Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề xuất Luật Đô thị đặc biệt cho TPHCM

14:04 02/06/2023

Về đề nghị xây dựng Luật Đô thị đặc biệt của đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để làm rõ, đề xuất các chính sách, giải pháp quản lý, phát triển đô thị đặc biệt.

Sáng 2-6, đa số các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Kiến nghị xây dựng Luật Đô thị đặc biệt cho TPHCM

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Theo đó, về đề nghị xây dựng Luật Đô thị đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thời gian qua Quốc hội đã ban hành một số nghị quyết về thực hiện và thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hà Nội, TPHCM và các thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Quốc hội tiếp tục phiên làm việc tại hội trường sáng 2-6. Ảnh: QUANG PHÚC
Quốc hội tiếp tục phiên làm việc tại hội trường sáng 2-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo quy định tại các nghị quyết, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội kết quả sơ kết thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại kỳ họp cuối năm 2023. Đồng thời, trong dự kiến chương trình năm 2023, 2024 đã có dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Chính phủ đang nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Quản lý và phát triển đô thị để kịp thời thể chế hóa nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết. Ảnh: QUANG PHÚC
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua nghị quyết. Ảnh: QUANG PHÚC

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ khẩn trương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên. Quá trình nghiên cứu, sơ kết, xây dựng các dự án luật có liên quan, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để làm rõ, đề xuất các chính sách, giải pháp quản lý phát triển đô thị đặc biệt.

Trước đó, trong phiên thảo luận tổ ngày 30-5, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề xuất cần nghiên cứu có Luật Đô thị đặc biệt cho TPHCM để thành phố này phát triển xứng tầm chứ không chỉ dừng lại ở nghị quyết.

Cuối buổi thảo luận, Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho biết, thời gian tới, TPHCM hướng đến có Luật Đô thị đặc biệt dành cho thành phố chứ không chỉ dừng lại ở nghị quyết. Việc này trong quá trình tổng kết Nghị quyết 54, TPHCM có tính đến nhưng để đưa vào chương trình xây dựng pháp luật, chuẩn bị hồ sơ để ban hành luật cần rất nhiều thời gian. Cho nên, TPHCM vẫn phải có một nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 và song song đó TPHCM sẽ nghiên cứu một cách rất bài bản, khoa học, hướng tới có Luật Đô thị đặc biệt cho TPHCM, kể cả TP Thủ Đức.

Xây dựng khung pháp lý cho cơ chế thử nghiệm sandbox

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng trả lời các ý kiến đề nghị xây dựng Luật về Giao dịch số, Luật hoặc Nghị quyết của Quốc hội để quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong từng ngành, lĩnh vực…

Theo đó, để hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Tần số vô tuyến điện. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), cho ý kiến về dự án Luật Căn cước, Luật Viễn thông (sửa đổi)...

Cùng với đó, Chính phủ cũng đang chỉ đạo nghiên cứu để xây dựng dự án Luật về Công nghiệp công nghệ số, sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghệ thông tin, Luật Bưu chính…

Về việc xây dựng khung pháp lý cho cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các công nghệ, mô hình đầu tư kinh doanh mới và quản lý, sử dụng các thiết bị thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây là các vấn đề mới, khó, cần nghiên cứu, triển khai từng bước, thận trọng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nghiên cứu, có báo cáo đề xuất về vấn đề này.

Sáng 2-6, đa số các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Ảnh: QUANG PHÚC
Sáng 2-6, đa số các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sớm xây dựng, thông qua luật về công nghiệp công nghệ số, trong đó quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số để tạo khuôn khổ pháp lý chung cho việc triển khai thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, mang tính đổi mới, sáng tạo, làm cơ sở để xây dựng và triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực.

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này đã giao Chính phủ quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát việc ứng dụng công nghệ và triển khai các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong hoạt động ngân hàng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục phối hợp với Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật có liên quan nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cần khẩn trương sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế

Về dự án Luật Chuyển đổi giới tính, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bản dạng giới là vấn đề phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cả về mặt khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta cũng như truyền thống văn hóa, nhận thức xã hội. Về tiến độ trình dự án luật, đề nghị Quốc hội cho giữ tiến độ trình dự án luật này tại kỳ họp thứ 8 như đã đề xuất để có thêm thời gian chuẩn bị.

Đối với đề nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến của đại biểu Quốc hội cần khẩn trương sửa đổi luật này để khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn và bảo đảm đồng bộ với các quy định có liên quan của Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới được Quốc hội thông qua. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi luật để sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào chương trình.

VĂN MINH/SGGP

Tin cùng chuyên mục