Ngành in TP. Hồ Chí Minh ngày càng hướng đến các tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường

12:23 19/09/2019

(HMC) - Trong khuôn khổ các hoạt động của Triển lãm ngành in TP. Hồ Chí Minh năm 2019, sáng 19/9 tại Trung tâm Báo chí Thành phố đã diễn ra hội thảo “Giải pháp ngành in đang thực hiện để giảm tải ảnh hưởng đến môi trường”. Tham dự hội thảo có ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Trưởng Ban tổ chức triển lãm, ông Ngô Anh Tuấn - Chủ tịch Hội in thành phố cùng các chuyên gia trong lĩnh vực và đại diện các công ty in tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Trong đời sống hiện nay, các sản phẩm in ấn ngày càng xuất hiện nhiều, từ sách báo, bao bì thực phẩm, tờ rơi, cho đến giấy dán tường, bao bì nhựa, áo quần… Tất cả những sản phẩm này được sản xuất qua nhiều công đoạn, trong đó có một số công đoạn gây ảnh hưởng đến môi trường. Đó là những công đoạn liên quan đến những vấn đề như khí thải gây ô nhiễm không khí, kiểm soát và xử lý nguyên vật liệu nguy hiểm, quản lý chất thải và sử dụng năng lượng. Đây cũng chính là 3 yếu tố liên quan đến môi trường mà các doanh nghiệp sản xuất in cần phải quan tâm để giảm thiểu sự tác động của chúng đến môi trường.

Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.

Về khí thải gây ô nhiễm không khí, các nhà máy in đã tạo ra các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong việc sử dụng dung môi phục vụ sản xuất in, hợp chất này được tạo ra từ 3 nguồn chính là mực in, hóa chất rửa máy in và dung dịch làm ẩm. Mực in được sử dụng hầu hết là mực in gốc dung môi, sẽ sinh ra VOCs. Hóa chất rửa máy in cũng là những dung môi ảnh hưởng đến môi trường. Dung dịch làm ẩm (nước máng) là thành phần không thể thiếu, thường là cồn pha với nước, cũng là chất tạo ra VOCs chính trong các nhà máy in offset.

Các nguyên vật liệu cần phải được kiểm soát và xử lý trong ngành công nghiệp in chủ yếu là chất thải từ hóa chất hiện phim hoặc hiện bản và chất thải dung môi. Mức độ độc hại của các chất thải này gây ảnh hưởng đến môi trường, nó cũng là nguyên nhân gây nhiễm độc hoặc ảnh hưởng đến sự sống của cây cỏ, nông sản.

Ông Ngô Anh Tuấn - Chủ tịch Hội in thành phố phát biểu tại hội thảo.
Ông Ngô Anh Tuấn - Chủ tịch Hội in thành phố phát biểu tại hội thảo.

Quản lý chất thải trong ngành in được xem là việc tái sử dụng, tái chế hoặc tiêu hủy những nguyên vật liệu sản xuất trong ngành in bao gồm mực in, giấy, kẽm in, khuôn in, pallet… Nếu không được xử lý hiệu quả sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường.

Trước những vấn đề bức thiết đó, tại hội thảo, các chuyên gia về kỹ thuật in và các doanh nghiệp trong lĩnh vực in ấn, thiết bị, công nghệ in đã trình bày các tham luận liên quan đến các giải pháp công nghệ, nguyên liệu và xử lý nước thải để giảm thiểu tối đa việc gây ô nhiễm môi trường, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của thợ in.

Về đề xuất giải pháp giảm thiểu carbon footprint trong sản xuất in, chuyên gia cho rằng cần tìm nguồn cung cấp và sử dụng giấy đạt yêu cầu về môi trường, sử dụng mực in có gốc thực vật, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tổng thể và giảm thiểu phế phẩm trong sản xuất in.

Ông Tony Tan, chuyên gia kỹ thuật của hãng Bottche – CHLB Đức trình bày tại hội thảo báo cáo tham luận về Giảm thiểu cồn trong quá trình in, tránh gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người thợ in. Hiện nay hầu hết công ty in sử dụng cồn IPA để pha dung dịch làm ẩm. Tuy có nhiều ưu điểm nổi bật, nhưng loại cồn này có nguồn gốc dầu mỏ, khi in thường tạo ra chấ hữu cơ bay hơi VOC gây ô nhiễm môi trường, có tác động rất xấu và rất nguy hiểm đến sức khỏe con người và giá thành cồn này cũng cao. Chưa kể IPA còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn.

Cồn IPA dùng trong in offset tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Cồn IPA dùng trong in offset tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Ngoài ra, nhiều tham luận khác tại hội thảo cũng đã tạo được sự quan tâm đặc biệt của các khách mời tham dự, như công nghệ in không dùng hóa chất và thân thiện với môi trường, công nghệ loại bỏ plastic ra khỏi sản phẩm in, giải pháp xử lý nước thải…

Liên quan đến công nghệ loại bỏ Plastic ra khỏi sản phẩm in, bà Đỗ Huỳnh Phương Lan (Công ty cổ phần Minh Phương) đã chia sẻ những đổi mới mà doanh nghiệp này đang thực hiện để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng, nhất là trong việc xuất khẩu. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về công nghệ, nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng là tiêu chí để doanh nghiệp in đáp ứng được tiêu chuẩn của các chứng chỉ quốc tế, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cũng như tạo được sự hài lòng cho khách hàng, khi mà khách hàng ngày càng quan tâm đến sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường.

Về vấn đề xử lý nước thải tiết kiệm và hiệu quả, ông Vũ Tiến Anh (Công ty TNHH xử lý nước TA, Hà Nội, đơn vị tham gia xử lý nước thải cho sông Tô Lịch) cũng có bài trình bày nhằm chia sẻ kinh nghiệm cho các công ty in khi giới thiệu về nguyên lý hoạt động và tính ưu việt của công nghệ MET.

Ngành in TP. Hồ Chí Minh ngày càng hướng đến các tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường - Ảnh 1

Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Từ Lương – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đánh giá cao những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc không ngừng tìm tòi, đổi mới công nghệ, nguyên liệu nhằm tạo ra những sản phẩm in ấn đẹp, chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế, đặc biệt ngày càng hướng đến các tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Ngành in TP. Hồ Chí Minh ngày càng hướng đến các tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường - Ảnh 2

Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục