Chiếc máy kỳ lạ của lòng nhân
Chiếc máy 'ATM gạo' kỳ lạ được đặt tại địa chỉ 204 B đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TP.HCM và hoạt động 24/24 giúp người lao động nghèo tạm thời vượt qua khó khăn trong mùa dịch COVID-19.
Theo báo Tuổi Trẻ, máy "ATM gạo" gồm một bồn chứa gạo được đặt trên mái nhà và hệ thống ống dẫn. "Trụ máy" đặt trên vỉa hè kết nối với một nút ấn thông minh, khi người dân ấn vào gạo sẽ chảy ra. Lượng gạo "rút" ra mỗi lần khoảng 1,5kg, bên cạnh có sẵn bao nilông để người đến lấy đựng gạo.
Chị V. (bán vé số) cho biết, những ngày gần đây gia đình gặp nhiều khó khăn do chị phải nghỉ bán. Chồng chị làm thợ hồ cũng bữa làm bữa nghỉ nên cả nhà bốn miệng ăn sống lay lắt qua ngày. Số gạo được nhận cũng giúp gia đình tôi đỡ khó khăn phần nào.
Anh Hoàng Tuấn Anh, chủ nhân chiếc máy "ATM gạo", cho biết có nhiều người làm từ thiện trong mùa dịch, nhưng thấy người dân tụ tập đông dễ lây lan dịch bệnh, bản thân làm mảng nhà thông minh, khóa điện tử nên anh nghĩ ra chiếc máy phát gạo.
"Chiếc máy hoạt động 24/24 nên nếu đông quá người dân có thể giãn ra rồi quay lại nhận sau không sợ hết. Khi làm máy, đang dịch COVID-19, trang thiết bị thiếu do các cửa hàng nghỉ, nên tôi cho anh em công ty gỡ tạm máy thử khóa để làm", anh Tuấn Anh nói.
Anh Tuấn Anh chia sẻ thêm, mỗi ngày doanh nghiệp bỏ tiền ra mua và phát 500kg gạo. Anh cử 3 người trực 24/24 để hướng dẫn và phục vụ người dân. Với những người khá giả, nhân viên trực sẽ từ chối để dành cho người khó khăn thật sự.
Anh hi vọng có thêm sự hỗ trợ từ xã hội để phát triển hệ thống máy, giúp người dân khó khăn không chỉ trong mùa dịch mà cả sau này.
Theo ghi nhận, tại điểm phát gạo có các nhân viên trực để hỗ trợ người dân. Người dân đến nhận gạo được xếp đứng vào các ô cách nhau 2m để đảm bảo an toàn chống dịch. Bình khử khuẩn tay khi nhận gạo cũng được đặt ở nơi mà người dân dễ tiếp cận nhất.
Một số người thấy cách làm hay này cũng đem gạo tới ủng hộ thêm, giải tỏa bớt nỗi lo về nguồn gạo phát cho người dân.
Theo báo Thanh Niên, ông Hà Thanh Giang (66 tuổi) làm nghề chạy xe ôm. Ông tranh thủ đi lấy hàng cho khách ngang qua thấy có cho gạo nên ghé lấy. Ông Chia sẻ: “Mọi ngày chạy kiếm 200.000 - 300.000 đồng mà đợt này ngày 100.000 đồng cũng khó. Gia đình 4, 5 miệng ăn được bịch gạo cũng đủ cho 2 ngày. Tôi thấy làm như thế này rất là nhân văn, mong mọi người có thể giúp đỡ nhiều hơn những người khó khăn hơn tôi”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (68 tuổi) quê miền Bắc vào Nam đã mấy chục năm. Ngày thường, bà đi bán vé số dạo, kiếm tiền nuôi đứa con sắp vào đại học. Nói về cuộc sống sau ngày dừng bán vé, bà ngậm ngùi: “Trước đây đi bán vé số ngày được 100 - 200 tờ. Giờ ở nhà có tiền cũ thì ăn, không có nhịn. Vì vậy việc giúp đỡ cho gạo này này thực sự tốt với người thu nhập bấp bênh, một gói khi đói bằng một gói khi no”, bà Tuyết xúc động.
Mục tiêu của anh Tuấn Anh và cộng sự là xây dựng hệ thống 100 điểm phát gạo tự động trên khắp thành phố. Người nghèo, người khó khăn ở bất kỳ quận, huyện nào cũng dễ dàng đến nhận. Thêm nữa, anh mong muốn việc phát gạo có thể kéo dài từ 1-2 tháng sau khi dịch bệnh kết thúc vì người lao động nghèo cần có thời gian tìm việc và ổn định cuộc sống.
“Suối gạo” bắt đầu tuôn chảy
Điều lạ thay khi những bài báo chưa “ráo mực” thì nhiều người dân ở TP. Hồ Chí Minh đã mang gạo đến “tiếp tế” cho “ATM gạo”. Câu chuyện tình người ở đây cứ mỗi ngày một dài ra theo từng đợt gạo được mang đến.
Chia sẻ với PV báo Tuổi Trẻ, chú Minh Trung, 64 tuổi, cho biết sau khi đọc báo thì chia sẻ câu chuyện với mọi người trong phòng nơi chú làm việc. Mỗi người một chút, của ít lòng nhiều gom góp lại được 4 triệu đồng. Sáng sớm chú chạy xe qua trao tận tay anh Tuấn Anh để mua thêm gạo cho bà con khó khăn.
Tương tự, vợ chồng anh Nhạc Luân, quận 6 sau khi thấy thông tin chia sẻ trên mạng xã hội cũng đi mua 100 ký gạo ngon rồi chở đến tặng.
Và còn nhiều người nữa cũng tìm đến góp chút tấm lòng thảo thơm, cùng anh Tuấn Anh giúp đỡ người khó khăn. Mỗi ký gạo đều chất chứa tinh thần đùm bọc, lá lành đùm lá rách của đồng bào với nhau.
Anh Tuấn Anh vui mừng khi việc làm của mình được mọi người ủng hộ. Dự định giúp đỡ người dân khó khăn trong 2 tháng của anh sẽ nhẹ gánh hơn khi có sự sẻ chia của xã hội. Đến trưa 8/4, số gạo người dân đến tiếp sức đã được khoảng 4 tấn.
ĐÌNH NGUYÊN (tổng hợp)