76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ: Các anh luôn trong tim mỗi người dân

08:45 27/07/2023

Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Nhân dân đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sỹ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.

76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ: Các anh luôn trong tim mỗi người dân - Ảnh 1

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sỹ." Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ.

Thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa.

Với tinh thần quật cường, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh, cống hiến xương máu, sức lực trên các chiến trường.

Thấm nhuần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn,” “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh đối với đất nước, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sỹ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.

Hai cha con dâng hoa, thắp hương lên mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Lai Châu. Đây là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ qua các thời kỳ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Hai cha con dâng hoa, thắp hương lên mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Lai Châu. Đây là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ qua các thời kỳ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sỹ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác, sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sỹ bị thương.

Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Hội.

Chiều 28/5/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng Hội giúp binh sỹ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng để kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sỹ bị thương tùy theo điều kiện của gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự.

Sau đó, nhiều chương trình quyên góp, ủng hộ bộ đội được phát động, đáng chú ý nhất là cuộc vận động "Mùa Đông binh sỹ."

Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban vận động đã họp phát động phong trào may áo trấn thủ cho chiến sỹ.

Trước giờ khai mạc Đại hội thống nhất Việt Minh-Liên Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu viếng liệt sỹ tại Đài liệt sỹ ở chiến khu Việt Bắc (tháng 3/1951). Ảnh: TTXVN
Trước giờ khai mạc Đại hội thống nhất Việt Minh-Liên Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu viếng liệt sỹ tại Đài liệt sỹ ở chiến khu Việt Bắc (tháng 3/1951). Ảnh: TTXVN

Chiều 17/11/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức lễ xung phong “Mùa Đông binh sỹ,” mở đầu cuộc vận động “Mùa Đông binh sỹ” trong cả nước để giúp chiến sỹ trong mùa đông giá rét với sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ. Ngay tại buổi lễ, Người đã cởi chiếc áo len đang mặc để tặng lại các binh sỹ.

Những chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sỹ

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19/12/1946, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.”

Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, đời sống của chiến sỹ, nhất là những chiến sỹ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra những chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sỹ, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sỹ.

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sỹ." Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ.

Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sỹ và thực hiện Chỉ thị Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm Ngày Thương binh, liệt sỹ.

Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27/7 là ngày “Thương binh toàn quốc.” Từ đó, hằng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ.

Đặc biệt, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sỹ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình có công với cách mạng ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, Hà Nội (1955). (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình có công với cách mạng ở thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, Hà Nội (1955). (Ảnh: TTXVN)

Từ tháng 7/1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh, liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sỹ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh, liệt sỹ” của cả nước.

Ngày Thương binh, liệt sỹ có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc. Đó là, thể hiện sự tiếp nối truyền thống “hiếu nghĩa bác ái,” "uống nước nhớ nguồn," "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc; thể hiện sự biết ơn, trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Khẳng định việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị-xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ, thương binh cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của Nhân dân.

Góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Tấm lòng của Bác với những người hy sinh vì dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt với thương binh, liệt sỹ - những người hy sinh tính mạng hay một phần thân thể cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Người luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn đó, “phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ.”

Ngay từ ngày đất nước đang trong cảnh thù trong, giặc ngoài “nghìn cân treo sợi tóc,” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn nghĩ đến công ơn của các thương binh, liệt sỹ.

Trong bức thư đăng trên báo Cứu quốc ngày 7/1/1946, Người viết: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những liệt sỹ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập, thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mạng, hoặc trong thời kỳ kháng chiến, tôi gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sỹ và tôi nhận các con liệt sỹ làm con nuôi của tôi.”

Và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người ký văn bản pháp quy đầu tiên về công tác thương binh, liệt sỹ. Đó chính là Sắc lệnh số 20/SL, ngày 16/2/1947, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sỹ.

Sắc lệnh này không chỉ là sự ghi nhận công lao của thương binh, bệnh binh, liệt sỹ mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến những người đã ngã xuống hay cống hiến một phần xương máu của mình vì độc lập tự do cho tổ quốc.

Tiếp đó, tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh, liệt sỹ” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, biết ơn đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với đất nước.

Thực hiện chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh họp ở Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên nhất trí lấy ngày 27/7 là “Ngày Thương binh toàn quốc.”

76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ: Các anh luôn trong tim mỗi người dân - Ảnh 2

Nhân dịp này, Bác đã viết Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức "Ngày Thương binh toàn quốc” nói rõ ý nghĩa của ngày kỷ niệm và kêu gọi mọi người có hành động thiết thực giúp đỡ thương binh: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm đau, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy."

Không chỉ ký và ban hành các chính sách về công tác thương binh, liệt sỹ, bản thân Bác luôn đi đầu trong việc thực hiện công tác này. Hằng năm, đều đặn cứ vào dịp tháng 7, Bác lại gửi thư thăm hỏi, động viên thương binh, gia đình liệt sỹ, một mặt khẳng định công lao, đóng góp của họ, một mặt động viên họ.

Tình yêu thương của Bác đối với thương binh còn được thể hiện ở những nghĩa cử bình dị và rất đỗi tự nhiên trong đời sống thường ngày.

Bác thường trích một tháng lương, dùng tiền do các Việt kiều biếu, dùng những bộ quần áo, khăn tay, các vật dụng khác để làm quà tặng cho anh em thương binh tại các trại điều dưỡng.

Trong vòng 22 năm (1947-1969), Bác đã 14 lần gửi quà, tiền nhân Ngày Thương binh, liệt sỹ.

Cấp chân giả cho các thương binh tại tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Trần Tuấn/TTXVN)
Cấp chân giả cho các thương binh tại tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Trần Tuấn/TTXVN)

Việc làm của Bác vừa thiết thực, vừa tạo thành một phong trào xã hội rộng lớn với nhiều hình thức phong phú và vô cùng cảm động đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Bác cũng thường xuyên đặt vòng hoa viếng tại Đài liệt sỹ Hà Nội vào các dịp lễ, Tết: “Ngày mai là năm mới... Trong lúc cả nước vui mừng, thì mọi người đều thương tiếc các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Bác thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sỹ.”

Không chỉ dừng lại ở biên giới quốc gia, tình yêu thương, nhân ái của Người đã vượt qua cả danh giới địa lý và chính trị. Trong lần sang thăm nước Pháp trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người đã viếng thăm và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm chiến sỹ tử trận tại Biarit, mộ chiến sỹ vô danh tại Khải Hoàn Môn, mộ liệt sỹ bị phátxít Đức bắn trên đồi Valerien.

Người nói “trông thấy nghĩa sỹ Pháp vì độc lập và tự do mà bị người Đức tàn sát, lại nhớ đến nghĩa sỹ Việt cũng vì độc lập, tự do mà cũng bị người khác tàn sát, khiến cho người ta thêm nỗi cảm động ngậm ngùi.”

“Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sỹ là những người đã có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ. Người luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta bất kể trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn đó.

Tháng 2/1948, Người gửi thư dặn dò các cháu nhi đồng phát động công tác Trần Quốc Toản: “... Từ 5-10 cháu tổ chức thành một đội, giúp nhau học hành. Khi học rảnh, mỗi tuần mấy lần cả đội đem nhau đi giúp đồng bào. Trước thì giúp các nhà chiến sỹ, các thương binh, lần lượt giúp những nhà ít người. Sức các cháu làm được việc gì thì giúp việc ấy. Thí dụ: quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ quốc ngữ...”

Tháng 7/1951, trong thư gửi cụ Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Bộ Thương binh, Người nhắc: “Anh em thương binh đã hy sinh một phần xương máu để giữ gìn Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, đã tận trung với nước, tận hiếu với dân. Anh em đã làm tròn nhiệm vụ, anh em không đòi hỏi gì cả. Song đối với những người con trung hiếu ấy. Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng?”

Bác gợi ý: “Mỗi xã phải tùy theo sự cố gắng và khả năng chung mà đón một số anh em thương binh. Giúp lâu dài, chứ không phải chỉ giúp một thời gian... Như thế thì đồng bào mỗi xã được thỏa mãn lòng ao ước báo đáp anh em thương binh, mà anh em thương binh thì được yên ổn về vật chất và vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động có ích cho xã hội.”

Tại buổi đến thăm, nói chuyện thân mật với các thương binh tại trường thương binh hỏng mắt ở Hà Nội, ngày 11/2/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Thương binh tàn, nhưng không phế.” (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Tại buổi đến thăm, nói chuyện thân mật với các thương binh tại trường thương binh hỏng mắt ở Hà Nội, ngày 11/2/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Thương binh tàn, nhưng không phế.” (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trước lúc đi xa Bác vẫn không quên dặn rằng: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ binh sỹ, dân quân, du lích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh.”

Người nhắc nhở: “Đối với các liệt sỹ, thì mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.”

Đối với “cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.”

Luôn quan tâm tới các thương binh, liệt sỹ

Có thể thấy tình cảm của Bác đối với thương binh, liệt sỹ không chỉ là sự thương xót mà còn là niềm tự hào và biết ơn. Và sự biết ơn đó phải được thể hiện bằng ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của xã hội đối với việc chăm sóc và giúp đỡ thương binh và các gia đình liệt sỹ.

Thực hiện lời dặn của Bác và với truyền thống và đạo lý của dân tộc, trong suốt hơn 7 thập kỷ qua kể từ ngày Ngày Thương binh, liệt sỹ đầu tiên năm 1947, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Đến nay, trên cả nước có hơn 9,2 triệu lượt người có công (bao gồm cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ...) được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi.

Các phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng;" ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa;" công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng nhà tình nghĩa cho thương binh, gia đình liệt sỹ; hỗ trợ vốn giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, miễn viện phí, học phí cho những gia đình chính sách đã được thực hiện trên cả nước, được xã hội đồng tình, hưởng ứng.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đường dây nóng

0357 216 216

Lịch sự kiện

January 2025

Mon
Tue
Wed
Thu
Fri
Sat
Sun
30
31
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31
1
2

Sự kiện đang diễn ra

Sự kiện đã diễn ra

Sự kiện sắp diễn ra