Chỉnh trang chợ Gà Gạo - dự án trọng điểm
Tại khu chợ Gà Gạo (phường Phạm Ngũ Lão), đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn dành nhiều thời gian khảo sát thực tế tại nhiều sạp chợ, tuyến đường trong chợ và thăm hỏi tình hình buôn bán, sinh hoạt của người dân.
Ở đây, các ô chợ thông nhau như bàn cờ, nhưng nhiều hẻm chỉ rộng khoảng 1m. Các nhà sạp nhỏ hẹp, nhưng đồng thời là nơi sinh sống của người dân. Tính ra, khu chợ Gà Gạo và hẻm số 3 Yersin (liền kề với chợ Gà Gạo) rộng khoảng 6.850m2, có 272 nhà sạp và với gần 1.150 nhân khẩu.
Đây là chợ truyền thống, tồn tại từ trước giải phóng đến nay, chuyên buôn bán gia vị thực phẩm, nhang đèn, đồ nhựa, thực phẩm... Trước thực trạng này, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, quận 1 phải đặt mục tiêu cải tạo, chỉnh trang khu vực, chứ không tiếp tục duy trì tình trạng như hiện nay.
Thông tin thêm, Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng, cho biết, từ đề nghị của quận, cuối năm 2018, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã đăng tải thông tin kêu gọi đầu tư dự án chỉnh trang chợ Gà Gạo, nhưng đến nay chưa có nhà đầu tư nào đăng ký. Trong khi đó, nhiều đơn vị đến tìm hiểu, khảo sát thực tế thì sau đó đều không phản hồi.
“Quận đặt mục tiêu, phấn đấu trong 5 năm tới sẽ tham mưu để chủ trương, tìm kiếm nhà đầu tư thực hiện dự án chỉnh trang chợ Gà Gạo”, người đứng đầu chính quyền quận 1 bày tỏ.
Chia sẻ với khó khăn của địa phương, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM Lê Hoàng Châu cho hay, hiệp hội đã mời một số tập đoàn bất động sản có năng lực tìm hiểu đầu tư. Song, độ hấp dẫn thấp, khả năng thu hồi vốn dự án này thấp nên nhiều tập đoàn không tham gia.
Đồng tình, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Trung Anh cũng cho biết, khu vực có diện tích quá nhỏ, trong khi số nhân khẩu đông nên không hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy vậy, vị này cũng dẫn ra kinh nghiệm của quận Bình Thạnh đã thành công trong đầu tư, cải tạo một chợ ở quận. Đó là việc bố trí phần trên làm nhà ở, còn phần hầm dùng để bố trí lại thành các sạp chợ cho các tiểu thương. Kinh nghiệm này cần được xem xét thực hiện khi cải tạo, chỉnh trang khu vực chợ Gà Gạo, để tăng tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Góp ý thêm, Phó Giám đốc Sở TN-MT Trần Văn Thạch đồng tình với phương án khi cải tạo cần xem xét bố trí tái định cư phần trên cho người dân và phần dưới thì tổ chức kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, cần phải xác định rõ quyết tâm không thể duy trì tình trạng hoạt động chợ Gà Gạo như hiện nay, nhất là với quận 1 - quận hiện đại của TPHCM. Tuy nhiên, để cải tạo thì một mình Nhà nước hoặc nhà đầu tư tư nhân sẽ khó thể thực hiện được. Điều này đòi hỏi phải có cơ chế hợp tác công tư khả thi, đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích cũng như trách nhiệm của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư. Do đó, địa phương phải tổ chức khảo sát, điều tra đầy đủ về hiện trạng đất đai, hoạt động buôn bán kinh doanh cũng như mong muốn của người dân. Cùng với đó, Sở Xây dựng chủ trì việc lập dự án đầu tư, thực hiện theo phương án hợp tác công tư để dự án có tính khả thi.
“Nếu người dân vẫn muốn tiếp tục buôn bán thì xem xét việc quy hoạch lại, với điều kiện cụ thể”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý và nhấn mạnh, cần xem đây là dự án trọng điểm trong nhiệm kỳ tới, nên địa phương cùng phối hợp với các sở ngành tìm ra giải pháp triển khai dự án.
Nóc sạp chợ Bến Thánh đầy xô, chậu “chống dột”
Đến chợ Bến Thành, chứng kiến cảnh xuống cấp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân không hài lòng: “Chợ hơn 100 năm tuổi, biểu tượng của TPHCM mà xô chậu đầy trên nóc sạp chợ, ni lông giăng giữa đường (để hứng nước dột - PV) là không chấp nhận được”.
Đặc biệt, đồng chí bày tỏ bức xúc trước việc, ở quận giàu nhất TPHCM, thu ngân sách có năm bằng nhiều tỉnh (năm 2019 thu 19.000 tỷ đồng) nhưng không có hơn 90 tỷ đồng sửa chữa ngôi chợ mang tính biểu tượng của TPHCM. Do đó, đồng chí yêu cầu quận 1 phối hợp với các đơn vị liên quan có phương án đầu tư phù hợp và sửa chữa chợ đảm bảo căn cơ, tiếp tục sử dụng trong thời gian dài.
Theo Chủ tịch UBND quận 1, chợ Bến Thành rộng gần 12.900m2, có gần 1.500 quầy sạp. Hiện nay, hơn 800 sạp, chủ yếu các ngành hàng phục vụ khách du lịch (quần áo, túi xách, đồ mỹ nghệ, đồ lưu niệm, bánh kẹo, trà, cà phê) đã tạm dừng kinh doanh. Chợ đang bị xuống cấp, như mái chợ dột nhiều điểm nên tiểu thương phải để xô, chậu trên nóc quầy sạp, căng bạt trên lối đi để hứng nước mưa. Ngoài ra, nhiều mảng bê tông trên cột, đòn tay bong tróc, dễ rơi rớt; phần mái hiên phía trước (khu vực tiếp giáp vòng xoay) bị nứt. Cùng với đó, nền chợ thấp hơn mặt đường, khi mưa lớn kết hợp với triều cường dễ gây ngập chợ.
Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng tiếp tục đề xuất chủ trương đầu tư công sửa chữa tươm tất chợ Bến Thành để vừa nâng tuổi thọ của chợ cũng như nâng chất lượng hoạt động của ngôi chợ này. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Thị Thanh Hiền và Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Trung Anh cùng cho rằng, chợ Bến Thành là đơn vị tự chủ toàn bộ chi thường xuyên. Vì vậy, việc sửa chữa, nâng cấp chợ phải sử dụng quỹ hoạt động sự nghiệp của đơn vị và ngân sách nhà nước không cấp bù.
Góp ý thêm, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hòa Bình đề xuất, khi cải tạo lại thì cần lợp mái ngói, kết hợp gia cường bảo tồn chợ. Về kinh phí đầu tư, Ban Quản lý chợ Bến Thành cần tự trang trải lập dự án đầu tư và vận động các tiểu thương đóng góp cũng như tổ chức cho thuê quảng cáo để có thêm nguồn kinh phí sửa chữa chợ.
Trước các ý kiến này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích, chợ Bến Thành không chỉ liên quan đến hoạt động kinh tế, quản lý chợ mà đây còn là di tích văn hóa lịch sử của TPHCM. Từ đó, đồng chí yêu cầu đổi mới hình thức quản lý chợ theo mô hình hợp tác xã hoặc công ty, chứ không duy trì như hiện nay.
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, chợ Bến Thành hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, nên việc sửa chữa không dùng vốn ngân sách, mà dùng vốn sự nghiệp. Vì vậy, để đảm bảo đủ kinh phí sửa chợ thì cũng cần vận động các tiểu thương trong chợ đóng góp, tổ chức cho phép quảng cáo để lấy nguồn thu và vận động các doanh nghiệp lớn trên địa bàn quận hỗ trợ kinh phí sửa chữa.
Đồng chí yêu cầu quận 1 cùng các sở - ngành phối hợp, phấn đấu trước ngày 30-4-2021 sẽ hoàn thành việc sửa chữa chợ. “Chợ Bến Thành đã có hơn 100 năm qua, gắn liền với sự phát triển của TPHCM. Chợ dù chưa được công nhận là công trình kiến trúc (để bảo tồn), nhưng đây là biểu tượng mang nhiều ý nghĩa đối với TPHCM. Do đó, các đơn vị liên quan cần nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ công nhận di tích cấp TP đối với chợ”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Xây dựng quy chế phối hợp quản lý ở chung cư
Cũng trong ngày 19-7, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn đã đến khảo sát thực tế tại khu đô thị ven sông Vinhomes Ba Son (phường Bến Nghé, quận 1).
Tại buổi khảo sát, đại diện chủ đầu tư đề xuất được đầu tư tuyến đường ven sông, cặp theo dự án và kéo dài ra khu dự án Vinhomes Tân Cảng. Sau khi đầu tư hoàn thành, chủ đầu tư sẽ bàn giao cho TPHCM sử dụng làm đường giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, đây là khu đô thị hiện đại, có điều kiện tốt, nhưng cũng yêu cầu địa phương phối hợp tổ chức quản lý hiệu quả, góp phần vào công tác chung.
Cụ thể, đồng chí yêu cầu chính quyền địa phương phối hợp với chủ đầu tư xây dựng quy chế phối hợp của cụm chung cư này (7 block) để đảm bảo việc quản lý được đồng bộ. Đó là đảm bảo phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, trong đó không để việc cho thuê (các căn hộ) trở thành điểm có hoạt động bất hợp pháp cũng như quản lý người nước ngoài theo đúng luật pháp Việt Nam và có cơ chế kiểm tra chặt chẽ. Cùng với đó là phối hợp phòng chống dịch bệnh để các chung cư này không trở thành ổ dịch. Đặc biệt, đối với các không gian có tính chất công cộng (như công viên, đường ven bờ sông…) chung là phải được sử dụng chung, nghĩa là người dân các nơi khác cũng được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng.