cao, cả trong khu vực phong toả, ngoài cộng đồng và phát sinh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp có đông công nhân.

Thành phố đã và đang tập trung tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và chuẩn bị them các bệnh viện dã chiến.

Tuy nhiên, để đảm bảo trang bị đầy đủ và kịp thời các thiết bị, máy móc, Bí thư Thành uỷ kiến nghị Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 có cơ chế rút ngắn thủ tục mua, nhập nhanh nhất một số thiệt bị, vật tư y tế để cung ứng cho các khâu hồi sức, cấp cứu cho bệnh nhân nặng tại bệnh viện.

Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị có cơ chế rút ngắn thủ tục mua, nhập trang thiết bị y tế để cung ứng kịp thời cho các khâu hồi sức, cấp cứu cho bệnh nhân nặng tại bệnh viện.
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị có cơ chế rút ngắn thủ tục mua, nhập trang thiết bị y tế để cung ứng kịp thời cho các khâu hồi sức, cấp cứu cho bệnh nhân nặng tại bệnh viện.

Bên cạnh đó, đề nghị Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP, các cấp uỷ Đảng phân công nhân sự các ngành cụ thể, tăng cường xuống hỗ trợ các cơ sở trong việc thực hiện Chỉ thị 16. “Hiện nay vẫn còn xuất hiện tình trạng người dân tụ tập đông đúc tại một số thời điểm. Do đó, Chủ tịch UBND TP cần tăng cường kiểm tra, phân công lực lượng tại chỗ tự quản, có kế hoạch xử lý cụ thể khi có sự việc đột xuất xảy ra. Qua kiểm tra, nếu phát hiện nơi nào không thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 hoặc không thực hiện chỉ đạo của TP thì xử lý nghiêm khắc để công tác phòng chống dịch phải nghiêm hơn nữa, toàn diện hơn nữa, nhất là những nơi có dấu hiệu lây nhiễm, nguy cơ cao.” – Bí thư Thành ủy lưu ý.

Theo Bí thư Thành ủy, mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là kéo giảm tỉ lệ tử vong và điều trị cho các ca bệnh nặng, do đó TP cần lên phương án cho các tình huống cụ thể; cùng với đó là tăng cường phân công lực lượng kiểm tra giám sát, tổ chức lại những chốt kiểm soát trong khu cách ly, phong toả.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục