Báo chí cách mạng Việt Nam đi tiên phong trong mọi phong trào

13:58 21/06/2020

(HMC) – Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2020), trên các báo số ra ngày hôm nay đăng tải nhiều bài viết xoay quanh nghề báo và những chia sẻ, gửi gắm tình cảm, sự tin yêu và cả những kỳ vọng, trăn trở của bạn đọc đến những người làm báo…

Nhớ điều Bác Hồ truyền dạy cho người làm báo

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại”. Muốn vậy, phải nắm vững đối tượng được tuyên truyền. Nếu người tuyên truyền không điều tra, không phân tích, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện với Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (1962). Ảnh: TƯ LIỆU
Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện với Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (1962). Ảnh: TƯ LIỆU

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làm công tác tuyên truyền phải có cách tuyên truyền phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh. Cách nói, cách viết phải ngắn gọn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra phương pháp tuyên truyền sao cho đạt hiệu quả “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem”.

Với bài viết “Nhớ điều Bác hồ truyền dạy cho người làm báo” trên báo Sài Gòn Giải Phóng, PGS-TS Đặng Thị Thu Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH KHXH - NV Hà Nội - dẫn lại lời căn dặn của Bác Hồ: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực” để quần chúng hiểu đúng đường lối chính sách của Đảng, của Chính phủ, từ đó tự giác tham gia công việc cách mạng” và cho rằng, muốn nâng cao hiệu quả truyền thông thì người truyền thông phải là người hiểu biết rộng, đặc biệt là nhận thức sâu việc mình tuyên truyền. Không những có đủ kiến thức lý luận mà phải có vốn sống phong phú; không những giỏi về nghiệp vụ chuyên môn mà còn phải có trình độ văn hóa cao. Người tuyên truyền giỏi phải là người biết tổ chức quần chúng, người thức tỉnh và tập hợp quần chúng… Những bài học về nghề của Bác vẫn còn nguyên giá trị cho những người làm báo hôm nay.

Báo chí phụng sự nhân dân

Trên báo Người Lao Động, TS. Tô Đình Tuân chia sẻ: Kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, không chỉ có hơn 41.000 người làm báo đang cần mẫn làm việc ngày đêm tại hơn 850 cơ quan báo chí - truyền thông khắp mọi miền của Tổ quốc, mà còn có hàng triệu người dân cũng hòa chung niềm vui ấy.

Các nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa Ảnh: Văn Phương
Các nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa Ảnh: Văn Phương

Tác giả bài viết cũng cho rằng: Trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, hàng trăm nhà báo đã anh dũng hy sinh. Trong thời bình, hàng chục ngàn người làm báo đã ngày đêm lao động. Rất nhiều trong số họ là những nhà báo - chiến sĩ trên các mặt trận chống tiêu cực, đấu tranh bảo vệ công lý, che chở những người yếu thế, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Bên cạnh đó, đã làm báo thì không thể không theo đuổi các tiêu chí như: Hay - nhanh - chính xác. Nhưng trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện nay, không thể thiếu tiêu chí "trách nhiệm" và "nhân văn". báo chí không chỉ làm tốt sứ mệnh truyền thông tin mà còn tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển; nhân dân ngày càng no ấm hơn. 

Trên quan điểm đó, tác giả bày tỏ: Hành trình phía trước còn dài và lắm chông gai, nhiều thử thách. Nhưng chúng ta có niềm tin vững chắc rằng nền báo chí cách mạng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Dũng khí và trách nhiệm của người làm báo

Chia sẻ với báo Sài Gòn Giải Phóng, bà Hoàng Thị Khánh - Trưởng ban Liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM nói: Từ các bài viết đấu tranh chống tiêu cực, nhiều “quan tham” đã ra hầu tòa, giúp lấy lại hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách và nhân dân. Tôi cho rằng, muốn Đảng mạnh, xã hội phát triển thì không thể thiếu vắng mặt trận báo chí. Mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận truyền thông, một dũng sĩ diệt ác trên mặt trận chống tiêu cực...

Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện.Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Với quan điểm Báo chí cần khai thác thêm nhiều thông tin tốt, Chuyên gia kinh tế Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) Nguyễn Việt Khoa lại cho rằng: Thu hút bạn đọc là sự sống còn của một tờ báo cũng như các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, không vì lý do đó mà nhiều tờ báo tập trung khai thác quá nhiều tin giật gân để thu hút bạn đọc. Báo chí cần khai thác thêm nhiều tin tốt, những tấm gương thành công, những trường hợp vượt khó, khởi nghiệp hoặc thêm những bài viết ở góc độ chuyên sâu để giúp doanh nghiệp phát triển...

Thảm đỏ không phải lúc nào cũng có hoa hồng mà lắm lúc phải chấp nhận những tai nạn nghề nghiệp, để rồi sau những trăn trở, máu và nước mắt, ngòi bút sẽ vững vàng hơn. Nghề báo với tầm ảnh hưởng rất lớn đòi hỏi người cầm bút phải bản lĩnh, làm việc với cái tâm trong sáng và ý thức trách nhiệm đối với việc xây dựng, giúp xã hội phát triển an toàn, đúng định hướng. Nhờ các bài viết kịp thời của các bạn, giúp tôi tỉnh táo hơn, không chủ quan trong công tác điều hành và quản lý nhà trường – Đó là tâm sự của ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM

Càng tiến sâu vào kỷ nguyên số, người làm báo càng phải có bản lĩnh

Trong dòng chảy của sự phát triển, nghề báo cũng thay đổi không ngừng. Trao đổi với báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định: cách mạng công nghiệp 4.0 với các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao, sự xuất hiện của nhiều phương tiện truyền thông hiện đại và đa dạng, tạo ra sự bùng nổ thông tin, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực báo chí truyền thông. Ứng dụng công nghệ trong hoạt động báo chí truyền thông là xu hướng tất yếu. 

PV tác nghiệp khi dỡ bỏ lệnh cách ly tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) sau 14 ngày bị phong tỏa vì dịch Covid-19 (lúc 0 giờ ngày 12-4-2020). Ảnh: QUANG PHÚC
PV tác nghiệp khi dỡ bỏ lệnh cách ly tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) sau 14 ngày bị phong tỏa vì dịch Covid-19 (lúc 0 giờ ngày 12-4-2020). Ảnh: QUANG PHÚC

Sự phát triển của công nghệ đem đến sự thay đổi nhanh chóng của các cơ quan báo chí, đem lại cơ hội chưa từng có, giúp mở rộng khả năng sáng tạo của cá nhân nhà báo. Dù vậy, nó không thể làm thay đổi những chuẩn mực thành công của nghề báo và báo chí cách mạng. Càng tiến sâu vào kỷ nguyên số, người làm báo càng phải có bản lĩnh, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và năng lực nghề nghiệp để ứng phó với mọi hoàn cảnh.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Báo chí cách mạng Việt Nam là một nền báo chí kiểu mới, do Đảng Cộng sản tổ chức, lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng chính trị tư tưởng. Đó là nền báo chí của nhân dân, vì lợi ích cao cả của nhân dân mà hoạt động và chịu sự giám sát của nhân dân. Lý tưởng, mục tiêu, tôn chỉ cao nhất của báo chí cách mạng Việt Nam là góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân; xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ mục tiêu, tôn chỉ đó, báo chí cách mạng Việt Nam có khuynh hướng dứt khoát, có lập trường chính trị kiên định, tính chiến đấu cao, đi tiên phong trong mọi phong trào từ khi ra đời đến nay.

Tôi chọn nghề báo - nghề năng động

Chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ, nữ phóng viên trẻ Minh Tâm khẳng định nghề báo là chọn lựa của cô sau khi ra trường dù nhiều khó khăn.

Hai năm làm nghề, cô gái trẻ không ít lần trải nghiệm với những chuyện "đầu tiên": đi làm video "Vác đá xuyên đêm ở chợ Bình Điền" tới 3-4 giờ sáng mới về, lần đầu tiên vào nhà xác bệnh viện..., rồi có lần nhận điện thoại lúc gần 7 giờ tối của tòa soạn và một mình lái xe 40km để làm vụ sập tường chết nhiều người ở Đồng Nai. Cô bảo lúc mới nghĩ sẽ phải làm thì còn sợ chứ lúc đã "nhập tâm" rồi thì nỗi sợ cũng biến mất.

Ở tuổi 25, 26, các cô gái trẻ đang giữ trong mình lửa làm nghề mạnh mẽ. "Với nghề báo, mỗi ngày đi làm đều là một trải nghiệm mới liên tục" - Hà Khanh (25 tuổi), nữ phóng viên trẻ phụ trách mảng giao thông, đã nói về nghề một cách say mê. 

Những người làm báo trẻ luôn xem nghề báo là cơ hội để chạm vào những sự kiện nóng bỏng - Ảnh: N.H.
Những người làm báo trẻ luôn xem nghề báo là cơ hội để chạm vào những sự kiện nóng bỏng - Ảnh: N.H.

Khanh đã ước mơ làm nghề báo "từ khi là học trò cấp II". Thế nên học xong cấp III, khi các bạn đều chọn thi các trường ở Hà Nội thì Khanh khăn gói vào Nam học đại học, vì luôn nghĩ trong đầu rằng làng báo miền Nam là sôi động nhất. "Ôm" mảng giao thông với rất nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, điện nước, đường sắt, đường bộ, hàng không..., công việc của Khanh buộc cô phải năng động: khi ra đường ghi nhận ngập lụt, kẹt xe; lúc làm việc với các sở, ban, ngành, chuyên gia...

Với các bạn phóng viên trẻ như Khanh, mỗi ngày làm nghề đều được liên tục học hỏi, tích lũy những điều ý nghĩa. 

Nghề báo chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là trong những ngày đầu mới chập chững bước chân vào nghề, nhưng niềm đam mê ấy luôn hun đúc và cháy bỏng trong mỗi người làm báo để được cống hiến, được viết, được sống với nghề. Phần thưởng cho các nhà báo nhiều khi chỉ là cái nắm tay hay ánh mắt bày tỏ sự biết ơn. Nhưng đó chính là nguồn động viên to lớn, là năng lượng tích cực để các nhà báo chân chính tiếp tục dấn thân trên con đường đấu tranh bảo vệ lẽ phải, tìm kiếm sự công bằng.

Cũng như nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác, đây đó vẫn còn những yếu kém, tiêu cực. Tuy nhiên, sự đóng góp to lớn của báo giới đối với đất nước là điều không thể phủ nhận.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: "Nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng. Mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân".

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục