Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục thiếu nhi

07:39 15/05/2020

Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục thiếu nhi - Ảnh 1

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, kể từ khi tìm được con đường cứu dân cứu nước cho đến lúc vĩnh biệt chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng chăm lo, săn sóc đến sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ trẻ, dành cho họ “muôn vàn tình thân yêu” và một niềm tin vững chắc vào khả năng cách mạng to lớn của tuổi trẻ Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trẻ em không chỉ “như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” mà còn là người chủ tương lai của đất nước, một lực lượng “tuy tuổi còn nhỏ cũng có thể làm những việc ích nước, lợi dân.”

Lòng yêu thương sâu sắc, bao la của Bác Hồ đối với thiếu nhi không gì có thể so sánh nổi. Đó vừa là tình cảm của một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất vừa là của người Bác kính yêu vô cùng gần gũi, luôn luôn đồng cảm và chan hoà với các cháu.

Theo tư tưởng của Người, trẻ em luôn luôn là một chủ thể sáng tạo, một lực lượng tham gia tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, một bộ phận của lực lượng cách mạng, là “người chủ tương lai của nước nhà.”

Trẻ em - Chủ nhân tương lai đất nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trẻ em không chỉ “như búp trên cành, biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” mà còn là người chủ tương lai của đất nước, một lực lượng “tuy tuổi còn nhỏ cũng có thể làm những việc ích nước, lợi dân.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đón các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch trong ngày Tết Trung thu năm 1961. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đón các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch trong ngày Tết Trung thu năm 1961. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trong thư gửi các cháu Tết Trung thu năm 1952, Bác Hồ viết:

“Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh
Tính các cháu ngoan ngoãn, mặt các cháu xinh xinh
Mong các cháu cố gắng, thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của minh
Để tham gia kháng chiến, để giữ gìn hòa bình
Các cháu hãy xứng đáng, cháu Bác Hồ Chí Minh!”

Đối với Người, trẻ em không chỉ là lớp cháu con cần xã hội dành cho tình thương yêu, sự chăm chút (mà chính Người suốt đời đã từng yêu thương, chăm chút, ngay cả trong những năm tháng kháng chiến trường kỳ, những lúc vận mệnh đất nước ngàn cân treo sợi tóc), mà trẻ em còn là một lực lượng xã hội “biết yêu nước, biết ghét đế quốc,” khi người lớn phải kháng chiến cũng “hăng hái tham gia” và cũng “oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.”

Người mong muốn và đặc biệt quan tâm, nhắc nhở, khích lệ các cháu là học tập, học sao cho tốt, cho giỏi, bởi “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công cuộc học tập của các cháu...”

Con người là vốn quý, thiếu nhi là vốn quý nhất trong vốn quý ấy. Bác Hồ chỉ rõ: “Ngày nay chúng là thiếu nhi, ít năm sau chúng sẽ là công dân, cán bộ” điều này có nghĩa rằng hôm nay chúng ta chuẩn bị cho các em như thế nào, nay mai hệ quả gặt hái được sẽ như thế ấy.

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, tối 31/5/1969, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng thiếu nhi Thủ đô xem biểu diễn văn nghệ chào mừng Bác. (Ảnh: TTXVN)
Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, tối 31/5/1969, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng thiếu nhi Thủ đô xem biểu diễn văn nghệ chào mừng Bác. (Ảnh: TTXVN)

Với mục tiêu đào tạo các em thành “người chủ tương lai của nước nhà, người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh,” Bác Hồ đặt ra yêu cầu thực hiện giáo dục toàn diện đối với thiếu nhi.

Ngày 15/5/1961, vào dịp kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Người đã gửi thư cho thiếu niên, nhi đồng cả nước và căn dặn:

1- Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào,
2- Học tập tốt, lao động tốt,
3- Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt,
4- Giữ gìn vệ sinh thật tốt
5- Khiêm tốt, thật thà, dũng cảm

Năm điều Bác dạy thiếu nhi hàm chứa những truyền thống quý báu từ bao đời nay của dân tộc ta. Đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, kiên cường chiến đấu chống mọi kẻ thù xâm lược; ham học hỏi, cầu tiến bộ; đoàn kết, nhân ái, thương người như thể thương thân; lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo và mối quan hệ tin cậy, chân thật trong cộng đồng...

Năm điều Bác Hồ dạy thiếu nhi phản ánh những đặc trưng cơ bản của lớp người mới được hình thành trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa mang tính toàn diện rõ rệt.

Năm điều ấy cũng phản ánh nguyên lý giáo dục mới của Đảng ta là học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động, sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vui múa hát cùng các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/1960. (Nguồn: TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh vui múa hát cùng các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6/1960. (Nguồn: TTXVN)

Cùng với năm điều Bác dạy đó, di sản lý luận và những lời dạy, những kinh nghiệm thực tiễn về giáo dục thiếu nhi mà Bác để lại cho chúng ta hết sức phong phú trên nhiều bình diện.

Bác dạy: “Trồng người phải mất trăm năm,” Bác kêu gọi các tổ chức đoàn thể, nhà trường, gia đình, các anh chị phụ trách bồi dưỡng cho các em “dần dần có cái tư cách của con người mới,” “thành những công dân có tài, có đức.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm yêu thương nhất cho các cháu thiếu nhi (Việt Bắc, năm 1950). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm yêu thương nhất cho các cháu thiếu nhi (Việt Bắc, năm 1950). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc dạy chữ phải luôn đi đôi với việc dạy các em làm người; việc chăm sóc luôn phải đi đôi với việc bảo vệ thiếu nhi, giáo dục trong tổ chức Đội. Chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em vừa là vấn đề hướng đến ngày mai vì tương lai của dân tộc, vừa là những công việc cần làm tốt ngay từ hôm nay vì hạnh phúc của mỗi gia đình.

Người nói: “Giáo dục nhi đồng là một khoa học... Cách dạy trẻ, cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương yêu đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hóa. Đồng thời phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hoá ra người già cả... Trong lúc vui cũng cần làm cho chúng học. Ở trong nhà, trong trường học, trong xã hội chúng đều vui, đều học.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn nghệ thuật thiếu nhi Liên khu X và đội thiếu sinh quân đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của Người tại chiến khu Việt Bắc (19/51950). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đoàn nghệ thuật thiếu nhi Liên khu X và đội thiếu sinh quân đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của Người tại chiến khu Việt Bắc (19/51950). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Cũng từ am hiểu đặc tính của trẻ em, Người yêu cầu các thầy cô giáo, cán bộ phụ trách, các Đảng viên, những người lớn, các bậc cha mẹ, phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm trước các em.

“Nếu các cô, các chú bảo: “các em phải siêng làm” nhưng các cô các chú lại đi ngủ, hoặc dạy “các em phải thật thà” nhưng các cô các chú lại nói sai, hay bảo “các em phải giữ vệ sinh chung” nhưng các cô các chú bẩn như thế không được. Dạy các cháu thì nói với các cháu chỉ là một phần, cái chính là phải cho các cháu nhìn thấy, cho nên những tấm gương thực tế là rất quan trọng. Muốn dạy cho trẻ em thành người tốt thì trước hết các cô các chú phải là người tốt,” Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.

Sinh thời, tình yêu thương vô tận của Bác Hồ luôn trước hết hướng về các cháu thiếu nhi: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh.” Trước lúc đi xa, Người vẫn để tâm nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân “nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

Ngày 6/3/1926: Trong “Báo cáo gửi quốc tế Cộng sản,” đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thông báo ở mục 3 là Bác đã “Tổ chức một tổ chức thiếu nhi, lựa chọn trong con em nông dân và công nhân...”

Chủ tịch Hồ Chí Minh bón cơm cho một cháu bé khi đến thăm trại nhi đồng ở chiến khu Việt Bắc (1950). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh bón cơm cho một cháu bé khi đến thăm trại nhi đồng ở chiến khu Việt Bắc (1950). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 22/7/1926: Bác Hồ viết thư cho Ủy ban Trung ương Đội thiếu niên Tiền phong (thuộc Đoàn thanh niên Cộng sản Lenin) đề nghị đào tạo theo chương trình lâu dài một số thanh niên Việt Nam thành cán bộ đoàn sau này.

Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931: đã xuất hiện tổ chức Đội Đồng Tử Quân, tham gia đấu tranh lập chính quyền Xô Viết ở Nghệ Tĩnh. Nhiệm vụ chủ yếu của các tổ chức này là làm giao thông liên lạc, canh gác bảo vệ cuộc họp.

Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, tổ chức của Thiếu nhi Việt Nam được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 15/5/1941.

Mùa xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác Hồ trở về Tổ quốc. Từ hang Pác Bó (Cao Bằng) Bác viết thư gửi “trẻ chăn trâu”:

Nhi đồng cứu quốc Hội ta
Ấy là lực lượng, ấy là cứu tinh
Ấy là bộ phận Việt Minh
Dân mình khắc cứu dân mình mới xong

Chủ tịch Hồ Chí Minh quàng khăn đỏ cho đại biểu thiếu nhi Thủ đô đến chúc mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (1960). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh quàng khăn đỏ cho đại biểu thiếu nhi Thủ đô đến chúc mừng kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (1960). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Từ ý tưởng của Bác, ngày 15/5/1941, tại Nà Mạ (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Đội nhi đồng cứu quốc được thành lập, gồm 5 đội viên: Nông Văn Dền (tức Kim Đồng), Nông Văn Thàn (tức Cao Sơn), Lý Văn Tinh (tức Thanh Minh), Lý Thị Nì (tức Thuỷ Tiên), Lý Thị Xậu (tức Thanh Thuỷ). Anh Kim Đồng được bầu làm đội trưởng.

Đội có mục đích góp phần đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập nước nhà, với nhiệm vụ làm giao thông liên lạc, bảo vệ đưa đón cán bộ, bảo vệ các cuộc họp của Đảng.

Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, tổ chức của Thiếu nhi Việt Nam được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 15/5/1941.

Ngày 19/8/1945: Tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành nhiều Đội thiếu niên, nhi đồng cứu quốc ra đời. Nổi tiếng là các Đội: Đội nhi đồng cứu quốc Mai Hắc Đế, Đội thiếu niên Hoàng Văn Thụ, Đội tình báo Thiếu niên Thành Huế; Đội thiếu nhi ở Sài Gòn và Liên khu 5.

Tháng 2/1948: Bác viết thư hướng dẫn thiếu nhi nước ta làm công tác Trần Quốc Toản. Từ đấy công tác Trần Quốc Toản ra đời và trở thành phong trào thi đua sôi nổi, hấp dẫn trong cả nước cho đến ngày nay.

Tháng 3/1951: Tại Việt Bắc, Hội nghị cán bộ Đoàn đã quyết định thống nhất các tổ chức thiếu niên, nhi đồng và lấy tên là Đội Thiếu nhi tháng Tám.

Hội nghị cũng thống nhất một số chủ trương mới như thiếu nhi đeo khăn quàng đỏ, bài ca chính thức, khẩu hiệu, phiên chế tổ chức đội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chia kẹo cho các cháu nhi đồng ở nhà trẻ của con em công nhân nhà máy cao su Sao Vàng, xà phòng Hà Nội và thuốc lá Thăng Long, ngày 15/2/1961. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chia kẹo cho các cháu nhi đồng ở nhà trẻ của con em công nhân nhà máy cao su Sao Vàng, xà phòng Hà Nội và thuốc lá Thăng Long, ngày 15/2/1961. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 4/11/1956: Đại hội lần thứ II của Đoàn ra Nghị quyết về công tác thiếu niên nhi đồng và quyết định đổi tên Đội thiếu nhi tháng Tám thành Đội thiếu niên Tiền phong Việt Nam, bao gồm hai lứa tuổi nhi đồng và thiếu niên.

Gần 80 năm qua, được Đảng, Nhà nước, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, anh chị phụ trách chăm lo và sự dìu dắt của Đoàn Thanh niên; trải qua các giai đoạn cách mạng, Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò nòng cốt trong các phong trào thiếu nhi; là lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, góp phần quan trọng vào việc tập hợp, giáo dục thiếu niên nhi đồng thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy, trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ, đoàn viên thanh niên cộng sản, góp phần tô đẹp thêm truyền thống vẻ vang của Đội.

Thực hiện di chúc thiêng liêng của Người, và trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước đã tạo những điều kiện tốt nhất, những cơ hội bình đẳng để các em được chăm sóc, học tập và trưởng thành về mọi mặt, vững vàng bước tới tương lai trong tư thế “sánh vai các cường quốc năm châu”./.

Nhân dịp Tết Nguyên đán đầu tiên sau hòa bình, thiếu nhi Thủ đô Hà Nội đến chúc Tết Bác Hồ và múa hát quanh Bác trong vườn hoa Phủ Chủ tịch (9/2/1955). (Nguồn: TTXVN)
Nhân dịp Tết Nguyên đán đầu tiên sau hòa bình, thiếu nhi Thủ đô Hà Nội đến chúc Tết Bác Hồ và múa hát quanh Bác trong vườn hoa Phủ Chủ tịch (9/2/1955). (Nguồn: TTXVN)

Vietnamplus

Tin cùng chuyên mục