Việt Nam phấn đấu cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030

15:43 01/12/2020

(HMC) – Ngày 1/12, Bộ Y tế tổ chức hội nghị Mít tinh hướng ứng ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12) và tổng kết 30 năm công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến dự và chủ trì hội nghị. Cùng chủ trì có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Tham dự hội nghị trực tiếp ở Hà Nội có gần 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo các Bộ - ngành, cơ quan Trung ương, các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; đại diện các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu TPHCM có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cùng lãnh đạo các Sở - ngành, quận - huyện, đơn vị, tổ chức liên quan trên địa bàn TP.

Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh
Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh

Thông tin tại hội nghị, GS - TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Trải qua 30 năm qua ứng phó với đại dịch AIDS, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự huy động của các Bộ - ngành, địa phương, sự tích cực, chủ động tham gia của cộng đồng và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã và đang triển khai toàn diện, hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, dịch bệnh từng bước được kiểm soát.

Đặc biệt, năm 2020 là 12 năm liên tiếp, Việt Nam đạt mục tiêu 3 giảm, đó là giảm số người mới phát hiện nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Theo tính toán của các chuyên gia,Việt Nam đã tránh cho hơn nửa triệu người không bị nhiễm HIV, gần 200.000 người thoát khỏi tử vong do AIDS.

Ở thời điểm cách đây 13 năm, mỗi năm Việt Nam phát hiện được khoảng hơn 30.000 trường hợp nhiễm HIV, 10.000 trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS thì hiện nay mỗi năm phát hiện khoảng 10.000 trường hợp và có khoảng 2.000 trường hợp tử vong. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%. Chỉ tính riêng trong vòng 15 năm qua, chúng ta đã tránh cho nửa triệu người không bị nhiễm HIV và cứu khoảng 200.000 người không bị tử vong vì AIDS.

Với kết quả đó, Chương trình điều phối của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS đánh giá Việt Nam cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ là 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới.

Trên cơ sở kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và ban hành Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Mục tiêu này cũng được đặt ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải phấn đấu đưa tỷ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 1.000 ca mỗi năm và vào năm 2030 về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS. 

Báo cáo thêm với hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm; dịch vụ xét nghiệm HIV được mở rộng và đa dạng hơn, góp phần phát hiện gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới qua các giải pháp xét nghiệm tại các cơ sở y tế, xét nghiệm dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm… Sự tham gia của các tổ chức cộng đồng và phòng, chống HIV/AIDS đã được tăng cường; công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tiếp tục được duy trì và đổi mới. Hiện có 52.000 bệnh nhân đang điều trị bằng Methadone thường xuyên, hiệu quả cao….

Bên cạnh đó, việc điều trị Dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) được triển khai tốt. Điều trị ARV tiếp tục được mở rộng, chất lượng điều trị rất tốt, hiện có hơn 153.000 bệnh nhân đang điều trị ARV(điều trị là dự phòng), chuyển đổi thành công điều trị ARV từ viện trợ sang bảo hiểm y tế…

Thuốc ARV giúp bệnh nhân nâng cao sức khỏe, giảm nhiễm trùng cơ hội, giảm tử vong.  Các nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng điều trị ARV liên tục đầy đủ, một người nhiễm HIV có thể có tuổi thọ tương đương người bình thường.Đặc biệt, việc điều trị bằng thuốc giúp giảm lây nhiễm HIV. Một người bệnh được điều trị đầy đủ có thể giúp giảm đến 95% khả năng lây nhiễm cho người khác. Người được điều trị ARV có khả năng lao động vì thế mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.

PrEP - thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV được giới thiệu lần đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm 2017. Những đối tượng được khuyến cáo sử dụng PrEP là những người có nguy cơ lây nhiễm cao như nam giới quan hệ tình dục đồng tính, người chuyển giới nữ, phụ nữ bán dâm, các cặp dị nhiễm (tức là có 1 người vợ hoặc 1 người chồng bị nhiễm HIV). Đặc biệt, phương pháp này an toàn với hầu hết người sử dụng, bao gồm cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Chỉ khoảng 10% người sử dụng gặp tác dụng phụ như buồn nôn, chóng mặt, đau đầu... nhưng thường nhẹ và chấm dứt sau 1-2 tuần. Theo đánh giá, PrEP giúp giảm 95%-98% khả năng lây nhiễm HIV.

TPHCM tránh được 400 ca lây nhiễm mới HIV mỗi năm

Xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều nội dung, hình thức, giải pháp, hoạt động phòng chống HIV/AIDS của TP mang lại hiệu quả tích cực. Nhận thức của xã hội và người dân từng bước nâng lên, từ thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử đến sự cảm thông, chia sẻ và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng.

Trong đó, chương trình dự phòng và điều trị (xét nghiệm tự nguyện, miễn phí, giấu tên, mô hình phòng khám lưu động, chương trình điều trị bằng thuốc ARV, điều trị Methadone, chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con) được mở rộng. Tính đến cuối tháng 9/2020, TPHCM có 39 phòng khám ngoại trú điều trị ARV đang điều trị ARV cho khoảng 42.000 người nhiễm HIV; 28 phòng khám triển khai việc khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân HIV.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm và Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh tham dự tại điểm cầu TPHCM
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm và Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh tham dự tại điểm cầu TPHCM
Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin với hội nghị
Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh thông tin với hội nghị

Thành phố cũng chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc điều trị, đặc biệt áp dụng công nghệ thông tin để theo dõi, hỗ trợ tuân thủ điều trị, hạn chế bỏ trị kháng thuốc. Đến nay, sau hơn 15 năm điều trị ARV và mở rộng điều trị trên phạm vi toàn TP, tỷ lệ bệnh nhân thất bại phác đồ bậc 1 phải chuyển sang phác đồ bậc 2 là 8%, thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới; tỷ lệ ức chế virus trong những năm gần đây luôn đạt trên 95% và năm 2020 đạt 98%.

Ngoài ra, năm 2019, Thành phố mở rộng điều trị Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại 24 cơ sở y tế sau khi thực hiện thí điểm vào năm 2017 cho khách hàng có nguy cơ cao (mại dâm, ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới và bạn tình người nhiễm HIV).

Đến nay, lũy tích khách hàng sử dụng PrEP tại TPHCM khoảng 8.000 khách hàng. Thành phố chưa ghi nhận khách hàng bị nhiễm HIV khi có dùng thuốc PrEP. Như vậy, theo ước tính với số lượng 7.735 khách hàng đang dùng thuốc PrEP hiện nay, mỗi năm TP tránh được khoảng 400 ca lây nhiễm mới HIV.

Từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên vào tháng 12/1990, tại TPHCM số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện hàng năm không ngừng gia tăng và lên đến hơn 10.000 ca nhiễm mới trong 2 năm 2006 và 2007.

Lũy tích đến cuối tháng 6/2020, ước tính TP có khoảng 59.657 người nhiễm HIV, có 10.076 người đã tử vong do AIDS, số người nhiễm HIV hiện còn sống và được quản lý là 49.581 – chiếm gần 1/4 số người nhiễm HIV trong cả nước.

Theo đánh giá, dịch HIV/AIDS tại TP tuy có chiều hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao trên các nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Kết quả giám sát trọng điểm trong các năm cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trên nhóm đối tượng nghiện chích ma túy là 11% (2019), tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm phụ nữ mại dâm là 10% (2018) và tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam có quan hệ tình dục đồng giới là 13,8% (2018).

Dịch HIV/AIDS không thể tự mất đi nếu không được đầu tư và can thiệp

Biếu dương các địa phương, các Bộ - ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều đóng góp trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, mặc dù đạt được nhiều kết quả trong thời gian qua, nhưng công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta trong thời gian tới còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức.

Trong đó, hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi; xuất hiện các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV mới. Nhóm quan hệ đồng giới nam đang được cảnh báo là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Vẫn còn khoảng 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình.

Cùng với đó, các nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm, thay đổi tổ chức phòng, chống HIV/AIDS ở các tuyến, một số địa phương chưa quan tâm đến công tác phòng, chống HIV/AIDS là những thách thức lớn đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Theo đó, Phó Thủ tướng nêu rõ, chúng ta không được phép chủ quan lơ là, dịch HIV/AIDS có thể bùng phát trở lại và nó không thể tự mất đi nếu không được đầu tư và can thiệp.

Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS; Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Các địa phương cần chủ động xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS cho đến năm 2030, trước mắt cho giai đoạn trung hạn 2021-2025. Đồng thời, tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP

Ngành Y tế cần phát huy mọi nguồn lực hiện có, kết hợp với ứng dụng tiến bộ vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh, can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Làm tốt công tác truyền thông để mọi người dân hiểu được và không kỳ thị người mắc, nhiễm HIV/AIDS.

Các tổ chức xã hội, cộng đồng, cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhất là việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đích của mình.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng bày tỏ mong muốn và đề nghị Chính phủ các nước, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm ủng hộ cả về tài chính và kỹ thuật để giúp Việt Nam trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục