Chiều 15/4, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo TPHCM với các doanh nghiệp, chuyên gia ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông. Hội nghị do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM Phan Văn Mãi; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM Dương Anh Đức; Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Lâm Đình Thắng chủ trì.
Cùng tham dự có lãnh đạo các Sở, ban, ngành; các chuyên gia và doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông trên địa bàn TP.
Chương trình chuyển đổi số và Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh năm 2022 với 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Báo cáo về sự phát triển của ngành Công nghệ thông tin - Truyền thông trên địa bàn TP, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết TP đã triển khai hàng loạt các chương trình, đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội TP, điều này khẳng định chủ trương của Thành uỷ, UBND TP các thời kỳ quyết tâm và kiên trì trong việc đầu tư cho khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin để thúc đẩy sự phát triển TP trên mọi mặt.
TPHCM xác định tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số là đến năm 2030, TP trở thành ĐTTM với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, Kinh tế số chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP của TP.
Thực tiễn TPHCM cho thấy TPHCM có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế số, và đạt được các mục tiêu này. TP là một trong những địa phương có số dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất cả nước. Hạ tầng cáp quang, Internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ khắp 100% phường, xã, thị trấn.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Lâm Đình Thắng, trong năm 2021, chuyển đổi số đã phục vụ đắc lực cho phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Qua tác động của đại dịch, nhiều ngành dịch vụ truyền thống có tốc độ tăng trường giảm nhưng ngành khoa học công nghệ có mức tăng trưởng tăng 3,8% và ngành thông tin - truyền thông tăng 6,08% so với cùng kỳ.
Về định hướng phát triển năm 2022, ngành thông tin và truyền thông được kỳ vọng tiếp tục phát triển nhanh, mạnh để thúc đẩy chuyển đổi số trong kiểm soát dịch COVID-19, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn của người dân và doanh nghiệp cũng như khơi thông và phát huy nguồn lực xã hội để phát triển TP.
Chương trình chuyển đổi số và Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh - năm 2022 được triển khai đồng bộ trên 3 lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; tập trung vào các nhóm giải pháp lớn như Đổi mới và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Phát triển hạ tầng số; Phát triển nền tảng số; Phát triển nguồn nhân lực; An toàn thông tin. Trong đó, TP định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất là về tổ chức lại cơ chế chỉ đạo điều hành và hình thành các chính sách nền tảng, đòn bẩy. TP thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số do Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban. Theo đó, yêu cầu tất cả các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức cũng phải thành lập Ban chỉ đạo Chuyển đổi số do người đứng đầu chính quyền làm Trưởng ban và có Kế hoạch chuyển đổi số trong năm 2022 với những mục tiêu, giải pháp, thời gian và phân công rất cụ thể.
Thứ hai, TP tập trung xây dựng chính quyền số, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, mang lại các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, tập trung giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu ở phạm vi toàn TP và phát triển kho cơ sở dữ liệu dùng chung.
Thứ tư, tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), định hướng đưa trí tuệ nhân tạo trở thành công nghệ then chốt phục vụ chuyển đổi số; cung cấp giải pháp thông minh cho các dịch vụ và sản phẩm thông minh. Phổ biến, đứa Trí tuệ nhân tạo đến các trường ĐH, CĐ, mở rộng mời các trường Đại học trong khu vực Đông Nam Á cùng tham gia.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán qua mạng; tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ mới trong thanh toán tiêu dùng…
Thứ sáu, chú trọng việc đào tạo, chuyển đổi nhân lực đáp ứng nhu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng trong đổi mới công nghệ và sản xuất của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ bảy, tiếp tục hoàn thiện các giải pháp công nghệ, khai thác Kho dữ liệu dùng chung trong phòng chống, dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TPHCM.
Thứ tám, phát triển hạ tầng số và công tác đảm bảo an toàn thông tin.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng, qua các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, TP thu thập được nhiều vấn đề, từ đó sẽ có những chương trình làm việc cụ thể, những bước triển khai tiếp theo. Qua đó, TP phải chỉ rõ những trọng tâm cần đạt được, khai thác tối đa tài nguyên số để công cuộc chuyển đổi số mang lại lợi ích cho TPHCM.
Xây dựng diễn đàn để phát triển kinh tế số
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị Sở Thông tin và truyền thông TPHCM và Hiệp hội Tin học TPHCM xây dựng diễn đàn số để qua đó, có sự tiếp thu, phản hồi giữa chính quyền thành phố với các chuyên gia, doanh nghiệp và các đối tượng quan tâm, phục vụ cho việc phát triển kinh tế số.
Chuyển đổi số phải là cuộc cách mạng, tạo ra sự phát triển vượt bậc, đột phá, đóng góp cho sự phát triển của thành phố và cả nước. “Phải đưa thành phố về đúng vị trí, không phải so sánh với 62 tỉnh, thành còn lại mà với các thành phố lớn của khu vực và thế giới”, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Đồng thời, đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia cùng đóng góp, trở thành “đồng tác giả” cho sự phát triển của thành phố nói riêng và cả nước nói chung thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh, TP có 5 nhiệm vụ cần thực hiện ngay, đó là: cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số; chiến lược nguồn nhân lực; chiến lược đảm bảo an ninh an toàn thông tin; chiến lược dữ liệu; xây dựng TPHCM trở thành "Thành phố Digital".
Tại Hội nghị, Sở Thông tin - Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) và Hội Tin học TPHCM (HCA) cũng đã thực hiện nghi thức ký kết hợp tác giữa 3 đơn vị.
Nội dung, phạm vi hợp tác giữa Sở Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) và Hội Tin học TPHCM (HCA)
1. Hợp tác tổ chức triển khai Chương trình Chuyển đổi số cho doanh nghiệp, thực hiện các nội dung được Ủy ban nhân dân TPHCM giao trong Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố.
2. Phối hợp, tổ chức chương trình đào tạo, truyền thông về chuyển đổi số cho lãnh đạo, cán bộ nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số.
3. Phối hợp, tổ chức phổ biến kiến thức, tuyên truyền phát triển chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp. Vận động các doanh nghiệp tiếp cận nội dung chuyển đổi số để tìm hiểu lợi ích, xu thế hội nhập và có lựa chọn phù hợp việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
4. Phối hợp, tổ chức kết nối các nhà cung ứng dịch vụ chuyển đổi số với các doanh nghiệp có nhu cầu. Triển khai các giải pháp chọn lựa các nhà cung ứng dịch vụ chuyển đổi số có uy tín, chất lượng và giá cả phù hợp tham gia chương trình. Có giải pháp kiểm tra, giám sát theo dõi kết quả chuyển đổi số và xử lý các tình huống phát sinh để hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp.
5. Hỗ trợ triển khai Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số Chuyển đổi số của cho doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
6. Tham gia góp ý, phản biện đánh giá đóng góp của kinh tế số vào GRDP của thành phố năm 2021 để làm cơ sở đánh giá và điều chỉnh các chính sách phù hợp nhằm đảm bảo mục tiêu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TP.