Cách ly toàn xã hội: Người dân không cần tích trữ hàng hóa

20:12 31/03/2020

Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly toàn xã hội từ 0g ngày 1/4 không phải là phong tỏa đất nước và người dân không cần phải tích trữ lương thực, thực phẩm. Đó là khẳng định của Chính phủ và các ban, ngành liên quan sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng.

Cách ly toàn xã hội: Người dân không cần tích trữ hàng hóa
Hàng hóa dồi dào tại các siêu thị. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Đảm bảo nguồn dự trữ lương thực, thực phẩm cho người dân

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 31/3, ngay sau khi Thủ tướng có Chỉ thị 16/CT-TTg thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 1/4, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương nói: “Tôi khẳng định nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân là đáp ứng đủ cho người dân dùng. Các hệ thống phân phối, cung ứng đã được yêu cầu nguồn hàng, sự chuẩn bị của địa phương, thì khẳng định người dân không cần thiết phải tích trữ quá nhu cầu tiêu dùng cần thiết”.

Ông Đông cũng cho biết thêm là các cơ quan ban ngành đã sẵn sàng các phương án để đảm bảo nguồn cung dồi dào cũng như phương tiện vận chuyển hàng hóa và nhu yếu phẩm cần thiết.

Cụ thể, theo ông Đông, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và bộ trưởng Bộ Công thương, Vụ Thị trường trong nước - đơn vị có nhiệm vụ điều phối cung cầu hàng hóa tại thị trường trong nước - đã trực tiếp yêu cầu các địa phương xây dựng phương án bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu ứng phó dịch COVDI-19 theo 5 cấp độ.

Những phương án này được xây dựng theo đúng sự hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, các địa phương gửi phương án về Bộ Công thương và trong đó, mỗi phương án được yêu cầu đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung cho 13 mặt hàng thiết yếu gồm: gạo, dầu ăn, mì gói, gia vị, nước chấm, trứng gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả…

Đồng thời các địa phương phải tính được nhu cầu hàng hóa thực phẩm với 13 loại mặt hàng trên như thế nào, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đặc biệt là nhu cầu dịch bệnh tăng từ 10-20% hay thậm chí cao hơn thì số lượng nguồn cung cần đáp ứng thế nào. Các địa phương phải có con số cụ thể để sẵn sàng chuẩn bị nguồn hàng.

Với các doanh nghiệp tham gia cung ứng hàng hóa thiết yếu, Bộ Công thương cũng yêu cầu mỗi doanh nghiệp có số lượng dự trữ và cung ứng hàng hóa thiết yếu, với kế hoạch triển khai thực hiện theo 5 cấp độ của Ban Chỉ đạo quốc gia.

Bộ Công thương đã chỉ đạo tất cả hệ thống phân phối luôn sẵn sàng đảm bảo nguồn cung, phục vụ nguồn cung và phục vụ tiêu dùng trên phạm vi cả nước.

Đối với Bộ Công thương, chúng tôi tính toán cụ thể nhu cầu cả nước, nguồn cung cả nước. Đến nay mọi phương án đã cơ bản sẵn sàng. Chúng tôi đã có phương án trên phạm vi cả nước, với số lượng nguồn dự trữ, doanh nghiệp tham gia cung ứng và phân phối.

Chúng tôi cũng xây dựng bản đồ hàng hóa gồm tổng kho, nguồn hàng, hàng ở đâu, doanh nghiệp nào cung cấp, cung cấp như thế nào cho 13 mặt hàng thiết yếu như vậy với từng phương án.

Theo báo SGGP, tại TP. Hồ Chí Minh thì các siêu thị, chợ vẫn hoạt động bình thường sau 0 giờ ngày 1/4. Sau khi có lệnh cách ly toàn xã hội trong 15 ngày của Thủ tướng, chiều 31/3, Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, đã phối hợp sở ngành chức năng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch tạo nguồn, dự trữ và cung ứng hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời gian này.

Các chợ, siêu thị, cơ sở, cửa hàng kinh doanh dịch vụ, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì hoạt động bình thường sau 0 giờ ngày 1/4 để đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân trên địa bàn TP.

Các đơn vị kinh doanh hệ thống siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP đã có kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn. Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm.

Đề nghị người dân hạn chế đến các điểm bán tập trung để giảm rủi ro lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần khuyến cáo của Bộ Y tế (đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa 2 người) và tích cực mua hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà.

Cách ly xã hội không đồng nghĩa với phong tỏa đất nước

Theo báo SGGP, chiều 31/3, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh, các giải pháp về cách ly xã hội không đồng nghĩa với phong tỏa đất nước như một số quốc gia đã làm, Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình.

Người dân không cần tích trữ lương thực tại nhà. 
Người dân không cần tích trữ lương thực tại nhà. 

Chiều 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về những nội dung gồm: Các kịch bản ứng phó dịch Covid-19, chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch và một số vấn đề khác.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đã khẳng định, các giải pháp mới nhất (theo Chỉ thị 16 vừa ban hành) mang tính “tiền khẩn cấp”, là để giãn cách xã hội. Việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình. Chính phủ chưa tính đến việc phong tỏa các thành phố lớn. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc bảo đảm đầy đủ hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân.

Thủ tướng cho rằng, vấn đề an sinh xã hội cũng vô cùng cấp thiết, nhất là đối với người dân nghèo, người thất nghiệp, nếu không chủ động giải quyết vấn đề này thì khó khăn cho đất nước. Do đó, cuộc họp tập trung bàn về đối tượng, mức hỗ trợ và nguồn lực thực hiện, từ đó, sẽ báo cáo vấn đề quan trọng này tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày mai 1/4.

Thủ tướng nhấn mạnh đây là vấn đề cấp bách, vì mấy tháng qua, nhiều người bị thất nghiệp, không có việc làm, nhiều gia đình rất khó khăn. Chính phủ thấu hiểu được vấn đề này của người dân, của người công nhân, viên chức….

Trưa và chiều 31/3, ngay sau chỉ thị 16 của Thủ tướng ban hành, nhiều người đã hiểu nhầm việc cách ly toàn quốc với việc phong tỏa. Do đó đã có tình trạng người dân đổ xô đi tích trữ hàng hóa.

Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, nếu bỏ qua cơ hội này là mất thời cơ vàng, lúc đó tình hình sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều.

“Chính phủ hiểu rằng với những yêu cầu nêu trên, người dân, doanh nghiệp có thể sẽ khó khăn hoặc cảm thấy không thoải mái, nhưng mong tất cả chấp hành. Vì chống dịch phải có sự đồng thuận của tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương và đặc biệt có sự đồng thuận, chung sức của người dân”, người phát ngôn Chính phủ chia sẻ.

Đình Nguyên (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục