Ưu tiên sử dụng loa truyền thanh, di động để thông báo các chính sách giúp an dân trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội

11:19 24/08/2021

(HMC) – Nhằm tăng cường hiệu quả trong phối hợp chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 tại TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ban hành Kế hoạch số 3235/KH-BTTT để huy động lực lượng truyền thông, tạo đồng thuận, đoàn kết toàn dân chống dịch; phát hiện kịp thời các vấn đề nảy sinh để tham gia giải quyết, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường; đấu tranh, phản hồi kịp viết giả, tin xấu độc; cung cấp kịp thời thông tin thiết thực với nhân dân để giúp đảm bảo sinh hoạt thiết yếu, được chăm sóc sức khỏe, bớt hoang mang, lo lắng.

Ưu tiên sử dụng loa truyền thanh, di động để thông báo các chính sách giúp an dân trong thời gian siết chặt giãn cách xã hội
Ảnh minh họa

Bên cạnh thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với công tác truyền thông, Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông cần tuyên truyền nổi bật các giải pháp của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền Thành phố; nỗ lực của Thành phố chăm lo đời sống của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách; nhấn mạnh sự tăng cường tham gia của quân đội, công an, các lực lượng khác là để cùng TPHCM hỗ trợ, chăm lo, giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn của đại dịch.

Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, nhiều thách thức, báo chí cần thận trọng trước các thông tin; không đăng tải các dự báo thiếu căn cứ về các nguy cơ; không giật tít tin, bài theo kiểu dạng nghi vấn, lửng lơ dễ gây suy diễn, hiểu theo hướng tiêu cực liên quan đến công tác phòng, chống dịch; tránh thông tin những hiện tượng cá biệt, đơn lẻ, không phản ánh bản chất tình hình chung.

Đồng thời, thận trọng khi sử dụng và không bình luận hình ảnh các phương tiện, vũ khí, khí tài của quân đội công an tại Thành phố, tránh để bị lợi dụng, kích động, xuyên tạc, chống phá; Đấu tranh, phản bác kịp thời các thông tin giả, xấu độc trên không gian mạng. Cơ quan báo chí có sai sót khi đăng tải thông tin thì phải đính chính ngay.

Tăng cường thông tin hướng dẫn người dân thực hiện phòng, chống dịch; Thông tin nhanh, đúng, đủ liều lượng, rõ ràng về các giải pháp mới của ngành y tế trong việc đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, tự xét nghiệm, hoạt động của các đội chăm sóc y tế lưu động tại các phường – xã – thị trấn.

Trực tiếp chủ động đấu tranh ngay trên không gian mạng hoặc trên mặt báo đối với các thông tin sai sự thật, luận điệu sai trái, đặc biệt với những tin tức lan toả với quy mô, tốc độ bất thường, có ý đồ, mục đích xấu. Các mạng xã hội trong nước, trang tin điện tử tổng hợp tham gia tích cực vào việc lan toả các thông tin hữu ích, thiết thực giúp các ngành, các cấp và người dân chống dịch hiệu quả,

Dùng những cơ chế phối hợp đặc biệt với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, bao gồm cả các biện pháp kỹ thuật để xử lý, bóc gỡ triệt để tin giả, tin xuyên tạc, bóp méo các quan điểm, phương pháp chống dịch, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý nhân dân và ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chống dịch, ổn định xã hội.

Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh, trong tình hình siết chặt giãn cách xã hội hiện nay ở TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, cần ưu tiên các phương tiện, phương thức truyền thông chính sách nhanh và tốt nhất đến người dân; đặc biệt là dân nghèo, người nhập cư khu ven đô (không tivi, không điện thoại thông minh, chính quyền khó quản lý...). Vì vậy, sử dụng hệ thống loa truyền thanh, hệ thống loa di động... để thông báo ngắn gọn các chính sách, đặc biệt là các thông tin, chính sách cụ thể giúp an dân (như: lịch chuyển, cách chuyển hàng hoá nhu yếu phẩm, thuốc đến người dân, các biện pháp chăm sóc F0 ở nhà, các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng xã, phường...).

Về thông tin đối ngoại, cần tập trung thông tin, tuyên truyền trên báo chí bằng tiếng nước ngoài (và thông qua cả các cơ quan báo chí, thông tấn nước ngoài) về những biện pháp quyết liệt của Chính phủ Việt Nam, của TPHCM và các tỉnh phía Nam nhằm kiểm soát thành công sự lây lan của dịch bệnh, giảm thiếu các ca tử vong, điều trị thành công cho các bệnh nhân COVID-19; tăng cường thông tin cho người nước ngoài tại Việt Nam để họ hiểu, thực hiện và không gặp nhiều khó khăn trong công việc, giải quyết được các nhu cầu thiết yếu và chăm sóc sức khoẻ. Nêu bật các kết quả tích cực trong công tác kiểm soát dịch, giảm tỷ lệ tử vong ở Việt nam, cũng như những khó khăn cần sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ngoại giao vắc-xin. Tạo điều kiện để báo chí quốc tế tiếp cận thực địa ngay khi tình hình đã được kiểm soát.

Về viễn thông, tiếp tục thực hiện việc nhắn tin SMS, gửi thông điệp qua nhạc chờ và qua các hình thức khác đối với người dân khu vực TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An để gửi các thông tin, khuyến cáo ngắn gọn, quan trọng cần người dân biết và tuân thủ thực hiện.

Trong lĩnh vực Công nghệ thông tin – An toàn thông tin, tổ chức tốt việc sử dụng công nghệ để hỗ trợ tập hợp, phân tích, đánh giá tình hình công tác phòng chống dịch, “lắng nghe" các ý kiến phản hồi, phản biện về các biện pháp, chiến thuật chống dịch cụ thể cần có điều chỉnh để phù hợp tình hình thực tế. Tổng hợp có chọn lọc các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, bà con Việt kiều ở nước ngoài để cung cấp cho báo chí, truyền thông và tham mưu điều chỉnh chính sách, chiến thuật, giải pháp chống dịch.

Bên cạnh đó, theo dõi thông tin trên báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, thống kê các dòng thông tin chính trong từng giờ, từ đó xác định sớm các dòng thông tin, các hướng khai thác thiếu tích cực để góp ý điều chỉnh ngay.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục