Các đối tượng giả danh đề nghị người nghe cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng để các đối tượng cung cấp số biên bản, thông tin vi phạm, số tiền bị xử phạt…
Theo C08, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là sau đó sẽ yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản định sẵn của các đối tượng, hoặc đề nghị người dân cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản với vỏ bọc “xác minh, điều tra” xử lý phạt nguội. C08 khẳng định, việc xử lý “phạt nguội” sẽ được thông báo bằng văn bản tới chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm.
“C08, PC08 các địa phương không gọi điện thông báo vi phạm, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào. Do đó, người dân cần cảnh giác với loại tội phạm này”, đại diện C08 khẳng định.
Thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều đối tượng mạo danh cán bộ công an, viện KSND… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua các hình thức như bán sách, lừa xin việc, chuyển trường, thậm chí cướp tài sản của người dân. Công an quận Gò Vấp và Công an quận 10 (TPHCM) vừa thông báo cảnh giác các đối tượng giả danh Cảnh sát phòng cháy chữa cháy để bán sách, tài liệu liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Có trường hợp, đối tượng mặc sắc phục công an yêu cầu dừng xe người đi đường rồi cướp tài sản như vụ án xảy ra ngày 18-12-2020 trên đường Vĩnh Lộc, huyện Hóc Môn, TPHCM.
Vậy làm sao nhận diện công an “dỏm”? Theo lãnh đạo Bộ Công an, các đối tượng giả danh công an thường sử dụng trang phục không đồng bộ, công cụ hỗ trợ, bảng hiệu, giấy tờ không đúng quy định. Ngoài ra, thái độ, cách thể hiện, tư thế tác phong thiếu chuẩn mực. Nếu nhận được các cuộc điện thoại có dấu hiệu nghi vấn hoặc nghi ngờ giả mạo công an, quân đội thì người dân cần bình tĩnh, liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn và báo cho công an nơi gần nhất.
ĐỖ TRUNG - CHÍ THẠCH/SGGP