Đẩy mạnh cải cách hành chính
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cho biết, chủ đề năm 2021 của TPHCM là năm “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”; đồng thời, để thực hiện thành công mục tiêu kép là kiểm soát tốt dịch Covid-19 song song với phục hồi và phát triển kinh tế, chính quyền thành phố đã đề ra 10 giải pháp.
Cụ thể, TPHCM đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, công khai, minh bạch quy trình xử lý công việc tại tất cả cơ quan chức năng, đơn vị cũng như các tài liệu liên quan tới công tác quy hoạch, kế hoạch của thành phố.
Thành phố tập trung nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trên địa bàn. Ban hành các cơ chế phối hợp giữa các sở ban ngành trong việc lựa chọn nhà đầu tư, giải quyết thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án có sử dụng đất, tiếp nhận các khoảng viện trợ không hoàn lại. Tiếp tục tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp phép, cùng đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng tổng thể ngành logistics và thực hiện đề án phát triển xuất khẩu.
Về tiếp cận nguồn lực đất đai, thành phố sẽ công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn. Ban hành khung giá đất sát với thực tế thị trường, kết hợp xây dựng chương trình, chính sách thu hút đầu tư phát triển đô thị và nhà ở theo hướng ưu tiên phát triển các khu đô thị quy mô lớn trên 10ha có ứng dụng công nghệ thông minh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…
Đại diện tổ xúc tiến ngoại thương Nhật Bản phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CAO THĂNG
TPHCM cũng sẽ tập trung vào chuyển đổi số và khoa học công nghệ, tiếp tục chương trình chuyển đổi số của thành phố và phát triển mạnh thương mại điện tử. Liên quan đến đầu tư công, thành phố sẽ ban hành quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức BTL (hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ)/BLT (hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) cho các dự án đốt rác phát điện, xử lý rác thải, nước thải hay quy trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư). Đồng thời đẩy mạnh việc đấu thầu qua mạng.
Những giải pháp còn lại tập trung vào các giải pháp quy hoạch và xây dựng, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn lực tài chính, hoàn thiện thiết chế pháp lý và khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, lấy lại đà phát triển cho thành phố.
Đúng nút thắt
Nhận xét về những giải pháp này, hầu hết doanh nghiệp tham gia đều cho rằng, TPHCM đã xác định đúng các nút thắt và việc cần làm. Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, cho biết, thủ tục hành chính khá phức tạp và liên quan đến nhiều sở ban ngành của thành phố nên việc xin cấp phép đầu tư, xây dựng… thường bị kéo dài. Đặc biệt, về quỹ đất, các doanh nghiệp rất khó tìm quỹ đất lớn, nhất là tại Khu Công nghệ cao TPHCM.
Đại diện Amcham cho biết thêm, hiện các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất sẵn sàng đầu tư mạnh vào Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Tuy nhiên, thành phố cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình cấp phép đầu tư, đặc biệt tại TP Thủ Đức. Bên cạnh đó, cần đầu tư thêm hạ tầng cảng, logistics, xử lý chất thải, nước thải. Với kế hoạch sử dụng đất, cần minh bạch hơn để doanh nghiệp dễ tiếp cận quỹ đất. Cần phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên tại các trường đại học. Còn đại diện Tập đoàn Intel cho rằng, ngoài những chính sách thu hút đầu tư mới thì cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã đầu tư được tiếp tục mở rộng đầu tư.
Ông Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến đầu tư Nhật Bản tại TPHCM, cho rằng, môi trường đầu tư tại TPHCM sẽ hấp dẫn hơn nếu bổ sung yếu tố kết nối với các tỉnh thành xung quanh. Hiện trong đánh giá của nhà đầu tư, TPHCM là “viên kim cương tám cạnh”, bởi từ trung tâm TPHCM chỉ mất hơn 2 giờ để di chuyển đến các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Vĩnh Long… Tuy nhiên, thành phố cần kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường cao tốc nối từ thành phố đến các tỉnh lân cận.
Ở góc độ doanh nghiệp trong nước, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho rằng, thành phố cần xây dựng dữ liệu doanh nghiệp trong 5 - 10 năm lại đây. Điều này cho phép thành phố nắm bắt rõ hơn nội lực của doanh nghiệp. Từ đó, xây dựng chính sách phù hợp nhằm khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất theo hướng công nghệ cao.
Sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến doanh nghiệp
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ trân trọng những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, và cho biết, TPHCM sẽ tổ chức 2 cuộc họp để tiếp nhận thêm ý kiến đóng góp của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Về đề xuất thành lập trung tâm khởi nghiệp của Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, đồng chí đề nghị làm đề án cụ thể để thành phố xem xét. Về quỹ đất đầu tư, thành phố yêu cầu Khu công nghệ cao rà soát và xem xét những dự án đang và sẽ đầu tư tại đây. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư mới và tái đầu tư phải tuân thủ quy định đầu tư công nghệ cao, giảm thâm dụng lao động và quỹ đất. Thành phố sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, mở rộng quy mô đầu tư.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Nội vụ khẩn trương tham mưu thành phố kiện toàn thành viên của Tổ công tác đầu tư và Quy chế sửa đổi, bổ sung hoạt động của Tổ công tác đầu tư, trình UBND TPHCM trước ngày 5-4. Sở Kế hoạch và Đầu tư phải soát những khó khăn vướng mắc của các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm để thành phố có giải pháp xử lý nhanh. Ngoài ra, với giải pháp cải thiện môi trường đầu tư cần bổ sung thêm quy định, nếu doanh nghiệp gửi văn bản nhưng quá 15 ngày làm việc, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan.
Việc thanh tra, kiểm tra không quá một lần/năm và phải kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, trừ trường hợp đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ngâm hồ sơ của doanh nghiệp. Trường hợp cơ quan chức năng vi phạm, thành phố sẽ có giải pháp xử lý mạnh tay, triệt để.