Bắt đầu triển khai thử nghiệm từ năm 2018, mô hình nhằm mục đích cụ thể hóa nội dung Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” ban hành theo Quyết định số 6179/QĐ-UBND (ngày 23-11-2017) của UBND TP.
Theo ông Dương Trí Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD-ĐT TP), từ năm 2014, Sở GD-ĐT TP đã hợp tác cùng 3 đơn vị đối tác là Công ty cổ phần văn hóa Ngôi Nhà Xanh, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn và Ngân Hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM xây dựng “Đề án thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học - Thẻ học đường thông minh SSC” nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhà trường, giúp phụ huynh và học sinh thanh toán các dịch vụ qua ngân hàng một cách tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian.
Trong giai đoạn đầu thực hiện (từ năm 2014 đến năm 2016), thẻ học đường thông minh gặp rất nhiều khó khăn do phụ huynh và học sinh chưa tiếp cận thanh toán bằng thẻ, thanh toán qua ngân hàng cộng với thói quen sử dụng tiền mặt. Cuối năm 2016, Ban chỉ đạo đề án quyết định tách các nội dung thực hiện thành 2 nhóm nhiệm vụ chính gồm: Xây dựng và nghiên cứu thẻ thông minh và Xây dựng “Hệ thống phần mềm quản lý nguồn thu trực tuyến-SSC” phục vụ riêng cho công tác quản lý thu và thanh toán học phí, các khoản thu khác trong nhà trường.
Đến năm 2018, Sở GD-ĐT TP phối hợp với Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn khảo sát tình hình triển khai thẻ học đường thông minh tại 12 đơn vị trường học. Tại mỗi đơn vị, tổ công tác tiếp xúc trao đổi với đại diện nhà trường, những người trực tiếp có liên quan đến quá trình triển khai ứng dụng tại trường học gồm ban giám hiệu, kế toán, giám thị / quản sinh / bảo vệ, đại diện phụ huynh học sinh, đại diện bên cung cấp dịch vụ căn tin và giữ xe để ghi nhận ý kiến và hiểu thêm về nhu cầu thực tế trong hoạt động quản lý nhà trường.
Học sinh Trường THCS Lý Thánh Tông (quận 8) sử dụng thẻ học đường thông minh
Sau khi phân tích kết quả khảo sát tại 12 trường học, Sở GD-ĐT TP thống nhất cho triển khai thí điểm Mô hình “Trường học thông minh – An toàn – Không dùng tiền mặt” tiếp nối đề án thẻ học đường SSC trên tinh thần kế thừa những kết quả đạt được, khắc phục những mặt hạn chế, cải tiến và bổ sung những cấu phần mới cho phù hợp với nhu cầu thực tế trong công tác quản lý nhà trường và quản lý học sinh trong trường.
Theo đó, mô hình sẽ tích hợp 6 nội dung chính gồm: điểm danh học sinh, chấm công giáo viên, vận hành máy bán hàng tự động, tương tác học đường, quản lý căn tin và hỗ trợ thu học phí.
Sau gần 2 năm triển khai thử nghiệm, đơn vị tổ chức đã đầu tư phát triển thêm hệ thống phần mềm, xây dựng hệ sinh thái ứng dụng quản lý trong trường học và tiến hành lắp đặt thiết bị thử nghiệm tại Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8) và Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Quận Tân Bình).
Bước đầu, việc triển khai thử nghiệm đem lại một số hiệu quả như 100% học sinh của trường sử dụng thẻ để thực hiện điểm danh vào đầu mỗi ca học, phụ huynh hài lòng với thông tin về thực đơn, giờ ăn bán trú được thông báo tức thời đến phụ huynh, thanh toán không tiền mặt thông qua các ứng dụng “Máy bán hàng tự động” và “Căn tin” với hơn 3.700 lượt giao dịch mỗi tháng, thực hiện chấm công đối với 100% cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường thông qua thẻ ra vào. Ngoài ra, đã có gần 130.000 lượt phụ huynh tham gia tương tác mỗi tháng thông qua ứng dụng trên điện thoại di động.
Tiếp nối thành công đó, mô hình quản lý “Trường học thông minh – An toàn – Không dùng tiền mặt” triển khai sử dụng thẻ đa năng VinaID nhằm mang lại nhiều tiện ích cho học sinh như: sử dụng thẻ đa năng để đi xe đưa đón, ra vào trường thông qua cổng kiểm soát tự động, điểm danh vào lớp và điểm danh bán trú, mua hàng, thanh toán bằng thẻ tại máy bán hàng tự động hoặc căn tin trong trường, tương tác với phụ huynh thông qua tin nhắn hoặc gọi điện tại các thiết bị đa năng đặt trong sân trường. Đồng thời, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp các em hình thành tác phong công nghiệp, có ý thức về việc đúng giờ, giảm các rủi ro trong việc dùng tiền mặt…
Riêng đối với phụ huynh sẽ được hưởng các lợi ích như: nhận thông báo tức thời (qua ứng dụng điện thoại) khi học sinh điểm danh vào lớp; thông tin về tài xế, phương tiện, thời gian và địa điểm học sinh lên xuống xe đưa đón của trường; cập nhật thông tin về giờ giấc sinh hoạt, thực đơn ăn uống hàng ngày của học sinh; thông tin món hàng, số tiền, thời gian và địa điểm học sinh mua hàng trong nhà trường; thanh toán các khoản phí và học phí từ xa bằng các phương thức không sử dụng tiền mặt cũng như tra cứu lịch học, lịch thi, lịch sử giao dịch và sử dụng thẻ của học sinh qua ứng dụng di động.
Hiện nay, thẻ đa năng còn được thiết kế với tính mở, có khả năng kết nối với các ứng dụng trong hệ sinh thái phục vụ cho trường học thông minh như sổ liên lạc điện tử, ứng dụng học và khảo thí online, tích hợp hệ thống tài khoản sử dụng sách giáo khoa điện tử, kết nối kiểm soát thời gian vào ra và truy xuất nội dung của hệ thống thư viện điện tử, tích hợp và chuẩn hóa dữ liệu học sinh cho hệ thống ứng dụng tuyển sinh đầu cấp, tích hợp và đồng bộ dữ liệu với hệ thống học bạ điện tử, mở rộng sử dụng thẻ trong hệ thống dịch vụ công cộng của TP như xe buýt, bệnh viện, siêu thị, taxi…
Mới đây nhất, ngày 28/8/2020, UBND TP đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 3312/UBND-VX về cơ chế thu và sử dụng học phí và các khoản thu khác năm học 2020-2021 trên địa bàn TP, trong đó có nội dung nêu rõ đề nghị Phòng GD-ĐT tham mưu UBND các quận, huyện xây dựng và ban hành “Kế hoạch thanh toán không sử dụng tiền mặt trong trường học” tại 100% đơn vị trường học theo phân cấp quản lý.