Cần có thêm các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch

18:23 04/06/2020

(HMC) - Vực dậy tình hình kinh tế sản xuất, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp và thúc đẩy an sinh xã hội là những chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, thu chi ngân sách tháng 5 và 5 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2020 được tổ chức chiều 4/6/2020.

Cần có thêm các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp sau dịch
Vực dậy tình hình kinh tế sản xuất, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp và thúc đẩy an sinh xã hội là những nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại cuộc họp.

Cùng dự phiên họp có Phó chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND Thành phố Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức. 

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo của UBND Thành phố, tính đến ngày 27/5/2020, vốn ngân sách Thành phố đã giải ngân tại kho bạc nhà nước Thành phố là hơn 5.295 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 15,6% tổng kế hoạch vốn do UBND TP. Hồ Chí Minh giao (33.940 tỉ đồng). Số vốn giải ngân trên cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ 3.051 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 9,5%). Vốn ngân sách trung ương giải ngân trong tháng 5/2020 là 3.184 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 41,1% tổng kế hoạch vốn do UBND Thành phố phân khai chi tiết (7.751 tỉ đồng).

Trong 5 tháng tình hình thành lập doanh nghiệp mới tăng nhẹ. Theo đó, tổng vốn đăng ký bổ sung là 354.535 tỉ đồng, tăng 1,49% so cùng kỳ. Trong đó, có 14.258 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới. Và 47.841 doanh nghiệp đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp, trong đó vốn điều chỉnh thay đổi 169.441 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình thu ngân sách nhà nước tại Thành phố có sự sụt giảm.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố ghi nhận sự nổ lực của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân Thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, đến nay Thành phố qua ngày thứ 62 không có ca lây nhiễm Covid-19 phát sinh trong cộng đồng. Đặc biệt, ở Thành phố và trên cả nước chưa có ca nào tử vong vì covid-19. Đó là kết quả của sự phấn đấu miệt mài của đội ngũ y bác sỹ, quân nhân Bộ Tư lệnh Thành phố, các thành viên trong ban chỉ đạo, các sở, ngành trong công tác phòng chống dịch bệnh và sự đoàn kết của toàn thể nhân dân Thành phố.

Cần có giải pháp hết sức cụ thể để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Cần có giải pháp hết sức cụ thể để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, đó là điểm sáng cần biểu dương đối với các ngành các cấp đặc biệt Sở Y tế và Bộ tư lệnh Thành phố. Nhiều bệnh nhân khỏi bệnh rất khâm phục và biết ơn đội ngũ y bác sỹ Thành phố. Qua đây nhân dân cũng nâng cao niềm tin với nhà nước.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Thành phố cũng đề nghị các sở, ngành và nhân dân đề cao cảnh giác khi trên thế giới đã có những nước xuất hiện làn sóng thứ hai về lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thành Phong đề nghị tiếp tục nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế. Theo đó, chương trình phục hồi kinh tế với hai giai đoạn, thứ nhất giải pháp tình thế có phương án bám trụ, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ 2, gắn tái cơ cấu theo chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt tái cơ cấu thị trường là thách thức của các doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND Thành phố giao Viện Nghiên cứu Phát triển và Sở Kế hoạch & Đầu tư có kế hoạch cụ thể, trọng tâm trong việc ổn định sản xuất, vực dậy nền kinh tế sau dịch. Trong đó, trước mắt cần duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp. Hiện TP có hơn 7.200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 39,9 % so cùng kỳ theo báo cáo của Sở Kế Hoạch - Đầu tư.

“Ngăn chặn phá sản là ngăn chặn mất việc của người lao động. Đa số doanh nghiệp của TP có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đây là đối tượng dễ bị gãy đổ qua “cơn bão” Covid-19. Vì vậy TP cần có giải pháp hết sức cụ thể để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, thúc đẩy mở rộng thị trường”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.

Du lịch là một trong những lĩnh vực chịu sự tác động lớn của dịch Covid-19, sự suy giảm của ngành này hiện lên rõ khi lượng khách trong và ngoài nước giảm mạnh. Hiện ngành du lịch đang có các giải pháp để kích cầu du lịch nội địa. Vì vậy, Thành phố giao Sở Du lịch tạo các thế liên kết trong nước để vực dậy các doanh nghiệp du lịch. Cụ thể như, liên kết vùng với 13 tỉnh miền Tây Nam bộ đang thực hiện, sau đó là ký kết liên kết với với miền Đông, các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Hòa Bình và Quảng Ninh…

“Ngoài các thách thức thì đây cũng là cơ hội để ngành du lịch Thành phố mở các tour, tuyến mới”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống, với các trụ cột là ngân hàng, bảo hiểm, thuế và hải quan… Các ngành phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy sau dịch. Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất cũng là một mũi công để vực dậy kinh tế, sản xuất trong thời điểm này.

“Mặt khác, cần tối ưu hóa đầu tư công thông qua các biện pháp kích thích tài khóa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ngăn chặn mất việc của người lao động. Theo Ngân hàng Thế Giới, khi giải ngân đầu tư công tăng 10% sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP 0,6%. Doanh nghiệp và đơn vị cần khai thác lợi ích từ chương trình chuyển đổi số, hiện nay thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh với việc thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ trực tuyến công, đó là những tín hiệu tích cực cần tận dụng tốt”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nói.

Giải quyết nhanh các vấn đề ở Thủ Thiêm

Sau những vấn đề trọng tâm để vực dậy nền kinh tế Thành phố, tránh sự đổ gãy của doanh nghiệp gây ra sự mất việc làm hàng loạt cho người lao động, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị cần giải quyết rốt ráo các vấn đề ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và Khu Công nghệ cao (quận 9).

Theo đó, ông Phong đề nghị các ban ngành liên quan tập trung giải quyết vấn đề liên quan tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu Công nghệ cao. Cụ thể, các vấn đề cơ bản tại Thủ Thiêm phải quyết liệt bám sát Kết luận 1037 để giải quyết trong tháng 7/2020. Song song đó, một số dự án ở Thủ Thiêm sẽ khởi công trước Đại hội Đảng bộ Thành phố và lập danh mục các dự án tại đây sẽ làm trong năm tới 2021.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện có hơn 7.200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện có hơn 7.200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị các đơn vị liên quan đẩy mạnh tốc độ giải ngân liên quan đến ODA, trong đó trọng tâm là dự án Metro số 1.

Ngoài ra, các cấp các ngành cần “chạy đua” theo thời gian để hoàn thành đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính quận, phường/xã. Hiện nay Sở Nội vụ đã chuẩn bị xong kế hoạch để báo cáo lên Bộ Nội vụ và lập đề án. Theo đó, có nội dung đầu tiên là không tổ chức hội đồng nhân dân quận, phường. Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, tháng 10 năm nay sẽ báo cáo Quốc hội về đề án này.

Được biết, theo đề án này thì Thành phố sẽ giảm xuống còn 16 quận so với 19 quận hiện hữu. Thành phố không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận nhưng riêng nhưng Thành phố sáng tạo phía Đông thì vẫn có Hội đồng nhân dân. Thành phố phía Đông mà tâm điểm là quận 2, 9, Thủ Đức sẽ lấy nền tảng là khu đô thị đổi mới sáng tạo. Sau khi thành lập “thành phố trong thành phố” này sẽ nhập vào quy hoạch chung.

Đình Nguyên

Tin cùng chuyên mục