Nhiều nguyên nhân lộ thông tin
Theo bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, phần lớn thông tin lọt ra ngoài là số điện thoại của sản phụ. Số điện thoại thường lưu lại trong hồ sơ bệnh án để tiện cho công tác liên hệ với người bệnh, người nhà bệnh nhân. Việc rò rỉ thông tin sản phụ có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Cụ thể, mỗi bệnh viện có những hệ thống cung cấp cho người bệnh thông qua các tiện ích như: nhắn tin thông báo cho người bệnh về những diễn tiến trong quá trình điều trị, đặc biệt trong lúc sanh, trước và sau khi mổ và những trường hợp trẻ nằm viện cấp cứu sơ sinh mà người nhà chưa tiếp cận được. Điều này, giúp người nhà nhanh chóng tiếp cận được thông tin, niềm vui của gia đình.
Bên cạnh đó, thông tin cá nhân có thể ở các dịch vụ thông qua tổng đài đặt lịch khám chữa bệnh; giao dịch tiện ích không dùng tiền mặt; thông qua các hệ thống mà bệnh viện báo cáo theo quy định cho các cơ quan chủ quản theo yêu cầu. Hoặc có thể bản thân khách hàng cung cấp thông tin cho đơn vị cung cấp các dịch vụ khuyến mãi ở trong cũng như ngoài bệnh viện.
Bác sĩ Trần Ngọc Hải thông tin tại buổi họp báo.
Tại Bệnh viện Từ Dũ, hồ sơ bệnh án thường được quản lý rất chặt, chỉ những người có trách nhiệm mới được tiếp cận hồ sơ. Nhưng trong quá trình vận hành (đóng mộc, chuyển hồ sơ, chuyển khoa), một số công ty mà bệnh viện thuê trong quá trình di chuyển cũng là nguyên nhân gây ra việc lộ thông tin cá nhân người bệnh. Cùng với đó, là sự dễ dãi của người bệnh và nhân viên y tế ở một số bộ phận khiến thông tin cá nhân của sản phụ bị lộ.
“Thông tin bị rò rỉ từ quá nhiều nguồn, ngay sau khi phát hiện vụ việc, bệnh viện đã họp với các bác sĩ và nữ hộ sinh, trưởng khoa, phòng để tăng cường công tác an ninh, đặc biệt là danh sách khách hàng. Điều này là sống còn của bệnh viện”, bác sĩ Trần Ngọc Hải khẳng định.
Sẽ cho nghỉ việc nếu phát hiện nhân viên vi phạm
Trước sự việc này, bác sĩ Trần Ngọc Hải cho biết, bệnh viện yêu cầu nhân viên nâng cao nhận thức, tránh dễ dãi trong công tác an ninh đảm bảo an toàn cho người bệnh. Bắt đầu từ hôm nay, bệnh viện triển khai mã hóa toàn bộ số điện thoại của bệnh nhân trên hồ sơ bệnh án.
“Trong vòng 12 tiếng, bệnh viện đã xây dựng công nghệ này để bảo mật thông tin người bệnh”, bác sĩ Hải khẳng định và cho biết bệnh viện cũng sẽ tăng cường bổ sung các quy trình; phân quyền tiếp cận các số liệu, ai làm ở lĩnh vực nào sẽ được tiếp cận số liệu.
Hiện Bệnh viện Từ Dũ đã có những quy trình để bảo mật hoặc phân quyền tiếp cận các thông tin của thai phụ bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ bệnh án. Các cấp được phân công rất rõ, từ giám đốc, phó giám đốc ai được phân công mảng nào thì được tiếp cận mảng đó và bộ phận chức năng cũng vậy. Tất cả hợp đồng của công ty khi làm việc với bệnh viện đều được cam kết bảo mật, nếu vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Hiện, qua rà soát tại bệnh viện, chưa phát hiện đối tượng hack phần mềm, các công ty (ngân hàng, bưu điện, tổng đài) vẫn cam kết không cung cấp dữ liệu cho bên thứ 3”, bác sĩ Trần Ngọc Hải thông tin.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo SGGP về việc có hay không việc lộ thông tin sản phụ ra ngoài bắt nguồn từ bệnh viện, bác sĩ Trần Ngọc Hải khẳng định, chưa thể xác định lỗi từ bệnh viện. Nếu phát hiện trường hợp nhân viên làm lộ thông tin người bệnh, bệnh viện sẽ xin lỗi và sẽ cho nhân viên làm lộ thông tin nghỉ việc.
Trước đó nhiều sản phụ phản ánh sau khi sinh con tại Bệnh viện Từ Dũ thường bị gọi điện chào mời mua sữa, sử dụng dịch vụ chăm sóc mẹ và bé, sinh trắc dấu vân tay trẻ... Nhiều thông tin chỉ sản phụ và bệnh viện biết cũng đều bị rò rỉ bởi bên thứ 3.
|