Sân khấu học đường: Bồi đắp tình yêu lịch sử, nghệ thuật dân tộc

09:19 19/04/2024

Chương trình sân khấu học đường đã và đang được các đơn vị nghệ thuật công lập lẫn tư nhân duy trì thường xuyên với các buổi sinh hoạt giao lưu, biểu diễn âm nhạc dân tộc, đờn ca tài tử, cải lương, kịch nói, hát bội… tại các trường từ tiểu học đến THCS, THPT, đại học. Chương trình đã góp phần không nhỏ trong việc giáo dục lịch sử, trao truyền tình yêu nghệ thuật truyền thống.

Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM biểu diễn tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: Bảo Lâm
Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM biểu diễn tại Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, quận Gò Vấp, TPHCM. Ảnh: Bảo Lâm

Nghệ sĩ đến trường học

Đã thành thông lệ, các suất diễn của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM đến với nhiều trường học vào buổi sinh hoạt dưới cờ mỗi sáng thứ hai. Tiết mục ngắn giới thiệu những kiến thức căn bản, đặc trưng của nghệ thuật hát bội; mời các em học sinh thử diễn các vai diễn; trả lời các câu hỏi về nghệ thuật hát bội…

Ông Võ Hồ Hoàng Vũ, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, cho biết: “Ban đầu, các trường cũng khá e ngại, không biết đưa hát bội vào trường có hợp không. Thế nhưng, thực tế cho thấy các em học sinh rất thích, tương tác rất sôi động. Vì thế, năm nay nhà hát có kế hoạch thực hiện 32 suất diễn sân khấu học đường. Đặc biệt, tùy theo từng lứa tuổi, nhà hát sẽ xây dựng chương trình sân khấu phù hợp, không đặt nặng tính hàn lâm, mà chú trọng đẩy mạnh giao lưu để học sinh, sinh viên tiếp cận, được trực tiếp trải nghiệm, thực hành, giao lưu cùng diễn giả, nghệ sĩ”.

Khác với hát bội, dự án sân khấu kịch học đường “Tôi yêu lịch sử Việt Nam” của Nhà hát Idecaf đến với các trường tiểu học trên địa bàn TPHCM theo hướng giáo dục lịch sử. Thông qua các vở kịch, kịch rối, múa rối nước như: Thánh Gióng, Trần Quốc Toản ra quân, Đinh Bộ Lĩnh, Trưng Nữ Vương… đã góp phần giúp các em thêm hiểu biết về các nhân vật lịch sử đã được học trong sách giáo khoa. Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Nhà hát Idecaf, chia sẻ: “Theo tôi, việc biểu diễn các vở kịch lịch sử trong trường học chính là môn học ngoại khóa bổ ích, thể hiện qua hình thức trình diễn sân khấu sinh động, sôi nổi, hấp dẫn, hỗ trợ rất tốt cho việc giáo dục lịch sử học đường”.

Các đơn vị nghệ thuật khác như Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Kịch TPHCM, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Trung tâm Tổ chức và biểu diễn điện ảnh TPHCM… cũng liên tục phối hợp và đổi mới trong thực hiện các chương trình sân khấu học đường, chương trình phục vụ thiếu nhi đến các trường học trên địa bàn thành phố.

Năm học 2023-2024, nhiều trường THPT trên địa bàn TPHCM đã phối hợp tổ chức chương trình biểu diễn các trích đoạn cải lương tuồng cổ vào tiết học môn Giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp cho học sinh khối lớp 10. Đây là một trong những hoạt động nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Học sinh đến sân khấu

Không chỉ đưa sân khấu đến trường học, chính các trường cũng chủ động liên kết với nhiều sân khấu để xây dựng các vở diễn phù hợp, tổ chức đưa học sinh đến thưởng thức tại các sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp. Điển hình có thể kể đến Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh hơn 12 năm thực hiện mô hình diễn kịch tại rạp hát phục vụ học sinh. Trung bình mỗi năm, sân khấu Hoàng Thái Thanh tổ chức biểu diễn trên 20 suất phục vụ học sinh, sinh viên. Nội dung các vở diễn thường gắn với những nội dung giảng dạy văn học, lịch sử theo yêu cầu của các trường.

Cách đây vài năm, Nhà hát Idecaf cũng tổ chức chương trình biểu diễn phục vụ học sinh các trường THCS và THPT của TPHCM tại rạp Bến Thành. Vở diễn được chọn là vở nhạc kịch Tiên Nga (truyện thơ của Thi hào Nguyễn Đình Chiểu, hợp soạn: NSND Năm Châu, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Hồng Nhung, biên kịch: Nguyễn Thành Lộc, đạo diễn: NSƯT Thành Lộc), tạo cơ hội cho các em tiếp cận với kịch văn học Việt Nam. Ngoài ra, Nhà hát Idecaf cũng diễn phục vụ học sinh một số trường ở quận 1, TPHCM vở Dạ cổ hoài lang (tác giả: NSƯT Thanh Hoàng, đạo diễn: Vũ Minh).

Mới đây, Nhà hát Idecaf còn ra mắt hình thức tổ chức biểu diễn mới là “Sân khấu sử Việt học đường”. Chương trình chú trọng tìm kiếm, chỉnh lý, dàn dựng và biểu diễn các tác phẩm, vở diễn sân khấu (cả cải lương và kịch nói) có nội dung về các nhân vật anh hùng dân tộc nước Việt. Vở đầu tiên vừa ra mắt đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả là Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt (tác giả: Phạm Văn Quý, đạo diễn: Hoàng Duẩn). Hiện nhà hát đang dựng liên tiếp 2 vở cùng đề tài lịch sử là: Trần Thủ Độ - Anh hùng hay gian hùng (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt) và vở kịch hát Nam bộ Nữ đại đế Đồng Đình - Mê Linh (tác giả: Vũ Minh - Bạch Long, đạo diễn: Vũ Trần).

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Nhà hát Idecaf, chia sẻ: “Môn Lịch sử đang ngày càng được chú trọng trong giảng dạy, trở thành môn thi quan trọng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị sân khấu tập trung đầu tư mạnh cho sân khấu học đường, các vở diễn sẽ được dàn dựng cẩn trọng, chu đáo, hấp dẫn, để phục vụ các em học sinh ngày càng tốt hơn”.

THÚY BÌNH/Báo SGGP

Tin cùng chuyên mục