Bão số 9 càn quét các tỉnh miền Trung, hàng trăm nhà dân tốc mái

13:48 28/10/2020

Về thiệt hại ban đầu, có 2 người bị thương tại tỉnh Bình Định; có 3 nhà bị sập (1 nhà Quảng Ngãi, 1 nhà Bình Định, 1 nhà Phú Yên); 485 nhà tốc mái (Quảng Ngãi: 447 nhà, Bình Định: 2 nhà, Phú Yên: 36 nhà). Trong đó có một trường học tại xã Tịnh Thọ bị tốc mái. Tỉnh Phú Yên đứt đường dây trung thế, gẫy 1 cột điện trung thế.

Kết thúc cuộc họp lúc 12 giờ 30, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, hiện nay bão mới bắt đầu chớm đất liền và đang di chuyển sâu vào đất liền; sẽ tiếp tục lưu lại rất lâu, do đó ảnh hưởng cơn bão này là rất lớn. Vì vậy yêu cầu tất cả các thành viên Ban Chỉ đạo tiền phương thường xuyên liên lạc với các địa phương để nắm tình hình, tập trung biện pháp ứng phó để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân; đặc biệt là tỉnh Quảng Ngãi (tỉnh thiệt hại nặng nhất tính đến thời điểm 11 giờ ngày 28-10); yêu cầu người dân phải chấp hành nghiêm theo sự chỉ đạo của chính quyền trong lúc sơ tán, khi nào hết bão mới được về.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp trưa nay
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp trưa nay

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương để tiếp tục theo dõi an toàn các hồ chứa, nhất là tại Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh. Đồng thời theo dõi chặt chẽ an toàn hệ thống điện, hệ thống truyền tải điện (đường dây 500kV) để đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đưa tàu lớn cùng 2 tàu kiểm ngư ra để cứu hộ 26 thuyền viên và một tàu đang bị chết máy tự trôi ở khu vực biển Bình Định. 

“Thủ tướng cũng nhiều lần gọi điện trực tiếp yêu cầu bảo đảm tính mạng người dân, tập trung lực lượng để làm. Tôi đã hứa với Thủ tướng là chúng tôi sẽ làm hết sức mình để bảo vệ an toàn cho người dân. Thêm một phương án nữa là tập trung ngay máy bay, khi mà thời tiết cho phép thì sẽ điều máy bay ra ngay để có biện pháp ứng cứu. Xa như vậy tàu đi ra ngoài đó rất lâu, sóng to thì máy bay là phương án khả thi đối với tình hình cứu nạn trên biển”, Phó Thủ tướng nói.

Nhiều nhà dân tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị hư hỏng nặng
Nhiều nhà dân tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị hư hỏng nặng
UBND xã Bình Châu bị thiệt hại nặng
UBND xã Bình Châu bị thiệt hại nặng

Đến 13 giờ cùng ngày, tại khu vực huyện Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi đã có bắt đầu có gió mạnh trở lại kèm mưa lớn.

Đến 12 giờ cùng ngày, tại khu vực các xã giáp biển của huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã ngưng gió, mọi thứ trở lại tĩnh lặng, không hề có thêm mưa. Theo các cụ già cao tuổi ở địa phương thì đây đang trong “mắt bão” nên không có gió, khoảng 30-50 phút sau đó, gió sẽ trở lại mà sức tàn phá khủng khiếp hơn cả khi bão đổ bộ.

Tranh thủ thời gian gió yên, PV Báo SGGP đã ghi nhận nhanh tại khu vực xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) về thiệt hại sơ bộ mà cơn bão số 9 vừa quét qua địa bàn này.

Một hàng quán của người dân tại thôn Châu Thuận Nông (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) bị tốc mái gần như hoàn toàn
Một hàng quán của người dân tại thôn Châu Thuận Nông (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) bị tốc mái gần như hoàn toàn
Mái tôn của một ngôi nhà bị gió thổi bay hàng chục mét
Mái tôn của một ngôi nhà bị gió thổi bay hàng chục mét

Tại đây, đi dọc các tuyến đường liên xã, chúng tôi ghi nhận có hàng trăm ngôi nhà, hàng quán bị tốc mái, sụp đổ một phần hoặc toàn phần. Nhiều ngôi nhà chỉ còn một mảng tường đã nứt nẻ vì phần mái đã bị tốc bay, các mảng tường khác ngã đổ. Dọc đường đi, nhiều cây cối có tuổi đời cao bị bật gốc, các nhánh cây nằm la liệt khắp nơi.

Đặc biệt, trong lúc bão đổ bộ, toàn bộ mái của khu nhà trụ sở UBND xã Bình Châu nặng hàng tấn bị gió bão thổi tung, hất văng xuống đất.

Mái tôn của Khu nhà trụ sở UBND xã Bình Châu bị sức gió phá vỡ kết cấu thổi bay xuống sân
Mái tôn của Khu nhà trụ sở UBND xã Bình Châu bị sức gió phá vỡ kết cấu thổi bay xuống sân
Gió của cơn bão số 9 đã vặn cong một xà gồ sắt
Gió của cơn bão số 9 đã vặn cong một xà gồ sắt

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết: Hiện nay có 3 tàu Bình Định gặp nạn trên biển thì đã có 2 tàu bị chìm, chúng tôi hy vọng các ngư dân có áo phao và vẫn còn trôi dạt trên biển. Một tàu Bình Định bị hỏng máy, thả trôi trên biển thì đã liên lạc được. Lúc 1 giờ sáng 28-10, 2 tàu kiểm ngư đã xuất phát từ Cam Ranh và dự kiến đến 20 giờ tối nay sẽ tiếp cận được tàu đang thả trôi này. Sau buổi họp sáng nay (lúc 6 giờ ngày 28-10), chúng tôi đã điều động thêm 1 tàu kiểm ngư tiếp tục ra khu vực tàu BĐ-96338 bị chìm vào trưa hôm qua. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẵn sàng dùng máy bay để tìm kiếm, thả áo phao, thông báo cho các tàu thuyền ứng cứu các tàu gặp nạn trên biển. Hiện sức khỏe của 12 ngư dân trên tàu gặp nạn vẫn tốt.

Báo cáo tại Ban Chỉ huy tiền phương, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, lúc 11 giờ ngày 28-10, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên có gió cấp 12, giật cấp 15.

Dự báo, từ Quảng Nam - Bắc Bình Định gió cấp 11-12, giật cấp 14; Thừa Thiên - Huế, Phú Yên cấp 8-10, giật cấp 12; Kon Tum, Gia Lai: cấp 7-8, giật cấp 10; Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa: cấp 6-7, giật cấp 10.

Từ 19 giờ ngày 27-10 đến 10 giờ ngày 28-10, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định có mưa 100-300mm. Một số trạm mưa lớn như: Khe Tre (Thừa Thiên Huế) 352mm, Trà Hiệp (Quảng Ngãi) 390mm, Sơn Kỳ (Quảng Ngãi) 358mm. Sóng và nước dâng từ 7,5 - 9,5m vùng biển Đà Nẵng đến Phú Yên.

Do ảnh hưởng của bão, hiện tại có 360 xã đang bị mất điện chủ yếu tại TP Đà Nẵng với 11 xã; tỉnh Quảng Nam với 56 xã; tỉnh Quảng Ngãi với 145 xã; tỉnh Bình Định với 97 xã; tỉnh Phú Yên với 51 xã. Chiếm tổng số trên 10% phụ tải của miền Trung. 

Về thiệt hại ban đầu, có 2 người bị thương tại tỉnh Bình Định; có 3 nhà bị sập (1 nhà Quảng Ngãi, 1 nhà Bình Định, 1 nhà Phú Yên); 485 nhà tốc mái (Quảng Ngãi: 447 nhà, Bình Định: 2 nhà, Phú Yên: 36 nhà). Trong đó có một trường học tại xã Tịnh Thọ bị tốc mái. Tỉnh Phú Yên đứt đường dây trung thế, gẫy 1 cột điện trung thế.

Tại Quảng Nam: Giao thông các tuyến huyết mạch từ huyện Nam Trà My về các xã bị tê liệt do nước lũ các sông, suối dâng cao, băng qua các ngầm và dây điện sà, cây cối ngã đổ chắn ngang đường chưa thể dọn kịp để thông tuyến. Hai cầu ngầm Sông Trường và Sông Nước Oa trên quốc lộ 40B tại xã Trà Sơn, Trà Tân đã bị nước lũ chia cắt.

Đoạn Km 52, DT 606, Tây Giang, Quảng Nam bị sạt lở
Đoạn Km 52, DT 606, Tây Giang, Quảng Nam bị sạt lở

Tại huyện Tây Giang, nước ngập vào nhà dân, đoạn Km 52, DT 606, giao thông từ Km 25- Km 59 bị sạt lở lại khối lượng chưa xác định được. Hầu hết các huyên miền núi Quảng Nam bị cúp điện, riêng huyện Đông Giang không có sóng điện thoại.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, tại xã Bình Hiệp, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi từ 10 giờ đến 11 giờ 30 ngày 28-10, gió kèm theo mưa từng hồi liên tục tăng cường độ. 

Chỉ trong vài giờ mọi thứ trở nên xơ xác, hoang tàn; cây cối bị gió bão càn quét liên tục đổ gẫy. Nhiều nhà dân bị tốc mái, đổ sập người dân bỏ chạy giữa cơn bão để đi tránh trú. 

Căn nhà ông Nguyễn Văn Dân, 54 tuổi, xã Bình Hiệp khá kiên cố nhưng sau vài giờ trụ trước cơn bão lớn cũng sụp đổ mái. Trụ không nỗi trong nhà, ông Dân dắt con cái chạy lên ngôi chùa gần để trú bão.
Căn nhà ông Nguyễn Văn Dân, 54 tuổi, xã Bình Hiệp khá kiên cố nhưng sau vài giờ trụ trước cơn bão lớn cũng sụp đổ mái. Trụ không nỗi trong nhà, ông Dân dắt con cái chạy lên ngôi chùa gần để trú bão.

"Quá sức khủng khiếp. Tôi đến nay 54 tuổi, chưa từng thấy cơn bão nào gió kinh hoàng như vậy. Tôi nghĩ phải 99% nhà cửa, tài sản người dân nơi đây đều bị thiệt hại nặng", ông Dân bàng hoàng kể.

Đến 11 giờ 40 phút gió bão vẫn còn hung hãn, càng lúc càng mạnh. Trên đường đi của bão mọi thứ cứ đổ sập dần...

Trao đổi PV Báo SGGP trưa cùng ngày, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, lúc 10 giờ hơn, tại khách sạn Sông Trà có 1 trọng tài giải boxing trẻ toàn quốc tên Nguyễn Văn Hiến (SN 1968) bị tăng huyết áp nặng, cần nhanh chóng được cấp cứu.

Do gió bão quá mạnh các phương tiện không di chuyển được, nên ông Đặng Ngọc Dũng đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động xe bọc thép chở ông Hiến đến BVĐK tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu...

Lúc 10 giờ 45 giờ ngày 28-10, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang trực tiếp tham gia chỉ đạo phòng chống lụt bão tại Sở chỉ huy tiền phương tại TP Đà Nẵng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, bão số 9 gây ra gió rất lớn, đặc biệt là từ tỉnh Quảng Nam đến Quảng Ngãi, một phần của bắc Bình Định. Đến giờ phút này, công tác ứng phó trên những khu vực lớn gồm 45.000 tàu thuyền neo đậu đang được  an toàn, 188 lồng cá được duy trì đảm bảo không xảy ra rủi ro. Trên đất liền, các địa phương đã tổ chức sơ tán 98.000 hộ với 400.000 khẩu. 

Gió lớn khiến cây cối gãy đổ tại đường Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚC
Gió lớn khiến cây cối gãy đổ tại đường Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC PHÚC

Từ nay cho đến chiều 28-10, cơn bão vẫn tiếp tục gây gió rất lớn, cần quán triệt người dân không ra ngoài cho đến khi có thông báo cơn bão tan hoàn toàn.

Một số vùng trọng điểm có mưa lớn và kéo dài. Dự báo, mưa tại Bắc Trung bộ có lượng nước rất lớn trong khi hệ thống hồ ở đây đã đầy vì vậy một trong những nhiệm vụ tới đây là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân kể cả khu vực tàu thuyền neo đậu, và những nơi đang sơ tán. Đối với các hồ đập, các bộ ngành cùng với ban chỉ huy của 6 tỉnh phối hợp chỉ đạo vận hành hồ chứa kể cả thuỷ lợi và thuỷ điện một cách khoa học nhất. Đặc biệt chú ý những hệ thống hồ nhỏ đã xuống cấp, không để sự cố xảy ra.

“Cơn bão này có tốc độ rất lớn, đã làm hàng trăm nhà bị tốc mái, cây cối đổ ngã rất nhiều. Chúng ta chủ động khoanh vùng những khu vực trọng điểm để đảm bảo an toàn cho người dân, công trình. Với sự cố 2 tàu Bình Định, chúng ta đang tâp trung lực lượng cứu hộ bao gồm 3 tàu kiểm ngư hiện nay đang tiếp cận với khu vực đó để thực hiện công tác cứu hộ”, ông Xuân Cường cho biết.

Bên cạnh đó, đối với các tỉnh Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo phải thông tin nhiều hơn về bão số 9 cho các tỉnh Tây Nguyên - nơi dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng khi bão số 9 đổ bộ để tránh "hở sườn" khu vực này.

>> Clip gió cuốn bay mái nhà bằng xà gồ thép lợp tôn của trụ sở UBND xã Bình Châu. Thực hiện: NGUYỄN CƯỜNG

10 giờ 30 sáng nay 28-10, một trận gió đã cuốn bay toàn bộ mái nhà bằng xà gồ thép lợp tôn (dài khoảng 30m) của trụ sở UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. 

Gió đã cuốn bay toàn bộ mái nhà bằng xà gồ thép lợp tôn (dài khoảng 30m) của trụ sở UBND xã Bình Châu. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG
Gió đã cuốn bay toàn bộ mái nhà bằng xà gồ thép lợp tôn (dài khoảng 30m) của trụ sở UBND xã Bình Châu. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Hiện tại đây càng lúc gió càng lớn kèm theo giật rất mạnh, các nhánh cây có đường kính khoảng 10-15cm bị bẻ ngã nằm la liệt khắp nơi.

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của bão số 9, tại đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 11, giật cấp13; tại Bình Châu (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 11, giật cấp 12, tại Hoài Hải (Bình Định) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 11, tại An Khê (Gia Lai) có gió cấp 7, giật cấp 9.

Bão số 9 càn quét các tỉnh miền Trung, hàng trăm nhà dân tốc mái - Ảnh 1

Bão số 9 nhìn từ vệ tinh. Ảnh: TTDBKTTVTƯ

Vị trí tâm bão lúc 10 giờ ngày 28-10 ở khoảng 14,9°N; 109,4°E, cách Đà Nẵng khoảng 180km, cách Quảng Nam 110 km, cách Quảng Ngãi 60 km, cách Bình Định 120km; cách Phú Yên 200 km. Sức gió mạnh nhất  cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20-25km/giờ.

Tại Quảng Ngãi, người dân xóm nhỏ Mỹ Đông, thôn Liên Trì Đông, xã Bình hiệp, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã chuyển đến trú bão tại chùa Liên Quang.

>> Clip người dân ở xã Bình Hiệp có nhà bị gió bão lột tốc mái phải dắt díu nhau lên chùa tránh bão. Thực hiện: NGỌC OAI

Cập nhật từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, sáng nay 28-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thống với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điều 2 tàu hải quân và 2 tàu kiểm ngư từ Cam Ranh (Khánh Hòa) ra cứu hộ 2 tàu cá của tỉnh Bình Định bị chìm (hiện 26 ngư dân vẫn mất liên lạc).

Do ảnh hưởng của bão, sáng nay, đang có 230 xã bị mất điện, trong đó tập trung chủ yếu tại Phú Yên: 37 xã, Quảng Nam: 56 xã, Quảng Ngãi: 94 xã, Thừa Thiên - Huế: 23 xã.

Nhận định sau khi đổ bộ đất liền, khu vực Tây Nguyên cũng bị ảnh hưởng của bão số 9. Vì vậy, tỉnh Kon Tum đã có quyết định cho học sinh nghỉ học 2 ngày 28 và 29-10; tỉnh Gia Lai cho học sinh nghỉ học ngày 28-10.

Trong khi đó, tại Khánh Hòa, sáng 28-10, Lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết đã tiến hành lập chốt và yêu cầu tất cả các phương tiện ngừng lưu thông từ Khánh Hòa đi Phú Yên trên Quốc lộ 1 từ 1 giờ ngày 28-10 đến khi bão số 9 tan.

CSGT Khánh Hòa lập chốt chặn trên QL1A đoạn qua tỉnh
CSGT Khánh Hòa lập chốt chặn trên QL1A đoạn qua tỉnh

Để đảm bảo an toàn cho các xe, lực lượng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành lập các chốt chặn ngay trên quốc lộ, tập trung ở hai cửa ngõ phía bắc và phía Nam của tỉnh Khánh Hòa.

Theo ghi nhận, từ khoảng 8 giờ sáng cùng ngày, hàng trăm ô tô lớn, nhỏ nối đuôi nhau dựng đỗ trên QL1A đoạn qua TP Cam Ranh và huyện Vạn Ninh, khiến một số đoạn trên tuyến đường này ách tắc một chiều.

Hàng loạt xe ô tô tắc nghẽn trên QL1 đoạn qua Khánh Hòa
Hàng loạt xe ô tô tắc nghẽn trên QL1 đoạn qua Khánh Hòa

Tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) sáng nay có mưa lớn và gió to. Một số tuyến đường bị ngập, giao thông ách tắc. Tại xã Trà Mai xuất hiện nhiều điểm sụt lở núi. Chính quyền địa phương đã kịp thời di dời dân đến nơi an toàn.

Sụt lở núi tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, đe dọa một nhà dân 
Sụt lở núi tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, đe dọa một nhà dân 

NGUYỄN CƯỜNG - NGỌC OAI - VĂN NGỌC - XUÂN QUỲNH - NGUYÊN KHÔI - DƯƠNG QUANG/SGGP

Tin cùng chuyên mục