Cán bộ cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn TPHCM góp ý văn kiện Đại hội Đảng

19:28 06/06/2020

Hội nghị Góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và dự thảo (lần 2) báo cáo chính tri Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 do TPHCM tổ chức hôm nay 6/6 có sự tham dự của nhiều cán bộ cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn TPHCM, trong đó có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ.

Cán bộ cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn TPHCM góp ý văn kiện Đại hội Đảng - Ảnh 1

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngày 6/6, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến cán bộ lãnh đạo cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn TPHCM góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và dự thảo (lần 2) báo cáo chính tri Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.

Hội nghị có sự tham dự của nhiều cán bộ cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn TPHCM, trong đó có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ.

Cán bộ cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn TPHCM góp ý văn kiện Đại hội Đảng - Ảnh 2

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân  và Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung trao đổi cùng đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tận dụng 4.0 để đột phá phát triển

Hội nghị đã ghi nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu đóng góp cho sự phát triển của TPHCM, của đất nước cũng như chăm lo cho cuộc sống người dân tốt hơn. Đặc biệt, các ý kiến góp ý cũng đề cập thẳng thắn những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ qua và đề nghị bổ sung vào văn kiện, từ đó có giải pháp khắc phục hiệu quả.

GS Trần Hồng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đề xuất lựa chọn chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 theo phương án 2: “Đến năm 2030, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao”.

Theo GS Trần Hồng Quân, nước ta vẫn là nước đang phát triển nên đồng chí tha thiết phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để đột phá phát triển. Đột phá thứ hai là phát huy lòng tự hào dân tộc, đó là khát vọng.

“Không phải phát huy lòng tự hào dân tộc mà phải ngược lại nhìn lại sự lạc hậu, chậm tiến; từ đó tạo ra tinh thần quật khởi mà phấn đấu. Nhiều nước từng làm thế”, GS Trần Hồng Quân khẳng định và đề nghị có giải pháp phát huy giá trị văn hóa và yếu tố con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, GS Trần Hồng Quân đề xuất khắc phục trì trệ, chậm phát triển và không năng động của nền giáo dục đại học. Đã đến lúc đẩy mạnh phát triển các trường đại học theo hướng giao quyền tự chủ cho các trường nhiều hơn, bắt các trường phải trở thành những đơn vị đào tạo trưởng thành không dựa dẫm, không chờ bao cấp.

Cán bộ cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn TPHCM góp ý văn kiện Đại hội Đảng - Ảnh 3

Đồng chí Phạm Chánh Trực phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cùng quan tâm nội dung này, đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, đề nghị cần có ý chí và quyết tâm mạnh mẽ, tầm nhìn rộng lớn, mục tiêu táo bạo và giải pháp quyết liệt. Cụ thể là cần điều chỉnh bất hợp lý trong phát triển kinh tế, như quan tâm phát triển công nghiệp hiện đại, công nghiệp công nghệ cao hơn nữa, nhanh hơn nữa để nhanh chóng đi vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển, đầu tư những nhà máy hiện đại, công nghệ cao; điều chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo hướng nhanh chóng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông thật mạnh, công nghệ tiên tiến nhất. Đồng thời, đầu tư hệ thống đường sắt mạnh, trở thành hệ thống giao thông trụ cột của quốc gia.

Đồng chí Phạm Chánh Trực cũng kiến nghị cần đổi mới tư duy hơn nữa, tiến tới một nền kinh tế bền vững và nhân văn hơn. Trong đó, cần dựa vào cách mạng 4.0 và chuyển mạnh vào thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nhanh, với nhiều xu hướng tiên tiến của thế giới có thể ứng dụng một cách cụ thể và khả thi đối với kinh tế - xã hội của nước ta.

Tập trung đổi mới thể chế

Góp ý về công tác cán bộ, Trung tướng Võ Văn Liêm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, đồng tình với đánh giá về ưu điểm trong công tác cán bộ mà dự thảo văn kiện Trung ương để cập. Song đồng chí nêu rõ, trong nhiệm kỳ qua tỷ lệ cán bộ thuộc Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý vi phạm kỷ luật Đảng chiếm tỷ lệ cao, trong đó có nhiều vụ việc nghiêm trọng. “Tôi đề nghị bổ sung nội dung này vào văn kiện”, Trung tướng Võ Văn Liêm đề nghị và cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do đánh giá cán bộ không công tâm, khách quan, dẫn đến việc điều động, bổ nhiệm cán bộ không chính xác và có trường hợp vi phạm nhưng vẫn được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn.

Cùng với đó, công tác quản lý cán bộ chưa chặt chẽ. Mặc dù hàng năm đều có phân tích chất lượng đảng viên, có nhận xét cán bộ nhưng vẫn không phát hiện cán bộ vi phạm, lại khen thưởng vì “hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Đến khi có dư luận của xã hội, cơ quan chức năng vào cuộc đều tra thì mới phát vi phạm. Nguyên nhân có phải là do tính chiến đấu còn yếu, tinh thần tự phê bình và phê bình chưa được thực hiện nghiêm túc.

Trung tướng Võ Văn Liêm cũng dẫn chứng, dự thảo báo cáo chính trị nêu “chưa chỉ rõ những cán bộ có biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực”. Theo đồng chí, đây là vấn đề quan trọng, cần được làm rõ, nếu không, trong nhiệm kỳ sau cũng không khắc phục được tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ.

Cán bộ cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn TPHCM góp ý văn kiện Đại hội Đảng - Ảnh 4

Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong khi đó, đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM, đề xuất phải phát huy dân chủ mạnh mẽ hơn nữa và chuyển phương thức lãnh đạo mạnh hơn nữa theo tinh thần Bác Hồ. Cụ thể, trong lãnh đạo phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt và gần dân, gần cơ sở; đồng thời quyết liệt tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của mình. Đồng chí mong muốn, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI cũng như Đại hội lần thứ XIII của Đảng phải phản ánh được tinh thần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân.

“Việc đổi mới cần tập trung về thể chế”, đồng chí Phạm Phương Thảo đề xuất và dẫn chứng, điểm nghẽn lớn của cả nước và TPHCM hiện nay là về thể chế. Điều này gây ra nhiều vướng mắc, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của TPHCM và cả nước. Do đó, Đảng phải mạnh mẽ trong tháo gỡ cơ chế hơn nữa, nhằm phát huy dân chủ, trí tuệ sáng tạo của người dân Việt Nam.

Góp ý thêm, đồng chí Phạm Chánh Trực bày tỏ, nước ta vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ bẫy thu nhập trung bình, xã hội còn các loại tội phạm, nhóm lợi ích và tham nhũng vẫn còn âm ỉ và Biển Đông ngày đêm vẫn còn căng thẳng… Tình hình đó đòi hỏi sự bản lĩnh và năng lực lãnh đạo của Đảng cũng như sự đoàn kết, nhất trí toàn dân một lòng theo Đảng.

Đồng chí cũng kiến nghị Trung ương tập trung chỉnh đốn Đảng theo lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu và khơi dậy được lòng yêu nước của nhân dân và tinh thần trách nhiệm, tính Đảng, lý tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, Đảng viên, công chức để giành thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đồng chí Phạm Phương Thảo, dự thảo báo cáo chính trị của TPHCM và Trung ương được chuẩn bị công phu. Trong đó, TPHCM đặt nhiều chương trình trong nhiệm kỳ tới rất tích cực, rất tham vọng. Điều này là rất đúng đắn nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của TPHCM cũng như chăm lo cho người dân tốt hơn, nhưng đồng chí lo lắng về sự dàn trải của các chương trình này.

Cán bộ cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn TPHCM góp ý văn kiện Đại hội Đảng - Ảnh 5

Đồng chí Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch nước phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cùng góp ý về các chương trình phát triển TPHCM giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đồng chí Trương Mỹ Hoa - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch nước - bày tỏ ấn tượng trước 3 chương trình đột phá, 1 chương trình trọng điểm mà TPHCM đang xây dựng. Điều này thể hiện nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ TPHCM. Song, số lượng các đầu việc thực hiện 4 chương trình này là rất lớn, đòi hỏi phải có giải pháp khả thi, con người cũng như kinh phí phù hợp để thực hiện hiệu quả các chương trình trọng điểm, đột phá này.

TPHCM luôn quan tâm khắc phục hạn chế, yếu kém

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, trân trọng ghi nhận các ý kiến của các đồng chí cán bộ cao cấp nghỉ hưu; bày tỏ đồng tình đề nghị hạn chế đề cập đến những thành tựu để tập trung phân tích, góp ý những hạn chế, yếu kém.

Cán bộ cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn TPHCM góp ý văn kiện Đại hội Đảng - Ảnh 6

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng trao đổi với các ý kiến cụ thể của các đại biểu góp ý. Trong đó, về vấn đề xây dựng Đảng, đồng chí chia sẻ cần tiếp tục suy nghĩ hơn nữa để Đảng có cơ chế tự giám sát, tự kiểm tra; đồng thời thực hiện cơ chế lắng nghe ý kiến của người dân.

Đồng chí ghi nhận các ý kiến về công tác xây dựng Đảng, nhằm đảm bảo tăng cường năng lực chiến đấu của Đảng và tăng cường phát huy dân chủ, đồng thời phát huy vai trò của hệ thống HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội cũng như mặt trận, đoàn thể trong công tác này.

Chia sẻ các ý kiến về vấn đề Biển Đông cũng như an ninh quốc gia, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, đây là vấn đề được sự quan tâm hàng ngày của người dân và cán bộ, đảng viên các cấp, mong muốn Trung ương có các biện pháp đồng bộ đảm bảo giữ vững chủ quyền và an ninh quốc gia.

Trong phát triển TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM đề cập đến 3 chương trình đột phá (đổi mới quản lý, phát triển hạ tầng và phát triển nhân lực văn hóa) và 1 chương trình trọng điểm (phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và sản phẩm chủ lực) được xây dựng cho nhiệm kỳ tới.

“Đây có thể nói là 4 vấn đề cốt lõi, thuộc 3 vấn đề đột phá của Trung ương”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin và cho biết, do đặc thù của TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước nên TPHCM xây dựng thêm chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và sản phẩm chủ lực.

Theo đồng chí, thực hiện 4 nhóm giải pháp này có 47 đề án, chương trình thành phần, trong đó có những nội dung như quy hoạch, xây dựng kế hoạch chiến lược không tốn kém nhiều kinh phí. Đối với các chương trình, đề án còn lại, kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước, thông qua hợp tác công tư và khuyến khích tư nhân đầu tư.

Liên quan đến sai phạm của một số cán bộ vừa qua, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, theo kết luận của Trung ương, có một số cán bộ của TPHCM bị xử lý. Điều này có gây ảnh hưởng tâm lý không tốt đến các cán bộ, đảng viên, nhưng qua đó phải tự nhìn lại rút kinh nghiệm để làm đúng pháp luật.

“Nếu cấp dưới còn băn khoăn thì có tập thể cơ sở, có ban cán sự Đảng, có ban thường vụ và khi cần thiết thì kiến nghị Trung ương thực hiện thí điểm”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ cách làm, nhưng cũng cho rằng, tâm lý co cụm trong cán bộ, đảng viên vẫn còn. Trong khi đó, TPHCM cũng nhận diện được các vấn đề cần giải quyết nhưng thiếu hướng dẫn của Trung ương, hoặc gặp chồng chéo trong quy định của pháp luật như về lĩnh vực quy hoạch đô thị, đất đai và xây dựng có những chồng chéo phức tạp, gây vướng mắc trong thực hiện, mất nhiều thời gian tháo gỡ. Mặt khác, đồng chí nhìn nhận những hạn chế, như sự thấp kém về chỉ số cạnh tranh của TPHCM, đồng thời khẳng định Ban Thường vụ Thành ủy luôn quan tâm khắc phục.

 

 

KIỀU PHONG/Báo Sài Gòn Giải Phóng

Tin cùng chuyên mục