Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu lơ là trong bảo đảm an toàn giao thông

20:42 25/02/2020

(HMC) – Thành phố yêu cầu các cấp, ngành từ phường/xã đến thành phố tổ chức triển khai các biện pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông ngay từ tháng đầu, quý đầu và cả năm 2020. Xây dựng các kế hoạch và có giải pháp hiệu quả tùy theo chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, địa phương và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Tình trạng ùn tắc tại cầu Rạch Chiếc hướng từ quận 9 qua quận 2, TP.HCM mỗi sáng - Ảnh: QUANG ĐỊNH/TTO
Tình trạng ùn tắc tại cầu Rạch Chiếc hướng từ quận 9 qua quận 2, TP.HCM mỗi sáng - Ảnh: QUANG ĐỊNH/TTO

Với chủ đề “Đã uống rượu bia – Không lái xe” và mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng Ban An toàn giao thông Thành phố Nguyễn Thành Phong vừa ban hành Kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố năm 2020.

Theo đó, Kế hoạch tập trung vào 07 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo, quán triệt các cấp các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giảm ùn tắc giao thông ngay từ tháng đầu, quý đầu và cả năm 2020.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, có chiều sâu; nhất là xây dựng văn hóa giao thông đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

Nâng cao quản lý Nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các vấn đề liên quan đến đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

Năm 2020, Thành phố đặt mục tiêu giảm 5% - 10% số vụ, số người chết, số người bị thương so với năm 2019, đặc biệt là các vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân người tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông.

Giảm số vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ùn ứ cục bộ tại một số tuyến đường giao lộ có mật độ giao thông cao, chấn chỉnh và không để phát sinh phức tạp về tình hình trật tự đô thị. 

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên các công trình giao thông mang tính cấp bách trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông; Rà soát để khắc phục kịp thời các điểm đen, bảo vệ hành lang ATGT trên các loại hình.

Bên cạnh thực hiện quy hoạch chi tiết các tuyến đường trục chính đô thị, nút giao thông trọng điểm, đường vành đai, hệ thống hạ tầng giao thông tĩnh…thì phải chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng và khuyến khích sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tổ chức giao thông; hoàn thiện các quy định về bảo đảm ATGT; xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không để xảy ra tình trạng “tái chiếm”; nhất là xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương lơ là trong công tác quản lý lòng đường, vỉa hè.

Ngoài ra, quản lý chặt chẽ và có hiệu quả hoạt động xây dựng nhằm đảm bảo việc phát triển cao ốc, khu đô thị, trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học,... phù hợp với hiện trạng và lộ trình đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông và năng lực vận tải công cộng khu vực phụ cận.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục