Xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và tích cực hội nhập

17:20 05/06/2022

(HMC) – Tiếp tục chương trình làm việc, dưới dự chỉ đao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chiều 5/6, Diễn đàn kinh tế Việt Nam bước vào phiên thảo luận toàn thể và tọa đàm cấp cao.

Xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và tích cực hội nhập
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong nước và quốc tế.

TPHCM hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những công đoạn có giá trị tăng cao

Phát biểu chào mừng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, dưới tác động của dịch COVID-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4, TPHCM trở thành địa phương có mức độ lây nhiễm nghiêm trọng, có thời gian giãn cách xã hội dài nhất. Việc này làm cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội gián đoạn, các động lực tăng trưởng kinh tế bị kéo lùi nghiêm trọng, cùng với đó là những ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ đời sống, kinh tế của người dân. Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, TP đã xây dựng, triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2025.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM những năm qua đã triển khai nhiều chương trình kinh tế
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM những năm qua đã triển khai nhiều chương trình kinh tế

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, chủ đề của Diễn đàn kinh tế Việt Nam “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”, rất phù hợp với tình hình thực tế của TPHCM. Đặc biệt, diễn đàn được tổ chức tại TP có ý nghĩa rất lớn, giúp cho các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước hiểu sâu hơn, cùng chia sẻ với những thiệt hại, tổn thất nặng nề của TP. Cùng với đó, chứng kiến những nỗ lực mà cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân TPHCM đã khẩn trương thực hiện, nhằm đưa TP sớm trở lại trạng thái bình thường.

Người đứng đầu UBND TPHCM thông tin, trong bối cảnh mới của thời đại, ý thức được ý nghĩa chiến lược của tính chất độc lập, tự chủ trong đường lối kinh tế, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, TPHCM những năm qua đã triển khai nhiều chương trình kinh tế. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những công đoạn có giá trị tăng cao, đối với tất cả các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ. Theo ông Phan Văn Mãi, đây là hướng chủ yếu để chuyển các quan hệ kinh tế từ lệ thuộc thị trường, lệ thuộc vào đối tác bên ngoài sang mối quan hệ tương thuộc với mọi đối tác. TP cũng nhận thức rằng, để nâng cao nguồn vốn FDI (Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) hiệu quả, chúng ta phải nâng cao vai trò đối tác của khu vực kinh tế trong nước, nhất là tầm quan trọng của khu vực tư nhân.

“Dĩ nhiên đây đang là một quá trình cần sự hỗ trợ nhiều chính sách chung về vĩ mô, nên từ Diễn đàn này, tôi kì vọng sẽ có nhiều đóng góp về cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm cụ thể hoá đường lối và chủ trương của Đảng, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong tình hình mới”, lãnh đạo TPHCM bày tỏ.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng

Nhấn mạnh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta từ năm 1986 đến nay, phát biểu khai mạc diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2030 được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định, xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế.

Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta từ năm 1986 đến nay
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là quan điểm xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta từ năm 1986 đến nay

Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng với những kết quả nổi bật: quy mô kinh tế Việt Nam tăng gấp 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất – nhập khẩu tăng 29,5 lần, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần, tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 2,23% năm 2021 tính theo chuẩn mới.

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam vươn lên thành trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD vào năm 2020 và là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.

Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; ký kết và tham gia 15 hiệp định hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. 

Toàn cảnh phiên thảo luận toàn thể
Toàn cảnh phiên thảo luận toàn thể

Bên cạnh những thành tựu nổi bật, ông Trần Tuấn Anh cũng nêu ra những hạn chế: năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu.

Khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn. Hiện nay, trong cơ cấu kinh tế, khu vực FDI đóng góp tới 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Việt Nam không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công nếu chỉ dựa vào FDI.

Mặc dù xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam có sự cải thiện nhưng các yếu tố nền tảng còn ở mức thấp. Tổng chi cho nghiên cứu và phát triển cả nhà nước và tư nhân chỉ đạt 0,53% GDP năm 2019, thấp hơn nhiều so với bình quân thế giới ở mức 1,7% và một số nước như Thái Lan 0,8%, Malaysia 1,4%, Trung Quốc 2,1%...

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm nay có nhiều điểm đặc biệt, trong đó có việc tổ chức tại TPHCM – đô thị đặc biệt, cực tăng trưởng đóng vai trò là đầu tầu kinh tế quan trọng của cả nước, thành phố năng động và đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Sự cần thiết phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng

Trên cơ sở báo cáo nhanh tổng kết các nội dung của 03 hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn diễn ra sáng nay do Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong trình bày, phiên thảo luận toàn thể xoay quanh một số nội dung chính như: Kinh tế toàn cầu và những xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay; Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay: Cơ hội và thách thức; Đào tạo nhân lực công nghệ số để tạo mũi đột phá về khoa học công nghệ; Quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh mới.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2022 với phiên Tọa đàm cấp cao
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2022 với phiên Tọa đàm cấp cao

Ngay sau đó, toạ đàm cấp cao diễn ra với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam Francois Painchaud; Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Andrew Jeffries; Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM Vũ Hải Quân; Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Vũ Thành Tự Anh; Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành.

Tại đây, đại biểu thảo luận, trả lời các câu hỏi về sự cần thiết phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng; Tác động của tình hình địa chính trị hiện nay dẫn đến việc định hình lại các khuôn khổ hợp tác quốc tế; Những yếu tố nền tảng thiết yếu để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng;…

Cùng với đó, một số vấn đề như đánh giá, dự báo diễn biến kinh tế quốc tế, các xu hướng mới trên thế giới sau đại dịch COVID-19; Thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới; Đột phá về đổi mới khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số;… cũng được các chuyên gia, lãnh đạo thông tin, giải đáp.

Nhóm BTV

Tin cùng chuyên mục