Chạy thêm 2 đôi tàu tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang

14:02 25/08/2020

Ngành đường sắt đã tăng cường thêm tàu chạy trên một số tuyến để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tới.

Ngành đường sắt chịu nhiều thiệt hại nặng nề do tác động của dịch COVID-19. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngành đường sắt chịu nhiều thiệt hại nặng nề do tác động của dịch COVID-19. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Căn cứ vào nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang (Khánh Hòa), Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn đã tăng cường chạy thêm các đôi tàu trên hành trình này.

Cụ thể, chiều Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang chạy tàu SNT4 ngày 27/8; chạy tàu SNT2 các ngày 28/8 và 3-4/9/2020.

Chiều Nha Trang-Thành phố Hồ Chí Minh chạy tàu SNT5 ngày 30/8; chạy tàu SNT1 ngày 30/8 và 5-6/9/2020.

“Hành khách đi tàu cần lưu ý khai báo y tế trước khi lên tàu; kiểm tra thân nhiệt tại các ga; thường xuyên rửa tay bằng dung dịch hoặc xà phòng sát khuẩn (được trang bị tại nhà ga và trên tàu,...); đeo khẩu trang khi ra ga và lên tàu; hạn chế đi lại giữa các toa xe nếu không thực sự cần thiết...,” lãnh đạo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho hay.

Trước đó, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn vừa thông báo sẽ tạm ngừng chạy một số mác tàu khu vực đường sắt phía Nam do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhu cầu hành khách đi tàu giảm mạnh.

[Ngành đường sắt lỗ 725 tỷ đồng trong bảy tháng vì dịch COVID-19]

Theo báo cáo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), dự kiến bảy tháng của năm 2020, doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt hơn 3.650 tỷ đồng; trong đó riêng doanh thu vận tải đường sắt ước đạt hơn 1.900 tỷ đồng, bằng 67,94% cùng kỳ, giảm hơn 900 tỷ đồng so với cùng kỳ. Toàn ngành dự kiến lỗ 725,9 tỷ đồng.

Đặc biệt, cuối tháng Bảy đến nay, do bùng phát đợt dịch mới, VNR đã phải dừng chạy hàng loạt đoàn tàu trên các tuyến do khách trả vé không đi. Lượng khách trả vé tương đương số tiền hoàn khoảng 25 tỷ đồng.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết những kịch bản phục hồi mà ngành đường sắt đưa ra đã liên tục bị thay đổi. Chắc chắn năm nay, VNR sẽ chịu thiệt hại tác động kép của dịch và thi công cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19, VNR đã có bước chuyển mình như lựa chọn phân khúc khách hàng và dịch vụ còn có lợi thế, tăng cường chạy tàu hàng, tàu thuê nguyên chuyến… nhằm có dòng tiền duy trì hoạt động.

Để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt, vừa qua VNR đã kiến nghị Nhà nước miễn giảm nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng năm 2020 và miễn nộp 20% tiền thu cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2020; cho gia hạn thêm 3 năm việc thực hiện niên hạn phương tiện đường sắt theo lộ trình để giảm áp lực chi phí đầu tư đầu máy, toa xe mới thay thế./.

Vietnam+

Tin cùng chuyên mục