Chiều 26-12, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM, làm việc với Quận ủy quận Thủ Đức về công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Thủ Đức, các nhiệm vụ trọng tâm sau đại hội; công tác chuẩn bị, kiến nghị đề xuất của quận liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức (theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Có kế hoạch xử lý sớm, cụ thể đối với các dự án kéo dài hàng chục năm
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận xét, ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Thủ Đức lần thứ VI (tháng 8-2020), Quận ủy quận Thủ Đức đã chủ động triển khai các công việc, nhiệm vụ một cách nghiêm túc, cụ thể, có hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng đánh giá cao quận Thủ Đức đã hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Quận đã làm được nhiều công việc căn cơ, bài bản như rà soát lại nhà đất công, thống kê cây xanh để phát triển mảng xanh, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu…
Nhìn lại chặng đường 23 năm phát triển của quận Thủ Đức, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ Đức đã đóng góp rất xứng đáng vào sự phát triển chung của TPHCM. Và đến thời điểm này, quận Thủ Đức đã “kết thúc sứ mệnh trong danh dự” để bước sang giai đoạn phát triển mới với tâm thế mới, yêu cầu mới, nhiệm vụ mới - lớn lao hơn, cao cả hơn, sứ mệnh quan trọng hơn. Đó là sáp nhập cùng quận 2, quận 9 để thành lập TP Thủ Đức - thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước.
Hiện nay, quận Thủ Đức đã làm rất bài bản, làm có chất lượng các công việc phục vụ người dân. Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu, trong giai đoạn chuyển tiếp, cán bộ, công chức, viên chức quận Thủ Đức cần tiếp tục tập trung cao độ, hành động nhuần nhuyễn để phục vụ người dân một cách tốt nhất. Quá trình thành lập TP Thủ Đức phải hạn chế tối đa tác động đến người dân, cũng như hạn chế tối đa thiệt thòi đối với cán bộ, công chức.
Liên quan đến một số dự án kéo dài hàng chục năm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân trên địa bàn quận Thủ Đức, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ: “Có dự án kéo dài 18 năm, 23 năm rồi, hơn 5.000 hộ dân bị ảnh hưởng, bản thân tôi nghe rất xót xa!”. Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ghi nhận và cần có kế hoạch xử lý sớm các vướng mắc, có chính sách xử lý cụ thể đối với từng dự án. Đồng chí cho rằng, cần cố gắng làm quyết liệt hơn, tránh nói chuyện ở rất cao nhưng việc trước mắt lại chưa xử lý tốt.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi cùng các đồng chí lãnh đạo quận Thủ Đức. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhập nguyên trạng các cơ quan chuyên môn quận 2, 9, Thủ Đức
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường cho biết, toàn quận có 3.927 cán bộ, công chức, viên chức, những người hoạt động không chuyên trách tại UBND 12 phường và nhân viên hợp đồng.
Liên quan đến công tác cán bộ, Bí thư Quận ủy Quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ, trước đây, khi nghe thông tin mấy trăm cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp thì một bộ phận anh em cán bộ, công chức cũng tâm tư, suy nghĩ. Giờ đây, nắm bắt chủ trương, chính sách sắp xếp của TP, cán bộ, công chức đã ổn định tư tưởng, không còn lăn tăn, lo ngại và nỗ lực cố gắng làm tốt nhiệm vụ.
Trao đổi việc này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho hay, các cơ quan chuyên môn của 3 quận 2, 9, Thủ Đức sẽ được nhập nguyên trạng thành các cơ quan chuyên môn của TP Thủ Đức.
TP Thủ Đức có phòng mới là Phòng Khoa học - Công nghệ. “Riêng cấp Chủ tịch UBND quận thì từ 3 vị trí ở 3 quận sẽ còn 1 vị trí, dư 2 vị trí; cấp trưởng phòng cũng dư 2 vị trí ở mỗi phòng. Số lượng cấp phó, số lượng cán bộ, công chức sẽ được giữ nguyên, sắp xếp trong thời gian 60 tháng theo Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết.
Chia sẻ cụ thể hơn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Nghị quyết 653 cho phép chậm nhất là 5 năm kể từ ngày sắp xếp thì số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng công chức, viên chức các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở đơn vị hành chính mới bảo đảm đúng theo quy định. Nhưng TPHCM sẽ cố gắng hoàn thiện vào năm 2022.
Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THÀNH PHONG: Có nhiều việc quan trọng hơn là xây trụ sở mới
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi làm việc với quận Thủ Đức. Ảnh: VIỆT DŨNG
TP Thủ Đức phải trở thành đô thị sáng tạo, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đóng góp 30-35% GRDP của TPHCM, 7% GDP của cả nước. Công tác tuyên truyền phải truyền cảm hứng để người dân và cán bộ thấy đây là niềm tự hào, đóng góp lớn cho đất nước và TPHCM bằng công sức của đội ngũ và sự góp sức của hơn 1 triệu dân TP Thủ Đức.
Sau khi công bố Nghị quyết số 1111 và có Nghị định hướng dẫn thi hành, các công việc chuẩn bị cho TP Thủ Đức vận hành sẽ phải hoàn thành trước ngày 1-3-2021. Nhiệm vụ đặt ra là phải tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; sắp xếp bộ máy, bàn giao cơ sở theo nguyên tắc giữ nguyên trạng, không xây dựng mới mà sắp xếp tổ chức lại. Có nhiều việc quan trọng hơn xây dựng mới cơ sở vật chất, trước tiên là đừng để người dân bị phiền hà vì đổi giấy tờ, vấn đề môi trường, an ninh, triển khai các dự án đầu tư. Khi thực hiện việc thay đổi giấy tờ sẽ không thu lệ phí của người dân.
TPHCM sẽ có tổ xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển giao, nhưng trước mắt, đề nghị lãnh đạo quận, phường nắm bắt tư tưởng trong dân, cố gắng tiếp cận, giải thích, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Với quá trình điều chỉnh để cập nhật quy hoạch chung của TPHCM, quy hoạch nào ổn thì lên kế hoạch kêu gọi đầu tư, làm sao thu hút nhiều dự án để kích hoạt hoạt động kinh tế, đầu tư trên địa bàn tốt hơn, góp phần tạo được sự phấn khởi trong nhân dân.
* Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức NGUYỄN MẠNH CƯỜNG: Việc tồn đọng là nhiều dự án kéo dài
Bí thư Quận ủy quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo TP. Ảnh: VIỆT DŨNG
Hiện nay, những việc tồn đọng kéo dài cần tập trung giải quyết khi thành lập TP Thủ Đức là việc triển khai thực hiện quy hoạch, hoàn thiện các dự án. Cụ thể là ga Bình Triệu tại phường Hiệp Bình Chánh; hoàn tất dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia TPHCM tại phường Linh Trung, Linh Xuân; thực hiện quy hoạch khu công viên văn hóa thể dục thể thao - công viên cây xanh - hồ điều tiết tại phường Tam Phú, Linh Đông, Hiệp Bình Chánh.
Các dự án kết nối giao thông đồng bộ tại quận cần tiếp tục triển khai như dự án Vành đai 2 từ ngã tư Gò Dưa đến nút giao thông Phạm Văn Đồng và từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Bình Thái, dự án Quốc lộ 13 cũ, nút giao thông Đại học Quốc gia.
Các dự án này đang tác động đến hơn 5.000 hộ gia đình trên địa bàn quận. Việc hiện thực hóa quy hoạch giúp cải thiện cuộc sống người dân và thay đổi diện mạo khu vực này.