Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang; Phó trưởng Ban Đối ngoại trung ương Lê Thị Hoàng Yến; đại diện các sở - ban - ngành TP. Về phía lãnh sự quán Nga có ông A.V.Popv - Tổng lãnh sự Nga tại TP. Hồ Chí Minh
Tại điểm cầu TP Saint Petersburg (Liên bang Nga) có ông Alexander Beglov - Thống đốc TP Saint Petersburg; bà Irina Potekhina - Phó Thống đốc TP Saint Petersburg.
Trung tâm Báo chí TP trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại hội nghị.
Kính thưa Ngài Alexander Beglov, Thống đốc Thành phố Saint Petersburg,
Thưa Bà Irina Potekhina, Phó Thống đốc Thành phố Saint Petersburg,
Thưa Đồng chí Nguyễn Thị Hoàng Vân, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
Thưa Đồng chí Ngô Đức Mạnh, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga,
Thưa Ngài Aleksey Popov, Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại TP. Hồ Chí Minh,
Thưa quý vị,
Tôi cảm ơn phát biểu sâu sắc và chia sẻ chân tình của Ngài Thống đốc
Trong niềm xúc động, tự hào và trân trọng lịch sử và với tình cảm đặc biệt dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến và nước Nga của Lênin vĩ đại, hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để cùng nhau kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm quan hệ Ngoại giao Việt Nam–Liên bang Nga và 15 năm quan hệ hữu nghị hợp tác TPHCM-Saint Petersburg. Thay mặt Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, tôi trân trọng gửi lời chào thân ái và những lời chúc tốt đẹp nhất đến Ngài Thống đốc, Ngài Phó Thống đốc, Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Đồng chí Đại sứ Việt Nam tại Nga, Ngài Tổng Lãnh sự Liên bang Nga tại TPHCM, Lãnh đạo và nhân dân Thành phố Saint Petersburg.
Thưa các quý vị,
Cách đây 130 năm, tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, quê hương giàu truyền thống cách mạng, tại gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan, người con thứ ba tên Nguyễn Sinh Cung mà sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cất tiếng khóc chào đời. Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành đã lớn lên trong một thời thơ ấu rất khó khăn và trong một giai đoạn lịch sử nước nhà đầy biến động. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, tại Bến Nhà Rồng thành phố Hồ Chí Minh, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) đã ra đi tìm đường cứu nước. Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước, Nguyễn Tất Thành đã bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, trong 30 năm đã đi qua 28 nước của châu Âu, châu Mỹ, châu Á và châu Phi. Cùng một lúc Nguyễn Tất Thành phải làm 4 việc: Lao động để nuôi sống mình ở nước ngoài; Học tập, tìm hiểu quy luật phát triển của nhân loại; Tham gia vào cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở các nước và phong trào giải phóng thuộc địa; và Hỗ trợ, chỉ đạo phong trào cách mạng ở Việt Nam. Khi đọc Dự thảo Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo ngày 16 và 17 tháng 7 năm 1920, Người đã khóc: “Luận cương của V. I Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
Ngay từ những ngày đầu tiếp cận với tư tưởng, học thuyết của Mác, Ănghen và Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã quyết tâm đến nước Nga để có thể tìm hiểu sâu hơn về Cách mạng Tháng Mười Nga và cách kết nối giữa phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam với nước Nga vĩ đại. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã 05 lần đến với Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay):
- Lần thứ 1: Được sự giúp đỡ của các đồng chí cộng sản Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc với danh nghĩa là đại biểu dân tộc thuộc địa tham dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản, đã đáp chuyến tàu thủy Karl Lipnecht cập cảng Petrograd (Saint Petersburg ngày nay) vào ngày 30 tháng 6 năm 1923. Đó là lần đầu tiên Người đặt chân đến nước Nga khi 33 tuổi. Sau đó, Người đến Mátxcơva, dự Hội nghị lần thứ nhất Quốc tế Nông dân với tư cách là đại biểu chính thức của nông dân Đông Dương và được bầu vào Đoàn Chủ tịch của Hội nghị. Cuối năm 1923, Người chuyển đến làm việc tại Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản và học tại Trường Đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông (gọi tắt là Trường Đại học Phương Đông). Tháng 9 năm 1924, Người rời Liên Xô đến Quảng Châu, Trung Quốc.
- Lần thứ 2: Năm 1934, Nguyễn Ái Quốc trở lại Mátxcơva. Với bí danh là Lin, Người được vào học tại Trường Quốc tế Lênin. Sau đó tham gia cùng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và dự Đại hội lần thứ VI Quốc tế Thanh niên. Hồ Chí Minh vào làm việc tại Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa và được tuyển chọn vào lớp nghiên cứu sinh do Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa tổ chức. Cuối năm 1937, Hồ Chí Minh chuẩn bị tư liệu thực hiện luận án tiến sỹ với đề tài Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam Á. Tháng 9 năm 1938, Hồ Chí Minh rời khỏi Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa chuẩn bị về nước.
Sau khi về nước ngày 28 tháng 01 năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tích cực lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Tháng 8 năm 1945, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa - Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
- Lần thứ 3: Tháng 2 năm 1950, Hồ Chí Minh sang Mátxcơva làm việc với Xtalin và một số các nhà lãnh đạo Liên Xô để trình bày rõ tình hình Việt Nam và đề nghị Liên Xô viện trợ vũ khí để đánh thực dân Pháp. Sự giúp đỡ kịp thời của Liên Xô đã giúp cách mạng Việt Nam giảm bớt khó khăn và góp phần để Việt Nam giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp.
- Lần thứ 4: Tháng 10 năm 1952, Hồ Chí Minh bí mật đến nước Nga dự Ðại hội lần thứ XIX Ðảng Cộng sản Liên Xô. Người đánh giá cao ý nghĩa lịch sử của Ðại hội XIX của Ðảng Cộng sản Liên Xô và khẳng định các văn kiện của Ðại hội soi sáng thêm con đường cách mạng Việt Nam, trong hoàn cảnh vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Do vậy, trong suốt thời kỳ kháng chiến lâu dài và gian khổ, nhân dân Việt Nam nhận được sự đồng tình sâu sắc và sự giúp đỡ cả vật chất và tinh thần rất lớn từ Liên Xô.
- Lần thứ 5: Tháng 7 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức được mời sang thăm Liên Xô. Tại Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh có những buổi làm việc với Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô K.E. Vôrôsilốp và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô N.A. Bunganin. Cuộc đi thăm của Người đã đạt kết quả to lớn trên nhiều phương diện.
Từ năm 1955 đến năm 1975, có khoảng 10.000 sinh viên và công dân Việt Nam đã được cử sang Liên Xô đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, phó tiến sỹ, tiến sỹ ở tất cả các ngành quan trọng cho sự phát triển kinh tế, khoa học, văn hóa và quân sự của Việt Nam. Cũng trong giai đoạn từ 1955 -1975, tất cả các quân binh chủng hiện đại của quân đội Việt Nam như pháo binh, xe tăng thiết giáp, không quân, tên lửa, hải quân đều được hình thành bởi sự giúp đỡ hiệu quả của Liên Xô, từ đào tạo đến trang bị vũ khí, kỹ thuật.
Thưa Quý vị,
50 năm gắn bó với nước Nga, từ khi đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin năm 1920 cho đến lúc Người tạ thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải nghiệm và cảm nhận được những tình cảm chân tình và sự giúp đỡ to lớn, quý báu của nước Nga Xô Viết đối với cách mạng Việt Nam, dành trọn lòng biết ơn vô hạn đối với Lênin, Cách mạng Tháng Mười và nhân dân Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc”.
Thưa quý vị,
Các thế hệ lãnh đạo của Việt Nam và toàn thể Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn Lênin, trân trọng sự giúp đỡ to lớn, ý nghĩa của Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay), của các sỹ quan quân đội, các chuyên gia Liên Xô đối với công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Việt Nam sẽ gìn giữ truyền thống tốt đẹp và không ngừng phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị, chiến lược giữa Việt Nam - Liên bang Nga ngày phát triển hơn nữa lên tầm cao mới. Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ làm hết sức mình để vun đắp mối quan hệ bền chặt TPHCM-Saint Petersburg, đóng góp vào phát triển mối quan hệ chiến lược của hai nước và hai Thành phố.
Nhân dịp này, tôi cũng xin chúc mừng Thành phố Saint Petersburg tròn 317 tuổi[1].
Xin gửi đến Ngài Thống đốc, Bà Phó Thống đốc, Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Đồng chí Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, Ngài Tổng Lãnh sự Nga tại TPHCM cùng toàn thể quý vị hiện diện tại các điểm đầu lời chúc sức khỏe thành công và hạnh phúc. Hẹn gặp lại tại Saint Petersburg và thành phố Hồ Chí Minh.
- Cách đây đúng 100 năm, ngày 17 tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã đọc Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Ngồi một mình trong buồng mà Người nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
- Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại muôn năm!
- Ngày Chiến thắng muôn năm!
- Lênin vĩ đại muôn năm!
- Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!
Trân trọng cảm ơn!
[1] Thành phố St. Petersburg được thành lập ngày 27/5/1703.
Trung tâm Báo chí Thành phố Hồ Chí Minh