Dạy học không phụ thuộc SGK
Những ngày qua, các diễn đàn, mạng xã hội đều “nóng” nội dung trao đổi SGK đã qua sử dụng. Chị Phan Trúc Quỳnh, phụ huynh có con đang học tại một trường THCS trên địa bàn quận Gò Vấp, cho biết hơn 2 tháng nay, địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch nên tất cả hệ thống nhà sách đều đóng cửa. Chị đã liên hệ các kênh đặt hàng online nhưng thời gian giao hàng kéo dài từ 10-15 ngày mới nhận được sách.
Theo chỉ dẫn của nhiều phụ huynh cùng cảnh ngộ, chị Quỳnh tham gia một số nhóm trò chuyện trên mạng xã hội và tìm được nguồn tặng SGK đã qua sử dụng. Ngoài ra, các nhà trường hướng dẫn phụ huynh truy cập vào website của các nhà xuất bản để tải sách điện tử về cho học sinh tham khảo trong thời gian chờ sách giấy được chuyển đến tận tay các em.
Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), phụ huynh và học sinh không nên quá lo lắng nếu không mua được SGK. Không chỉ năm học này mà từ nhiều năm trước, ngành giáo dục đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên, quán triệt tinh thần dạy học bằng nhiều nguồn tài liệu khác nhau.
Theo đó, giáo viên chủ động soạn giáo án theo hình thức tích hợp kiến thức thành nhiều chủ đề khác nhau, không phụ thuộc thiết kế từng bài học trong SGK. Năm học 2021-2022, để chuẩn bị triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6, các tổ bộ môn Lịch sử - Địa lý và Lý - Hóa - Sinh (hai môn học mới xuất hiện trong chương trình phổ thông 2018) đã bàn bạc, thống nhất những nội dung triển khai trong từng chủ đề, đảm bảo yêu cầu về chuẩn kỹ năng, kiến thức cho học sinh theo phân phối chương trình.
Thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho biết, hiện nay các trường đều có đề cương tóm tắt nội dung lý thuyết và các dạng bài tập cho học sinh. Để khắc phục khó khăn không mua được SGK, giáo viên sẽ gửi tài liệu nội dung từng bài học cho học sinh tham khảo trước giờ học trực tuyến. Trường hợp học sinh gặp khó khăn về máy móc, Internet có thể báo giáo viên chủ nhiệm để được hỗ trợ tài liệu giấy.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, thành phố xác định dạy học trực tuyến là phương thức ổn định trong năm học 2021-2022 so với việc chỉ xem là giải pháp tình thế trong những năm trước đây.
Hiện nay, ngành giáo dục đã xây dựng cơ sở dữ liệu và tài nguyên dạy học khá phong phú ở tất cả bậc học. Riêng học sinh lớp 1 và lớp 2 là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh, do trong các năm học trước không được đến trường đầy đủ nên việc làm quen chữ viết không đạt yêu cầu, không đủ thời gian chuẩn bị.
Trước thực tế đó, vào đầu tháng 8-2021, sở đã có kế hoạch triển khai tập huấn cho đội ngũ giáo viên xây dựng các video clip để học sinh và phụ huynh tham khảo, hỗ trợ học sinh trong thời gian đầu năm học. Ngoài ra, nội dung dạy học trực tuyến sẽ được các trường thiết kế theo hướng cô đọng, tinh gọn, tập trung giảng dạy kiến thức cơ bản để việc học không dàn trải, không gây quá tải cho học sinh.
Phụ huynh đồng hành
Đối với bậc tiểu học, do đặc thù tâm sinh lý lứa tuổi, dạy học trực tuyến được các trường chú trọng về mặt hình thức nhằm tạo hứng thú cho học sinh. Cô Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), bày tỏ, giáo viên sẽ xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp khung chương trình của Bộ GD-ĐT. Các thầy, cô sẽ xây dựng các đoạn video clip hướng dẫn học sinh phương pháp tham gia các buổi học trực tuyến để đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình. Trong đó, các buổi dạy sẽ không thiết kế theo từng tiết học mà được tích hợp thành các chủ đề.
Cô Kim Phượng cho biết thêm, video clip chỉ mang tính hướng dẫn, hỗ trợ học sinh làm quen phương pháp dạy học ở bậc tiểu học chứ không thay thế hoàn toàn dạy học trực tuyến, trong đó giáo viên có thể tương tác trực tiếp với học sinh. Để tăng hiệu quả tiếp nhận cho học sinh, giáo viên sẽ tận dụng nhiều nguồn tài liệu tham khảo, sử dụng các hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, tạo tâm lý hứng thú cho học sinh. Riêng đối với lớp 1, đối tượng học sinh chưa bao giờ học trực tuyến, giáo viên cần trao đổi trước với phụ huynh về kế hoạch dạy học để phụ huynh hiểu, từ đó có sự hợp tác và đồng hành cùng học sinh. Ngoài ra, thông qua việc thiết kế các hoạt động “học mà chơi”, các tiết học sẽ tạo không khí thoải mái, giúp học sinh không bỡ ngỡ khi chuyển qua phương pháp học tập ở bậc tiểu học.
Ông DƯƠNG TẤN HIỂN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ: Tùy vào tình hình dịch sẽ điều chỉnh thời gian học
Do ảnh hưởng dịch Covid-19, công tác chuẩn bị cho năm học mới trên địa bàn TP Cần Thơ gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, một số điểm trường hiện đang được mượn để làm khu cách ly và thành phố phải chờ cho dịch giãn bớt để trả lại trường; sau đó mới làm vệ sinh, sát khuẩn phục vụ công tác dạy và học. Ngoài ra, thông thường thời điểm này các em học sinh đã được gia đình chuẩn bị đầy đủ sách vở, nhưng nay do TP Cần Thơ đang thực hiện Chỉ thị 16 nên nhiều phụ huynh chưa thể mua sách vở cho con em.
Về cơ bản, TP Cần Thơ dự kiến vào ngày 5-9 sẽ khai giảng năm học mới chung với cả nước và bắt đầu học từ 6-9 đối với khối lớp 9 đến lớp 12 (bằng hình thức học online). Đến ngày 20-9 cho bậc mầm non và tiểu học nhập học, nhưng sẽ tùy vào tình hình dịch. Cụ thể, nếu kiểm soát dịch ổn định thì mới cho học, nếu dịch vẫn diễn biến phức tạp thì sẽ xem xét điều chỉnh phù hợp.
Bà LÊ THỊ BÍCH THUẬN, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng: Dạy - học trực tuyến chỉ là hình thức hỗ trợ
TP Đà Nẵng đang thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch theo phương châm “ai ở đâu thì ở đó”. Hiện nay, do nhiều thầy cô, học sinh vẫn thuộc diện điều trị, cách ly y tế cũng như điều kiện của mỗi khu vực, học sinh khác nhau nên khó áp dụng đồng bộ; việc dạy - học trực tuyến kéo dài sẽ khó phát huy hiệu quả tối đa, ít nhiều sẽ có ảnh hưởng tâm lý học sinh. Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng xác định dạy - học trực tuyến là hình thức hỗ trợ chứ không phải chủ đạo, vì vậy khoảng 2 tuần sau khai giảng, việc dạy - học trực tuyến chủ yếu là giới thiệu chương trình, sách giáo khoa, phương pháp học tập và củng cố kiến thức cũ. Nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát, ngành giáo dục Đà Nẵng sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy và học bài mới trực tuyến cho học sinh trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Riêng đối với lớp 1, tổ chức “Tuần lễ làm quen”, các thầy cô lựa chọn những nội dung kiến thức, kỹ năng cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn phụ huynh tổ chức giáo dục học sinh ở nhà phù hợp với điều kiện gia đình, nhằm chuẩn bị cho học sinh sẵn sàng vào học lớp 1. Sau tuần lễ làm quen nhưng học sinh chưa đến trường, các trường hướng dẫn thầy cô điều chỉnh kế hoạch, nội dung, soạn bài dạy học qua Internet phù hợp với thực tế, chú trọng đến đọc, viết và tính toán cho học sinh.
Ông TẠ THANH VŨ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau: Chủ động nhiều phương án dạy và học
Để chủ động và linh hoạt trong việc tổ chức năm học mới, Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau xây dựng các phương án tổ chức dạy và học phù hợp. Cụ thể, phương án tổ chức dạy và học trong điều kiện bình thường thì 100% sẽ học ở trên lớp; khuyến khích tổ chức dạy và học trực tuyến nội dung ngoài chương trình chính khóa nhằm bổ trợ, phụ đạo cho học sinh yếu.
Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng vẫn có thể cho phép học sinh đến trường học thì linh động theo phương án dạy học trực tiếp trên lớp, kết hợp trực tuyến qua Internet. Tổ chức dạy chéo buổi, giãn cách học sinh, chia nhỏ quy mô, số lượng phù hợp với từng cấp học, khối lớp và cơ sở vật chất hiện có của nhà trường. Theo phương án trên thì cấp tiểu học sẽ 100% dạy và học trực tiếp trên lớp; cấp THCS và THPT thì thực hiện tối thiểu 30% dạy và học trực tuyến, còn lại tổ chức dạy và học trực tiếp trên lớp.
Còn nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tiếp tục giãn cách xã hội và học sinh phải nghỉ học một thời gian nhất định, lúc đó sẽ ứng phó bằng cách học sinh nghỉ học, nhưng không tổ chức dạy và học trực tuyến chương trình chính khóa; nhà trường hỗ trợ học sinh củng cố kiến thức bằng hình thức gián tiếp khác, sẽ kéo dài khung kế hoạch thời gian năm học theo quy định.