Y tế TP.HCM được giải cơn khát thuốc hiếm

09:16 12/08/2024

Chính phủ vừa cho phép TP.HCM được quyền cấp phép nhập khẩu 4 nhóm thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt gồm thuốc hiếm, thuốc cấp cứu, chống độc phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh, thay vì phải đợi Bộ Y tế cấp phép như trước đây.

Thuốc Immunoglobulin (IVIG) dạng truyền tĩnh mạch điều trị tay chân miệng trở nên khan hiếm thời điểm tháng 7-2023 - Ảnh: DUYÊN PHAN  
Thuốc Immunoglobulin (IVIG) dạng truyền tĩnh mạch điều trị tay chân miệng trở nên khan hiếm thời điểm tháng 7-2023 - Ảnh: DUYÊN PHAN  

Việc này như tháo được nút thắt cho TP trước thực trạng thiếu thuốc hiếm, thuốc đặc trị kéo triền miên từ nhiều năm qua, khiến không ít người bệnh đánh mất thời gian vàng điều trị, thậm chí tử vong.

"Điệp khúc" thiếu thuốc triền miên

Những năm gần đây, số ca ngộ độc botulinum, rắn cắn… xuất hiện nhiều, thế nhưng không ít người bệnh vì không có thuốc giải kịp thời đã bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, thậm chí tử vong.

Ca bệnh đau lòng vào tháng 5-2022, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên bất lực khi chứng kiến bé S.T.N.N. (45 tháng tuổi) bị rắn cạp nia rất độc cắn đã tử vong sau một tuần điều trị.

Dù bệnh viện này đã chủ động liên hệ tất cả bệnh viện tuyến trên gồm cả Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 (TP.HCM) tìm huyết thanh kháng nọc độc loại rắn này, nhưng không có.

Tháng 5-2023, vụ ngộ độc botulinum lớn do giò lụa không đảm bảo, khiến sáu người ở TP Thủ Đức (TP.HCM) phải đi cấp cứu. Dù được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ sáu lọ thuốc hiếm giải độc botulinum và vận chuyển khẩn cấp về Việt Nam, song có bệnh nhân không chờ được thuốc vì đã qua "thời gian vàng".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Đinh Tấn Phương, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết thiếu thuốc hiếm không chỉ riêng TP.HCM mà là vấn đề chung của cả nước.

Như với những bệnh nhân bị rắn độc cắn, hiện nay chúng ta chỉ sản xuất được huyết thanh kháng nọc rắn lục xanh và rắn hổ đất. Còn những loại rắn khác bắt buộc phải nhập huyết thanh kháng độc từ nước ngoài như rắn choàm quạp nhập từ Thái Lan.

Một số loại thuốc điều trị ngộ độc rất hiếm như bluemethylene trong ngộ độc methemoglobin, nếu không có thuốc có thể thay thế bằng các phương pháp khác nhưng hiệu quả không cao, sức khỏe bệnh nhi và người lớn bị ảnh hưởng.

Đó là do thuốc hiếm vì muốn về phải cần thủ tục, trong khi các công ty nhập về dùng ít hoặc không dùng sẽ lãng phí nên họ không mặn mà.

Theo bác sĩ Phương, việc cho phép TP.HCM được quyền cấp phép nhập khẩu 4 nhóm thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt gồm thuốc hiếm, thuốc cấp cứu là điều rất vui mừng, giúp TP chủ động hơn trong việc cung ứng thuốc kịp thời cứu người bệnh.

Thế nhưng đây chỉ là giải pháp tức thời, về lâu dài vẫn còn phải có trung tâm dự trữ thuốc hiếm như một số quốc gia đã làm.

"Ở các nước đa phần đã có các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, nằm ở các bệnh viện lớn, bệnh viện nào cần sẽ liên lạc lấy về dùng cho bệnh nhân", bác sĩ Phương nói.

Vướng ở đâu gỡ ở đó

Bà Phạm Khánh Phong Lan, giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết việc thiếu một số loại thuốc đã xảy ra nhiều năm qua như thuốc hiếm, thuốc ngộ độc, thậm chí như dịch truyền Dextran dùng trong điều trị sốt xuất huyết Dengue, dịch truyền Globulin điều trị chân tay miệng…

Hiện nay mỗi bệnh viện đều phải tự đứng ra xoay xở, nhờ đến các công ty, các công ty này sau đó phải làm thủ tục nhập khẩu tốn thời gian. Do vậy, nếu cứ giao cho các bệnh viện là không ổn, đã có những trường hợp bệnh nhân không chờ đợi được đã tử vong.

"Giao cho TP chủ động nhập khẩu một số loại thuốc là điều rất đáng mừng. TP.HCM cùng đứng ra lo chung cho các bệnh viện trên địa bàn và đồng thời có thể hỗ trợ cho các tỉnh thành khác khi cần phối hợp cứu người bệnh. Về lâu dài các trung tâm dự trữ quốc gia cần phải được triển khai càng sớm càng tốt" - bà Lan nói.

Ông Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - bày tỏ là một trong những cơ sở y tế đầu ngành về điều trị ngộ độc, ông kỳ vọng với cơ chế "đặc thù" TP.HCM sẽ đảm bảo được thuốc, đặc biệt thuốc hiếm, thuốc giải độc để cấp cứu cho người bệnh.

Theo ông Nguyên, các thuốc giải độc có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân ngộ độc, có thể làm đảo ngược tình trạng của bệnh nhân. Giúp bệnh nhân từ một người trạng thái ngộ độc nặng nhanh chóng trở về trạng thái hết ngộ độc, giảm đáng kể tỉ lệ tử vong.

Ông Nguyên cho biết thông thường các cơ sở nhập khẩu của Việt Nam sau khi nhận được dự trù từ các cơ sở khám chữa bệnh và được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mới đặt hàng với nhà cung cấp thuốc nước ngoài.

Vì vậy, khi TP.HCM được quyền cấp phép nhập khẩu đối với một số loại thuốc sẽ giúp giảm các thủ tục hành chính. Việc dự trù của các cơ sở khám, chữa bệnh trong phạm vi TP cũng sẽ nhanh chóng hơn so với việc tổng hợp trên cả nước.

"Tôi rất mừng cho TP.HCM vì đã có thể được quyền cấp phép nhập khẩu một số loại thuốc hiếm. Có chính sách thì cứ làm. Làm mới biết còn vướng ở đâu thì gỡ ở đó. Đây là tín hiệu mừng cho các bác sĩ cấp cứu, chống độc để tăng thêm cơ hội điều trị cho người bệnh", ông Nguyên nói.

Thuốc Phenobarbital dạng uống chữa tay chân miệng cạn kiệt thời điểm tháng 7-2023 - Ảnh: DUYÊN PHAN  
Thuốc Phenobarbital dạng uống chữa tay chân miệng cạn kiệt thời điểm tháng 7-2023 - Ảnh: DUYÊN PHAN  

Bộ Y tế đã có hướng dẫn

Sở Y tế TP.HCM cho biết trước đây, việc cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt thuộc các nhóm thuốc hiếm, thuốc cấp cứu… thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Các công ty dược có chức năng nhập khẩu sẽ thực hiện nhập khẩu thuốc, thường sẽ lấy nhu cầu tổng hợp từ nhiều địa phương nên cần nhiều thời gian, thực tế thời gian chờ nhập khẩu thường phải mất vài tháng.

Việc phân cấp này sẽ giúp rút ngắn thời gian tổng hợp nhu cầu thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn và thời gian chuẩn bị hồ sơ của cơ sở nhập khẩu.

"Hiện nay, Sở Y tế đang khẩn trương xây dựng quy trình cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của TP", Sở Y tế nêu rõ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Công Chiến, trưởng phòng quản lý kinh doanh dược, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho hay ngay khi có quyết định phân cấp nhập khẩu một số các nhóm thuốc cho TP, Cục Quản lý dược đã có trao đổi, hướng dẫn để thực hiện theo đúng thẩm quyền và quy định về cấp phép nhập khẩu thuốc hiện nay.

Về quy trình cấp phép nhập khẩu, ông Chiến cho hay nếu Sở Y tế TP.HCM đánh giá quy trình của Bộ Y tế phù hợp thì có thể áp dụng như bộ đang làm. Nếu không, sở có thể xây dựng quy trình riêng để phù hợp với địa bàn.

"Mới đây, cục đã trao đổi hướng dẫn TP xây dựng quy trình, tiêu chí lựa chọn, chuyên gia… để hoàn thiện quy trình. Trong khi thực hiện, nếu có vướng mắc gì có thể tiếp tục giải quyết", ông Chiến cho hay.

Ông Chiến cũng cho rằng trong quyết định thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP, không chỉ trong lĩnh vực y tế mà còn rất nhiều lĩnh vực khác. Trước đó khi đề xuất thí điểm, TP cũng đã có đánh giá về khả năng thực hiện mới đưa ra đề xuất.

Nếu việc này TP có thể thực hiện được thì cấp phép nhập khẩu thuốc sẽ là lợi ích "kép". Phía TP có thể chủ động được nguồn thuốc nhập khẩu và Bộ Y tế cũng giảm tải được công việc.

"Ban đầu việc cấp phép này có thể sẽ chưa quen. Nhưng với sự hướng dẫn của cục, đặc biệt là nguồn lực của Sở Y tế TP.HCM hiện nay thì cục tin rằng TP có thể triển khai được trong thời gian tới", ông Chiến nói.

TP.HCM được cấp phép nhập khẩu loại thuốc gì?

Theo phân cấp này, TP.HCM được cấp phép nhập khẩu đối với các thuốc chưa có giấy phép lưu hành tại Việt Nam, chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị và thuộc một trong các trường hợp:

1: Thuốc sử dụng cho mục đích cấp cứu, chống độc; chống thải ghép.

2: Thuốc thuộc Danh mục thuốc hiếm.

3: Thuốc có trong hướng dẫn phòng và xử trí sốc phản vệ.

4: Thuốc được sử dụng cho người bệnh cụ thể đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để chẩn đoán, dự phòng hoặc điều trị đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A, bệnh ung thư, HIV/AIDS, bệnh lao, bệnh sốt rét và các bệnh hiểm nghèo khác.

Kiến nghị triển khai thí điểm dự trữ thuốc

Sở Y tế TP.HCM cho biết trong thực tế, nhiều trường hợp cấp cứu không thể chờ thực hiện thủ tục nhập khẩu thuốc, thay vào đó rất cần hệ thống y tế phải sẵn sàng cơ số thuốc cấp cứu dự trữ sẵn có (như thuốc điều trị ngộ độc, thuốc cấp cứu, các huyết thanh kháng nọc rắn…).

Do đó, trong khi chờ Bộ Y tế thành lập các trung tâm dự trữ thuốc quốc gia, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND TP trình HĐND về triển khai thí điểm dự trữ cơ số các nhóm thuốc cấp cứu, thuốc hiếm cho nhu cầu cấp bách để có thể điều tiết sử dụng ngay khi phát sinh ca bệnh cần điều trị.

Hiện Bộ Y tế đang khẩn trương triển khai hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung. Dự kiến có 3-6 trung tâm trên cả nước.

THU HIẾN - DUƠNG LIỄU/TTO

Tin cùng chuyên mục