Tham dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, lãnh đạo các Bộ - ngành Trung ương, các cơ quan của Đảng, Hội đồng Dân tộc Quốc hội và các Ủy ban Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, các Văn phòng Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và UBND TP. Hà Nội.
Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Thanh Liêm và Thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan.
Chính phủ thảo luận và xem xét nhiều nội dung quan trọng
Tại phiên họp lần này, Chính phủ sẽ nghe và thảo luận về 15 nội dung quan trọng như: Tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; tình hình KT-XH tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020; tình hình KT-XH năm 2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025; chính sách thuế đối với hàng viện trợ nhân đạo; điều chỉnh dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động năm 2020; mở rộng phạm vi và đối tượng của dự thảo Nghị định quy định chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên; tình hình triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP về phát triển Chính phủ điện tử…
Các thành viên Chính phủ cũng sẽ thảo luận riêng 04 nội dung: tình hình thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2020, dự toán NSNN năm 2021 và kế hoạch tài chính NSNN 3 năm quốc gia 2021 – 2023; đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2020 và dự kiến kế hoạch tài chính năm 2021.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình KT-XH trong tháng qua, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cả nước tiếp tục duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,07% so với tháng trước, giảm 0,12% so với tháng 12/2019 - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công được đẩy nhanh với tỷ lệ giải ngân tăng 45,4% (tình chung 8 tháng năm 2020 tăng 30,4%, cao nhất trong giai đoạn 2016-2020).
Đáng chú ý, dự trữ ngoại hối đã lên mức 92 tỷ USD, phấn đấu đạt 100 tỷ USD trong năm 2020. CPI tháng 8 tăng 0,07%. Tỷ giá thị trường ngoại tệ ổn định. Lãi suất tiếp tục xu hướng giảm.
Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế và phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,6 – 2,8% trong năm nay. Nông sản xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ. Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đạt trên 337 tỷ USD, tăng 0,03%. Có 27 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD; xuất siêu trên 11,9 tỷ USD.
Sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng, nhưng ở mức thấp 2,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 sụt giảm do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương.
Hoạt động phát triển doanh nghiệp tích cực, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng gần 30%. Vốn FDI trong bối cảnh khó khăn nhưng tổng giá trị các dự án đầu tư được cấp phép vẫn lên tới 19,5 tỷ USD. Số hộ thiếu đói giảm, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực xã hội được chú trọng, các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh tiếp tục được triển khai thực hiện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Trong tháng qua và những ngày đầu tháng 9, cả nước đã tổ chức chu đáo, trang trọng, an toàn nhiều hoạt động, đặc biệt là kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; kỷ niệm ngày thành lập của nhiều ngành, cơ quan Trung ương…
Trong công tác phòng chống dịch bệnh, các địa phương, các ngành, các cấp đã có nhiều phương án chỉ đạo kiên quyết, kịp thời ngăn chặn và phòng ngừa hiệu quả Covid-19. Nhờ đó, Việt Nam đã kiểm soát tốt, chủ động, quyết liệt, đồng bộ dịch bệnh trên tinh thần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Nhịp độ phát triển chung của đất nước được giữ vững.
Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đang có chiều hướng phục hồi dần
Từ điểm cầu trực tuyến tại trụ sở UBND TP. Hồ Chí Minh, báo cáo với Chính phủ về tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội và quốc phòng - an ninh tháng 8 và 08 tháng đầu năm trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt khoảng 105.246 tỷ đồng, giảm 5,2% so với cùng kỳ (trong đó, xuất khẩu tăng 4% và nhập khẩu giảm 2,8%); do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên ngành du lịch TP chịu tác động nghiêm trọng, tổng thu từ du lịch ước đạt 7.006 tỷ đồng, giảm 42,6% so với cùng kỳ.
Trên lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP 08 tháng đầu năm ước tăng 2,1% so với cùng kỳ; bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 2,5% so với cùng kỳ, trong đó, ngành cơ khí giảm 10,5%, ngành sản xuất hàng điện tử tiếp tục tăng khá 17,9%, ngành hóa chất – cao su – nhựa tăng 9,1%, ngành chế biến lương thực – thực phẩm – đồ uống ước tăng 1,5%.
Giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp trên địa bàn trong 08 tháng đầu năm ước đạt 8.764 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; trong đó, trồng trọt tăng 2,6%, chăn nuôi tăng 1,3%, thủy sản tăng 4,8%, dịch vụ nông nghiệp tăng 7%.
“Như vậy, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi sự bùng phát trở lại của dịch bệnh nhưng nhìn chung kinh tế TP đang có chiều hướng phục hồi dần và khả năng tăng nhanh vào quý IV/2020. Sự tăng trưởng đáng khích lệ tại thời điểm này là kết quả của sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị đồng lòng thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19 vừa phục hồi kinh tế - xã hội” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.
Trong bối cảnh cả nước nói chung và TP nói riêng đang đối phó với dịch Covid-19 thì công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là một điểm sáng tích cực khác. Tính đến hết ngày 23/8/2020, tổng số vốn đầu tư công của TP đã giải ngân là 21.279,948 tỷ đồng, đạt 50,5% tổng kế hoạch TP đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ.
Về thu – chi ngân sách, tổng thu NSNN ước đạt 216.763,162 tỷ đồng, đạt 53,41% dự toán, giảm 17,37% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước đạt 49.246,493 tỷ đồng, đạt 48,28% dự toán.
Nhằm duy trì sức mua trong tình hình khó khăn hiện nay, các hệ thống phân phối hiện đại tại TP đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại để tiếp tục chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng cũng như kích cầu mua bán hàng hóa qua các kênh như điện thoại, website, app và hỗ trợ chính sách giao hàng. Sự chủ động thay đổi phương thức bán hàng này đã góp phần cải thiện doanh thu cho DN, tạo hiệu ứng tốt cho thị trường bán lẻ, kéo người tiêu dùng trở lại.
Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục đạt những kết quả đáng ghi nhận. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thành phố đã kịp thời chỉ đạo tạm thời ngưng hoạt động các cơ sở dịch vụ và hạn chế tụ tập đông người.
Thành phố cũng tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do tác động của Covid-19 với tỷ lệ 100%, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn; tổ chức thành công và an toàn cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT năm 2020, công tác chuẩn bị thay sách giáo khoa, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình..
Tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: Huyền Mai
Đặc biệt, ngành Y tế đã nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, không để lây lan ra cộng đồng và giảm thiểu các tác động đến hoạt động kinh tế. Thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp chính quyền không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; tổ chức xử phạt hơn 3.000 người và nhắc nhở hơn 2.200 người không đeo khẩu trang.
Tình trạng vi phạm xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng giảm số vụ vi phạm xây dựng sai phép, không phép và vi phạm khác. Quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp lần 2
Về nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9/2020, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cũng cho biết thêm, Thành phố tiếp tục triển các chỉ đạo của Trung ương về tập trung mọi nguồn lực, về tài chính, máy móc, trang thiết bị, vật tư… để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, kiểm soát triệt để nguồn lây bệnh, đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý nhân dân.
Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ tín dụng cho DN gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 (gói hỗ trợ lần 2); triển khai hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng của TP giai đoạn 2021 – 2025; thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào 04 ngành công nghiệp trọng yếu, có hạm lượng công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm; đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2020…