Ban Kinh tế Trung ương ủng hộ việc xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM

09:39 11/07/2020

Ngày 10/7, Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Thành ủy TPHCM về đề án “Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030” nhằm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và Kết luận số 21-KL/TW ngày 24-10-2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương và đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Ban Kinh tế Trung ương ủng hộ việc xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM - Ảnh 1

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đồng chủ trì hội nghị. Ảnh: Trung Thành

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Nghị quyết số 16 xác định chủ trương: “Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi để TPHCM thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ... Cụ thể là xem xét để tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TPHCM đối với các nguồn thu có sự phân chia giữa Trung ương và TPHCM”. Thực tế thì tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và TPHCM giảm mạnh từ mức 33% giai đoạn năm 2000-2003, xuống còn 23% giai đoạn 2011-2016 và giai đoạn năm 2017-2020 chỉ còn 18%. Điều này ảnh hưởng đến thu ngân sách của thành phố, thiếu nguồn lực để giải quyết các thách thức và bảo đảm thành phố phát triển nhanh và bền vững cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển đã nêu tại Nghị quyết số 16.

Tại đề án, TPHCM xác định việc tăng tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và thành phố phải luôn đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của thành phố và lợi ích chung của quốc gia trên tinh thần “vì cả nước, cùng cả nước”. Theo đó, thành phố đã đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết trong giai đoạn 2022-2030 theo lộ trình bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh của thành phố, từ đó tạo cơ sở tăng thu ngân sách của thành phố và ngân sách trung ương.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của thành phố trong thời gian qua và đã chuẩn bị đề án rất công phu, kỹ lưỡng, có cơ sở khoa học và thực tiễn. Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, việc xem xét tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TPHCM đã được nêu trong Nghị quyết 16 và Kết luận 21, do vậy xuất phát từ các nghị quyết của Đảng cũng như tình hình thực tế của TPHCM đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và cơ hội phát triển, Ban Kinh tế Trung ương ủng hộ và cho rằng việc xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố là cần thiết.

Trong thời gian qua, tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố đã liên tục giảm từ 33% xuống 18%, đặc biệt giảm mạnh từ 23% trong giai đoạn năm 2011-2016 xuống còn 18% trong giai đoạn năm 2017-2020 thể hiện sự chia sẻ rất lớn của thành phố đối với khó khăn chung của cả nước. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị trong quá trình xem xét, điều chỉnh tăng phù hợp tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố cần bảo đảm nguyên tắc công bằng, hiệu quả, bền vững; làm rõ các quy định, cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tế của thành phố. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị cần có nghiên cứu, đánh giá và đề xuất cơ chế điều tiết ngân sách giữa trung ương và địa phương phù hợp với thông lệ quốc tế; tỷ lệ phân chia các nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương nên áp dụng theo từng loại thuế, quy mô và đặc thù của địa phương. Đây có thể coi hướng đi cần nghiên cứu áp dụng tại nước ta trong tương lai giúp Trung ương có công cụ điều tiết của Nhà nước để định hướng phát triển cho các địa phương, vừa bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương vừa bảo đảm sự chủ động của ngân sách địa phương.

Thời gian qua, bên cạnh những thành tựu phát triển kinh tế mà TPHCM đã đạt được thì cũng kèm theo rất nhiều hệ lụy, thách thức như gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng, ô nhiễm môi trường, quản lý xã hội và đặt ra vấn đề cần xem xét lại mô hình tăng trưởng của thành phố. Thực tiễn cho thấy thành phố mới chủ yếu phát triển theo chiều rộng trong khi mục tiêu, nhiệm vụ của TPHCM phải phát triển chiều sâu theo tinh thần Nghị quyết số 16. Vì vậy, cần thay đổi quan điểm phát triển của TPHCM.

Theo đó TPHCM không nhất thiết phải trở thành một công xưởng sử dụng nhiều lao động, đất đai, thay vào đó thành phố phải phát triển trở thành một trung tâm khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, cung cấp các dịch vụ công nghệ cao và là nơi đáng sống. Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh rằng tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM phải giúp cho thành phố không chỉ giải quyết những thách thức mà còn định hướng cho giai đoạn phát triển sắp tới, để thành phố phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với vị trí là đầu tàu thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam và cả nước. Để giải quyết căn cơ các thách thức của TPHCM, Thành ủy TPHCM cần xem xét, nghiên cứu xây dựng và trình Bộ Chính trị một nghị quyết mới về định hướng phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

SGGP

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục