Ngày 29/5, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Năm của cả nước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước
Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng Tư và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh nhưng đã nhanh chóng được khoanh vùng, kiểm soát, do đó tính chung năm tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%.
Trong mức tăng chung toàn ngành công nghiệp (IIP) của tháng Năm, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,6% so tháng trước và tăng 14,6% so cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,2% và tăng 12% so cùng kỳ; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,1% so tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ. Riêng ngành khai khoáng giảm 6,4% so tháng trước và giảm 9,8% so cùng kỳ 2020.
Vì sao doanh thu của doanh nghiệp thủy tăng nhưng lợi nhuận lại giảm?
Tính trong cả năm tháng, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% (cùng kỳ năm trước tăng 3,2%), đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 2,1%), đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5% (cùng kỳ năm trước tăng 2,9%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 7% (cùng kỳ năm trước giảm 7,7%), giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp sản xuất trong tháng tăng cao so với cùng kỳ là thép cán tăng 60%, ô tô tăng 56%, linh kiện điện thoại tăng 36,4%, điện thoại di động tăng 22,2%, sắt, thép thô tăng 18,4%...
Nhờ vậy, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1/5 vẫn có mức tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 2,2% so với năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tương ứng tăng 0,2% và giảm 2%, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1% và tăng 1,5%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,5% và tăng 3,2%./.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)