Nhiều dịch bệnh rình rập bùng phát: Tăng cường giám sát, đẩy mạnh tiêm vaccine

10:18 16/08/2024

Tại nhiều địa phương trong cả nước, số người mắc sởi, sốt xuất huyết, ho gà, tay chân miệng… đang gia tăng. Đáng lo ngại, nhiều trẻ không được tiêm chủng đầy đủ làm giảm khả năng miễn dịch.

TPHCM: Gia tăng ca mắc sởi

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 272 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 18,8% so với trung bình 4 tuần trước), 25 trường hợp mắc bệnh sởi, tăng nhanh so với cùng kỳ.

Từ đầu năm 2024 đến 14-8, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM là 597 ca. Trong đó số ca dương tính với sởi là 346 ca (bao gồm 153 trẻ cư ngụ tại TPHCM, 193 trẻ tại các tỉnh, thành khác); đã có 3 ca tử vong. Trong khi đó, từ năm 2021 đến năm 2023, toàn TPHCM chỉ có 1 ca bệnh sởi.

Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ
Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, BS-CK2 Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết, 10 ngày trở lại đây, số lượng bệnh nhân nhập viện vì sởi đã tăng đột biến. Riêng ngày 12-8, số lượng bệnh nhân nội trú mắc bệnh sởi là 50 ca, đều trong tình trạng nặng, nhiều ca phải thở oxy và có bệnh lý nền như: hen suyễn, tim bẩm sinh, thận hư, bệnh lý huyết học...

“Đa số các bệnh nhân từ tuyến tỉnh chuyển đến (chiếm 2/3 số ca nội trú). Đây là bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan, nên khi di chuyển một quãng đường dài, nguy cơ phát sinh thêm ca bệnh mới rất cao”, BS-CK2 Dư Tuấn Quy thông tin.

Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC, qua điều tra cho thấy, có đến 73% trẻ chưa tiêm mũi vaccine sởi, số còn lại không rõ tiền sử tiêm vaccine. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi mũi 1 cho đối tượng quy định trên toàn TPHCM mới đạt hơn 89%, trong khi muốn để dịch sởi không xảy ra, tỷ lệ bao phủ cần phải đạt trên 95%. Nhiều quận, huyện có 4 năm liên tiếp chưa đạt tỷ lệ này như: quận 5, 8, 11, 12, Tân Phú, huyện Củ Chi, Bình Chánh và TP Thủ Đức.

“Ngành y tế đã có văn bản gửi UBND TPHCM đề xuất công bố dịch sởi (bệnh truyền nhiễm nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm) để các địa phương, cùng ngành y tế có cơ sở triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch, mua sắm thuốc, vaccine, sinh phẩm, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi”, bác sĩ Lê Hồng Nga thông tin.

Tại Hà Nội, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, cho biết đang ghi nhận nhiều dịch bệnh có diễn biến phức tạp trên địa bàn như: ho gà, sốt xuất huyết, tay chân miệng. Đặc biệt, đối với dịch bệnh thủy đậu dù được xem là bệnh lành tính, nhưng cũng ghi nhận gần 700 ca mắc...

Phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, sở vừa có cuộc họp khẩn với toàn hệ thống dự phòng và điều trị tìm cách kiểm soát sự lây lan dịch bệnh trên địa bàn thành phố, khống chế số ca biến chứng nặng và tử vong. Trong đó, yêu cầu các đơn vị khẩn trương tiêm bù, tiêm bổ sung vaccine sởi cho trẻ em từ 1-5 tuổi và nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân mắc sởi giúp hạn chế lây lan dịch bệnh. Đồng thời, chủ động rà soát trẻ thuộc nhóm nguy cơ để được bảo vệ nhằm hướng đến mục tiêu làm giảm số ca mắc và hạn chế thấp nhất ca tử vong.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 thăm khám cho bệnh nhi mắc sởi

Còn theo TS-BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn cầu. Bộ Y tế cũng có cảnh báo và nhận định về nguy cơ dịch sởi bùng phát mạnh trong năm nay do rơi vào thời thời điểm chu kỳ từ 4-5 năm bùng phát của dịch bệnh nguy hiểm này. Thời điểm này, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp đang gia tăng là vấn đề đáng lo ngại nhưng không bất thường.

Bộ Y tế mới đây có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị y tế trên địa bàn chủ động, tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Dịch sởi lây lan nhanh hơn Covid-19

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy... có thể gây tử vong. 1 ca bệnh sởi có thể lây cho 12 - 18 ca khác trong quá trình bệnh, trong khi 1 ca Covid-19 chỉ lây từ 2 - 5 ca.

THÀNH AN - MINH KHANG/Báo SGGP

Tin cùng chuyên mục