Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 9/4/2024

09:45 09/04/2024

Trung tâm Báo chí Thành phố tổng hợp một số thông tin đáng chú ý liên quan đến TPHCM trên các báo ra ngày 9/4/2024

TPHCM vẽ lại địa giới khu phố, ấp

Báo Thanh Niên đưa tin, tối qua, phường Võ Thị Sáu (Quận 3) tổ chức lễ công bố nghị quyết của HĐND TPHCM về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố (gọi tắt là sắp xếp khu phố) trên địa bàn phường.

Lãnh đạo Q.3 (TP.HCM) trao quyết định và tặng hoa chúc mừng các khu phố mới
Lãnh đạo Q.3 (TP.HCM) trao quyết định và tặng hoa chúc mừng các khu phố mới

Ông Phạm Đăng Nam, Chủ tịch UBND P.Võ Thị Sáu cho biết, 13 khu phố cũ được chia thành 24 khu phố mới, trong đó có 5 khu phố giữ nguyên địa giới. Các cơ quan của phường đã thực hiện miễn nhiệm và kiện toàn, phân công chức danh ở khu phố mới gồm: Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố, Trưởng ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng phụ nữ, Bí thư chi đoàn thanh niên, Khu đội trưởng, Cảnh sát khu vực. Tại buổi lễ, các chức danh ở 23 khu phố mới nhận quyết định và ra mắt cộng đồng dân cư.

Theo nghị quyết của HĐND TPHCM, Quận 3 sắp xếp 63 khu phố thành 112 khu phố mới. Bà Nguyễn Thanh Xuân, Bí thư Quận ủy Quận 3 cho rằng, sắp xếp khu phố góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hành chính cấp cơ sở, hướng đến mục tiêu xây dựng khu phố gần dân, sát dân, tinh gọn bộ máy phường. Đồng thời, đây cũng chính là bước khởi đầu cho công tác sắp xếp phường trên địa bàn quận giai đoạn 2023 - 2025 phù hợp thực tiễn, đáp ứng xu hướng phát triển.

Bà Xuân đề nghị các phường tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu về ý nghĩa việc sắp xếp, công khai địa giới hành chính, tổ chức các hoạt động gắn kết giữa ban điều hành khu phố với người dân. Đồng thời, quan tâm hướng dẫn các khu phố giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Sẽ mở tài khoản thu, chi tiền công đức ở TPHCM

Theo báo Tiền Phong, UBND TPHCM vừa giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với sở ngành kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức. Việc này nhằm minh bạch, niềm tin cho cộng đồng.

Bảo tàng TPHCM - một trong các di tích lịch sử trong danh sách kiểm tra việc quản lý tiền công đức năm 2023. (Ảnh: ST).
Bảo tàng TPHCM - một trong các di tích lịch sử trong danh sách kiểm tra việc quản lý tiền công đức năm 2023. Ảnh: ST

Theo đó, mục đích của việc kiểm tra giúp cho các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích tự quản lý tiền công đức, tài trợ theo hướng minh bạch, rõ ràng, tạo niềm tin và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của thành phố.

UBND TPHCM giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với sở ngành tổng hợp và trình lãnh đạo thành phố ký, báo cáo Bộ Tài chính. Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Nội vụ và Sở Du lịch cung cấp danh sách di tích thuộc đối tượng kiểm tra. Các sở sẽ kiểm tra di tích quản lý trực tiếp gồm: Bảo tàng Lịch sử TPHCM (bao gồm Đền thờ Hùng Vương), Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Mỹ Thuật, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM.

Nhằm tránh thất lạc, lãnh đạo TPHCM yêu cầu thành phố Thủ Đức, các quận, huyện trực thuộc gửi công văn đề nghị báo cáo và tiếp nhận báo cáo của chủ thể quản lý di dịch thông quan UBND xã, phường, thị trấn làm đầu mối tiếp nhận. Việc kiểm tra, tổng hợp báo cáo gửi Sở Tài chính trước ngày 10/3.

Nhiều mặt hàng tại TPHCM được điều chỉnh giá

Trước biến động của thị trường, Sở Tài chính TPHCM đã điều chỉnh giá một số mặt hàng trong chương trình bình ổn thị trường giúp người dân thành phố được mua hàng với mức giá ổn định và đảm bảo.

Một số mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn được điều chỉnh mức giá phù hợp. Ảnh: Ngọc Lê
Một số mặt hàng nằm trong chương trình bình ổn được điều chỉnh mức giá phù hợp. Ảnh: Ngọc Lê

Chia sẻ với báo Lao Động, bà Thanh Trúc - chủ cửa hàng tạp hóa trên đường 3 tháng 2 (Quận 10) cho biết, dầu ăn, sữa, bột mì… là những mặt hàng có nhiều lần tăng giá khoảng 3.000-5.000 đồng so với đầu năm 2024. “Tôi được đại lý thông báo sẽ tăng giá vì giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng. Với mức giá nhập vào cao thì tôi buộc phải bán cao cho khách mua lẻ nhưng vẫn tặng quà cho khách để giữ mối” - bà Trúc nói.

Tại nhiều quán ăn, uống cũng được điều chỉnh giá tăng 2.000-3.000 đồng vì giá nguyên liệu tăng. Tình trạng các mặt hàng thiết yếu liên tục biến động đã khiến đời sống của người lao động thêm phần khó khăn. Nhiều người vì giá cả neo cao nên cũng ngại chi tiêu hơn để tiết kiệm chi phí.

Trước biến động của thị trường, Sở Tài chính TPHCM đã điều chỉnh giá một số mặt hàng trong chương trình bình ổn. Theo đó, các mặt hàng lương thực thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu tham gia bình ổn thị trường năm 2024-2025, có 3/10 nhóm hàng đề nghị giảm giá là thịt gia cầm, trứng gia cầm và thực phẩm dinh dưỡng (giảm 2-7%). 1/10 nhóm hàng đề nghị tăng giá là thịt heo (tăng 10-18%). 6/10 nhóm hàng còn lại giữ nguyên giá.

Thông tin từ Sở Công Thương TPHCM cũng cho thấy, chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố năm nay có 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023. Phần lớn các doanh nghiệp tham gia Chương trình có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng.

TP.HCM: Rà soát không để một người có nhiều mã số thuế

Ngày 8-4, thông tin với Báo Pháp Luật TP, Ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục phó Cục Thuế TP.HCM cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Cục thuế đã và đang rà soát, lập tổ chỉ đạo, tổ triển khai rà soát chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân cho người dân.

Cơ quan thuế sẽ có thông báo tới người nộp thuế để hướng dẫn người dân có nhiều mã số thuế, thực hiện đóng, hủy mã số thuế theo quy định
Cơ quan thuế sẽ có thông báo tới người nộp thuế để hướng dẫn người dân có nhiều mã số thuế, thực hiện đóng, hủy mã số thuế theo quy định

Khi triển khai chính thức việc sử dụng mã số định danh làm mã số thuế thì căn cứ thông tin số định danh (số CCCD) của người nộp thuế để hợp nhất về một mã số thuế là mã số định danh cá nhân, khi đó sẽ không còn tình trạng một cá nhân có nhiều mã số thuế.

Hiện nay, qua quá trình rà soát chuẩn hóa dữ liệu mã số thuế cá nhân, theo Quyết định số 06 (Đề án 06) của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan thuế phát hiện các trường hợp một cá nhân (một số định danh) tương ứng với nhiều mã số thuế. Nguyên nhân là do cá nhân hoặc tổ chức chi trả thu nhập khi thực hiện nghĩa vụ thuế đã sử dụng số giấy tờ tùy thân khác số giấy tờ đã đăng ký mã số thuế, dẫn đến cá nhân được cấp thêm mã số thuế mới khác với mã số thuế đã được cấp trước đó.

Để tạo thuận lợi cho người dân thực hiện thủ tục thuế, Cục Thuế TP.HCM đã và đang rà soát xử lý trường hợp một người nộp thuế có nhiều mã số thuế.

Thị trường bất động sản tại TPHCM: Cung - cầu đều có tín hiệu tốt

Báo SGGP nhận định, thị trường bất động sản (BĐS) khu vực TPHCM và các địa phương lân cận trong quý 1-2024 đã đón nhận nhiều gam màu sáng. 

Khách hàng tìm hiểu một dự án căn hộ ở khu Đông TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRUNG
Khách hàng tìm hiểu một dự án căn hộ ở khu Đông TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Báo cáo thị trường của Batdongsan.com.vn vừa công bố cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2024, lượng tin rao bán BĐS tại TPHCM có tăng trưởng nhất định, lượt tìm kiếm nhà đất cũng tăng so với cùng kỳ 2023. Xét trên từng phân khúc, căn hộ vẫn là loại hình được người mua nhà ưa chuộng nhất thị trường. Nhu cầu mua căn hộ chung cư tập trung phân khúc có tầm giá từ 2-4 tỷ đồng ở TP Thủ Đức, các quận 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh.

Trong tháng 3 vừa qua, giá bán BĐS tại TPHCM có biến động mạnh ở các loại hình căn hộ, nhà riêng và nhà phố. Cụ thể, giá bán căn hộ tại TPHCM tăng thêm từ 2%-5%; giá nhà ở riêng lẻ cũng duy trì đà ổn định và tăng nhẹ ở một số khu vực nội thành như: quận 3, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình.

TPHCM sẽ tầm soát, điều tra bệnh lao ở học sinh

Báo Người Lao Động cho biết, vừa qua, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị về chấm dứt bệnh lao. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị về chấm dứt bệnh lao. Ảnh: VGP

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Tổ chức Y tế thế giới ước tính, năm 2022 Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao, lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Đáng chú ý, khoảng 40% ca bệnh lao tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện, cùng với 2% bệnh nhân lao kháng thuốc, là nguyên nhân lây lan chính trong cộng đồng. Gần 30% người dân Việt Nam có tiếp xúc với vi khuẩn lao.

Hiện Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam đang can thiệp toàn diện để tăng cường phát hiện sớm bệnh lao, nhất là nhóm có nguy cơ cao (phạm nhân, người cao tuổi, trẻ em, người nhiễm HIV); áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, phác đồ điều trị, thuốc mới nhất.

Tại hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng cần tập trung nguồn lực mạnh mẽ, triển khai điều tra dịch tễ sâu trong cộng đồng để tạo chuyển biến căn bản trong công tác phòng, chống bệnh lao. Thời gian tới, TPHCM sẽ chú trọng tầm soát, điều tra dịch tễ bệnh lao trong đối tượng học sinh.

Tăng cơ hội thực tập tại Đại học Deakin cho sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM

Chiều 8/4, Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Deakin (Úc) đã tổ chức Lễ ký kết Biên bản hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đào tạo về AI và một số lĩnh vực khác. Nội dung trên báo Phụ Nữ TP.

Đại diện 2 đơn vị ký kết hợp tác
Đại diện 2 đơn vị ký kết hợp tác

Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết, với biên bản hợp tác này, hai bên thống nhất đẩy mạnh phát triển các dự án nghiên cứu chung trong lĩnh vực AI và công nghệ thông tin, nhất là việc ứng dụng AI trong giải quyết các vấn đề lớn của các ngành: y tế, nông nghiệp, quản lý hành chính công, xây dựng đô thị thông minh… tại Việt Nam.

Cụ thể, tăng cường hợp tác đào tạo và nghiên cứu ở các lĩnh vực: Y tế cộng đồng, công nghệ sinh học, sản xuất tiên tiến, chuyển đổi số, nông nghiệp, môi trường, phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu. Cùng nhau xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn về quản trị đại học và quản lý công cho lãnh đạo, quản lý các trường đại học, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Phối hợp đào tạo đội ngũ giảng viên trẻ; gia tăng số lượng và quy mô chương trình trao đổi sinh viên, cung cấp cơ hội thực tập nghiên cứu tại Đại học Deakin cho sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM…

Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục