UBND TPHCM triển khai nhiệm vụ trọng tâm 03 tháng cuối năm 2021

18:11 19/10/2021

(HMC) – Chiều 19/10, UBND TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến với các quận – huyện, TP Thủ Đức về tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội (KT-VH-XH), quốc phòng – an ninh (QP-AN), thu chi ngân sách 09 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 03 tháng cuối năm 2021. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình chủ trì Hội nghị.

Tham dự hội nghị có Phó Cục trưởng Cục Hành chính – Quản trị II (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Văn Cường; các Phó Chủ tịch UBND TP; các thành viên UBND TP; lãnh đạo các Sở - ngành, đơn vị; lãnh đạo UBND các quận – huyện, TP Thủ Đức.

Tăng cường các lực lượng thực hiện chăm lo an sinh cho người dân

UBND TPHCM triển khai nhiệm vụ trọng tâm 03 tháng cuối năm 2021 - Ảnh 1
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Linh Nhi

Đánh giá khái quát về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình cho rằng, trong 9 tháng đầu năm 2021, Thành phố đã nỗ lực, chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19; khẩn trương điều tra truy vết, xử lý các ca bệnh trong cộng đồng; triển khai áp dụng thực hiện giãn cách xã hội phù hợp với mức độ dịch bệnh tại mỗi địa phương, khu vực, giai đoạn; sáng tạo, chủ động ban hành Chỉ thị về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn và Chỉ thị về đẩy mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19, quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Đến nay, công tác phòng, chống dịch của Thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được củng cố; số ca nhiễm mới, nhập viện, chuyển nặng và tử vong có xu hướng giảm; tỷ lệ bao phủ đủ 02 mũi vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ cao (bao phủ vắc xin mũi 1 cho hơn 98,8% người trên 18 tuổi và hơn 76,5% mũi 2); ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch được nâng cao.

Công tác an sinh xã hội cũng được các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện với phương châm “không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc”. Trung tâm An sinh đã thực hiện hỗ trợ trên 2,1 triệu túi an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn Thành phố. Chương trình SOS của Trung tâm an sinh TP đã hỗ trợ trên 14.300 phần quà cho các trường hợp cứu trợ khẩn cấp. Thành phố đã đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo Nghị quyết của Chính phủ và HĐND TP, đến nay đã chi trên 5.521 tỉ đồng. UBND TP đang khẩn trương thực hiện công tác chi hỗ trợ đợt 3 theo Nghị quyết 97 của HĐND TP. Bên cạnh đó, đã vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền trên 329 tỉ đồng…

Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu của người dân. Thành phố đang tăng cường các lực lượng để kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân.

Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, nhất là trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tổ chức thành công cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Năm 2021 là năm đầu tiên TPHCM tổ chức thực hiện mô hình “Thành phố trong Thành phố” theo Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM; và là năm chủ đề thực hiện “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” theo Quyết định số 40/QĐ-UBND. Với tinh thần chủ động, quyết liệt, dám nghĩ dám làm, TPHCM đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp mới, đột phá nhằm vượt qua khó khăn, ổn định các mặt tình hình kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho các năm tiếp theo để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra.

Dự kiến hoàn thành 11/29 chỉ tiêu thành phần KT-VH-XH năm 2021

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội liên tục trong thời gian dài đã tác động đến toàn bộ các hoạt động KT-XH, dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế giảm sâu; tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn ước đạt 636.306 tỷ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,3%); tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,5 tỷ USD, giảm 3,4% (cùng kỳ tăng 4,9%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng ước giảm 12,9% (cùng kỳ giảm 4,9%). Bốn ngành công nghiệp trọng yếu 9 tháng ước giảm 10,9% (cùng kỳ giảm 0,1%). Những khó khăn nêu trên trên tác động đến GRDP 9 tháng đầu năm ước giảm 4,98% (cùng kỳ tăng 0,77%), dự báo cả năm 2021 giảm 5,06% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,39%) và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%). Công tác kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, tâm lý của người dân, sức chịu đựng của doanh nghiệp Thành phố.

Đối với 29 chỉ tiêu thành phần của Nghị quyết số 89/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND TP về nhiệm vụ KT-VH-XH năm 2021, Thành phố dự kiến hoàn thành 11/29 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 37,93%; dự kiến chưa hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, tỷ lệ 44,83%; chưa đủ cơ sở tính toán được 5/29 chỉ tiêu, tỷ lệ 17,24%.

Đối với Chương trình công tác năm 2021, đến nay đã hoàn thành 57/174 nội dung, tỷ lệ 32,76%; nhiều nội dung phải tạm hoãn hoặc điều chỉnh thời gian thực hiện cho phù hợp do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến tỷ lệ nội dung trễ hạn còn ở mức cao.

Với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực quyết tâm không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở, của các lực lượng chi viện; sự tham gia xuyên suốt, tích cực, đầy trách nhiệm của các lực lượng tuyến đầu như lực lượng y bác sĩ, công an, quân đội..., ngoài ra còn có sự tham gia của các chức sắc tôn giáo, khẳng định tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố, thực hiện đúng phương châm “mỗi xã, phường, thị trấn là một pháo đài phòng chống dịch”, góp phần cùng Thành phố đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Thành phố trân trọng, ghi nhận và cảm ơn sự đồng hành, chung sức, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Đây là tiền đề và điều kiện tiên quyết cho Thành phố xem xét từng bước mở cửa trở lại các hoạt động KT-XH.

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ, chỉ tiêu 9 tháng đầu năm vẫn cơ bản hoàn thành và là điểm sáng đáng ghi nhận như: Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 75% dự toán, tăng 7,96% so với cùng kỳ; Các dịch vụ ngân hàng đều duy trì hoạt động và tăng trưởng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.045.000 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2020; Giá trị sản xuất tại Khu công nghệ cao Thành phố ước đạt 16,215 tỷ USD tăng 12,51% so với cùng kỳ;....

Vì vậy, hội nghị lần này, UBND TP mong muốn được lắng nghe ý kiến, thảo luận của các Sở - ngành, địa phương, nhất là về các giải pháp trọng tâm 03 tháng cuối năm 2021 để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi kinh tế Thành phố.

Tiết kiệm được 1.400 tỷ đồng chi thường xuyên để phục vụ phòng chống dịch

Liên quan đến quản lý, điều hành thu chi ngân sách 03 tháng cuối năm 2021, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà nhận định, với sự tác động ảnh hưởng của dịch bệnh, đây sẽ là nhiệm vụ rất nặng nề của ngành Tài chính nói riêng và toàn TP nói chung. Tuy nhiên, với những kết quả TP đã đạt được trong phòng chống dịch bệnh cùng với những giải pháp phục hồi kinh tế (bao gồm một loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp) là những tiền đề thuận lợi cho việc triển khai công tác thu chi ngân sách.

Theo đó, ngành Tài chính TP đề nghị các Sở - ngành, đơn vị có liên quan đến hoạt động thu ngân sách (nhất là Cục Thuế TP, Cục Hải quan TP – 02 cơ quan có thu xuất nhập khẩu và Sở Tài nguyên Môi trường – với những nguồn thu chủ động) tiếp tục phát huy những kết quả thời gian qua, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, nắm bắt các vướng mắc của DN để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ.

Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà nhận định, công tác thu chi ngân sách 03 tháng cuối năm 2021 là nhiệm vụ rất nặng nề. Ảnh: Linh Nhi
Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà nhận định, công tác thu chi ngân sách 03 tháng cuối năm 2021 là nhiệm vụ rất nặng nề. Ảnh: Linh Nhi

Về quản lý chi, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết trong 09 tháng qua, các Sở - ngành, quận - huyện đã tiết kiệm được 1.400 tỷ đồng khoản chi thường xuyên để phục vụ cho công tác phòng chống dịch; đề nghị từ nay đến cuối năm, các Sở ngành, đơn vị, quận huyện tiếp tục tiết kiệm các khoản chi không thật sự cần thiết.

Về kế hoạch đầu tư công, phấn đấu đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Trong giai đoạn hiện nay, nguồn vốn đầu tư công chính là nguồn vốn dẫn dắt các hoạt động đầu tư khác, là tiền đề để phục hồi kinh tế năm 2021 và những năm tiếp theo.

Dự kiến, trong thời gian tới, Sở Tài chính tiếp tục tham mưu UBND TP làm việc với các Sở - ngành, có kế hoạch và phương án làm việc với Trung ương để hướng dẫn và hỗ trợ cho TP ổn định và cân đối ngân sách TP. Trước mắt, xem xét việc huy động nguồn lực thông qua phát hành trái phiếu; làm việc với Bộ Tài chính về chỉ tiêu huy động vốn trên thị trường nội địa ngay từ đầu năm 2022 …

TPHCM đang ở cấp độ 2 - Nguy cơ trung bình

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng thông tin, căn cứ theo hướng dẫn phân cấp độ dịch tại Quyết định 4800 của Bộ Y tế, TPHCM đang ở cấp độ 2 - Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng (tuần trước là cấp độ 3). “Tuy nhiên, việc đánh giá cấp độ dịch chỉ mang tính tức thì tại thời điểm hiện tại, không có giá trị vĩnh viễn. Nếu chúng ta chủ quan, lơ là công tác phòng chống dịch, cấp độ này chắc chắn sẽ thay đổi theo hướng tăng nguy cơ” - ông Tăng Chí Thượng chia sẻ.

Theo Giám đốc Sở Y tế, các cơ sở y tế luôn phải trong trạng thái sẵn sàng các phương án để thu dung, điều trị các ca mắc COVID-19. Trong thời gian tới, ngành Y tế TP sẽ tập trung tăng cường công tác giám sát để cảnh báo dịch; cập nhật lại cách phát hiện và xử lý các trường hợp F0 trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế; đánh giá cấp độ dịch thường xuyên theo từng cấp phường - xã, quận - huyện để kịp thời có biện pháp phù hợp.

Bên cạnh đó, các quận - huyện xây dựng kế hoạch chi tiết để ứng phó với các tình huống theo hướng dẫn của ngành Y tế, có diễn tập từ tình huống khó nhất.

Theo Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng, trong thời gian tới ngành Y tế TP sẽ tập trung tăng cường công tác giám sát để cảnh báo dịch. Ảnh: Linh Nhi
Theo Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng, trong thời gian tới ngành Y tế TP sẽ tập trung tăng cường công tác giám sát để cảnh báo dịch. Ảnh: Linh Nhi

Trong công tác điều trị, hiện Thành phố đang điều trị tại các bệnh viện tầng 2, 3 là 32.885 bệnh nhân, số ca F0 đang cách ly điều trị tại các khu cách ly tập trung TP Thủ Đức và các quận - huyện là 18.043 người, điều trị tại nhà là 28.119 người. Do đó, Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, công tác điều trị cần tiếp tục tập trung để cứu chữa bệnh nhân.

Sở Y tế cũng triển khai lộ trình ngưng hoạt động các bệnh viện dã chiến và tiến hành hoạt động mô hình bệnh viện 3 tầng; trong đó các bệnh viện quận – huyện phải xây dựng tổ/đơn vị điều trị COVID-19 và lập danh sách các y, bác sĩ, điều dưỡng dự bị sẵn sàng tham gia các Trạm y tế lưu động khi các bệnh viện cần hỗ trợ… Ngoài ra, các quận huyện cũng đang xây dựng các bệnh viện dã chiến với quy mô lớn để sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra.

Giám đốc Sở Y tế đề nghị các quận – huyện tăng cường, kiểm tra giám sát việc thực hiện các Bộ tiêu chí an toàn trên các lĩnh vực mà UBND TP đã ban hành để đảm bảo công tác phòng chống dịch được duy trì hiệu quả.

Ưu tiên đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường nội địa

Để khẩn trương hỗ trợ DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021, Sở Công Thương tập trung triển khai kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, dự kiến ngày mai (20/10), TP tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động này. Tại hội nghị sẽ có khoảng 80 hợp đồng vay vốn với lãi suất ưu đãi được ký kết giữa 20 ngân hàng và 80 DN. Cùng với đó, Sở cũng tổ chức kết nối các ngân hàng thương mại đến từng ngành nghề với các gói hỗ trợ ưu đãi để DN lựa chọn theo nhu cầu.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú cũng cho hay, trong nhiệm vụ trong tâm thời gian tới ngành Công Thương tiếp tục triển khai chương trình kích cầu đầu tư, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ DN đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ để cải tiến chất lượng sản phẩm, năng cao năng lực cạnh tranh.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến để hỗ trợ DN mở rộng thị trường. Trước mắt, ưu tiên xúc tiến thị trường nội địa thông qua các hội thảo chuyên môn và các hội nghị trực tuyến và trực tiếp,…

Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú cho hay nhiệm vụ trong tâm thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục triển khai chương trình kích cầu đầu tư, xúc tiến mở rộng thị trường. Ảnh: Linh Nhi
Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú cho hay nhiệm vụ trong tâm thời gian tới, ngành Công Thương tiếp tục triển khai chương trình kích cầu đầu tư, xúc tiến mở rộng thị trường. Ảnh: Linh Nhi

Thông tin thêm về tình hình hoạt động cung ứng hàng hóa, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, TP có 106/106 siêu thị, 77/234 chợ truyền thống hoạt động; dự kiến đến ngày 25/10 sẽ mở lại thêm 03 chợ truyền thống. Hiện có 04 quận - huyện chưa mở lại chợ truyền thống, đề nghị xem xét các tiêu chí an toàn để tiến hành mở lại chợ trên địa bàn.

03 tháng cuối năm 2021, TPHCM cần thêm khoảng 60.000 lao động

Liên quan nguồn nhân lực, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Minh Tấn cho biết, hiện có khoảng 150.000 lao động quay lại TP làm việc tại 1.400 DN. Tổng số lượng công nhân đang làm việc khoảng 230.000 người, tập trung tại các KCN, KCX, KCNC.

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, TP cần thêm khoảng 60.000 lao động và quý I/2022 cần khoảng 120.000 – 140.000 lao động.

Trong đó, các trường Trung cấp, Cao đẳng nghề tại TP chuẩn bị ra trường khoảng 80.000 người, có thể đáp ứng được nhu cầu về lao động tại các DN của TP.

Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu TP đẩy mạnh hoạt động các sàn giao dịch việc làm ở các quận – huyện, TP Thủ Đức để kết nối lao động. Nhiều DN cũng đang kêu gọi công nhân trở lại làm việc.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Minh Tấn cho biết, tổng số lượng công nhân đang làm việc tại TPHCM khoảng 230.000 người. Ảnh: Linh Nhi
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Minh Tấn cho biết, tổng số lượng công nhân đang làm việc tại TPHCM khoảng 230.000 người. Ảnh: Linh Nhi

Về gói hỗ trợ an sinh đợt 3, đến nay TP đã giải ngân được khoảng 78% (tương ứng với 5.130.000 người thuộc danh sách được các địa phương thẩm định phê duyệt). Trong đó, có 11 quận - huyện và TP Thủ Đức đạt trên 90% và 8 quận đạt trên 80%, riêng Bình Chánh và Bình Tân đạt trên 50% do số lượng người trong danh sách đông. Theo đó, đề nghị các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đến ngày 22/10/2021 hoàn thành việc chi trả.

Về hỗ trợ gạo, TP cơ bản đã nhận đủ 71.000 tấn gạo hỗ trợ của Chính phủ và tổ chức cấp phát cho 4.700.000 người dân; đến nay chỉ còn huyện Nhà Bè chưa hoàn thành, đề nghị địa phương nhanh chóng thực hiện việc cấp phát cho người dân và hoàn thành trước ngày 22/10/2021.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, TPHCM hiện có 2.000 trẻ em mồ côi do ba mẹ tử vong vì COVID-19 và khoảng 400 người già không có người thân nuôi dưỡng, tập trung chủ yếu ở các quận 4, 8, 12, Bình Tân, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức. Chủ trương của Sở tham mưu UBND TP ngoài chính sách hỗ trợ chung, sẽ tăng thêm mức hỗ trợ theo Nghị định 20 của Chính phủ từ 380.000 đồng lên 480.000 đồng/tháng/người; riêng trẻ em dưới 4 tuổi có mức hỗ trợ 1,2 triệu đồng/tháng, trẻ em trên 4 tuổi có mức hỗ trợ 720.000 đồng/tháng và người già neo đơn có mức hỗ trợ từ 480.000 – 1.440.000 đồng/tháng.

Bên cạnh đó, Sở cũng tích cực phát động, huy động các nguồn lực để hỗ trợ, phụng dưỡng người già, đỡ đầu trẻ em mồ côi do cha mẹ tử vong vì COVID-19 trên địa bàn TP. 

Vân Anh - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục