Sáng 15-5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, đơn vị bầu cử số 10 tiếp xúc trực tuyến với hơn 1.000 cử tri ở 12 xã, thị trấn thuộc huyện Hóc Môn (TPHCM).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là ứng cử viên ĐBQH đơn vị bầu cử số 10 (huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn), cùng với các ứng cử viên: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM; Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng (điều hành) Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Chủ tịch nước và các ứng cử viên tham dự ở điểm cầu chính tại Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Hóc Môn (TPHCM), kết nối trực tiếp với cử tri xã Xuân Thới Đông, Tân Thới Nhì, thị trấn Hóc Môn và kết nối trực tuyến với cử tri ở 12 điểm cầu đặt tại UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
“Bận gì thì bận, vẫn mong gặp cử tri”
Phát biểu trước đông đảo cử tri, ứng cử viên Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ niềm vui được gặp gỡ, tiếp xúc với hơn 1.000 cử tri ở huyện Hóc Môn qua kênh trực tuyến, phù hợp với bối cảnh phòng chống dịch Covdi-19. Chủ tịch nước chân tình chia sẻ: “Bận gì thì bận nhưng tôi vẫn mong muốn gặp các cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri”.
Nếu như TPHCM được nhắc đến như một địa danh anh hùng trong hai cuộc kháng chiến thì huyện Củ Chi - vùng đất thép thành đồng, và huyện Hóc Môn - “18 thôn vườn trầu” đã đi vào lịch sử, là hai cái nôi của cách mạng miền Nam, hai địa phương có truyền thống cách mạng kiên cường. Giờ đây, hai huyện đang thay da đổi thịt, vươn lên mạnh mẽ. Chủ tịch nước bày tỏ, sẽ là vinh dự lớn khi trở thành ĐBQH của thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh và càng vinh dự khi được đại diện cho tiếng nói của cử tri hai huyện Hóc Môn, Củ Chi.
“Chính vì thế, khi ứng cử ĐBQH, chúng tôi luôn tâm niệm phải làm thế nào để đóng góp, xây dựng TPHCM, xây dựng hai huyện Củ Chi và Hóc Môn có bước phát triển trong thời gian tới”, Chủ tịch nước chia sẻ.
Chủ tịch nước tái khẳng định, sẽ làm tròn trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, trước hết là gắn bó với cử tri, thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và phản ánh kịp thời với Quốc hội, với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng. Đồng thời, tích cực nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH TPHCM - đoàn ĐBQH có số lượng ĐBQH nhiều nhất trong cả nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm nêu gương, tinh thần phục vụ người dân của lãnh đạo, của công chức, của ĐBQH.
Trong phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch nước nêu ra các yêu cầu thiết thực đối với đời sống người dân. Trong đó có việc giải quyết nhanh các thủ tục hành chính; cán bộ từ thôn, xã, huyện, thành phố, Trung ương phải tạo điều kiện thuận lợi nhất, phục vụ tốt nhất cho người dân. Cùng với đó là đề ra các biện pháp hữu hiệu hơn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu người dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đối với TPHCM, Chủ tịch nước cho biết, sẽ quan tâm đến nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển TPHCM và đặc biệt là huyện Củ Chi, Hóc Môn. Đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, bảo đảm môi trường sinh sống thuận lợi cho người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.
Chủ tịch nước yêu cầu các cấp, các ngành nỗ lực thúc đẩy giải quyết các kiến nghị của người dân đến nơi đến chốn, giải quyết thấu đáo trong thời gian quy định, nhất là các vấn đề liên quan trực tiếp đời sống người dân. Song song đó là đề ra giải pháp hữu hiệu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Chủ tịch nước khẳng định, bên cạnh quan tâm phát triển kinh tế, phải luôn đảm bảo phúc lợi xã hội cho người dân. Với Đoàn ĐBQH TPHCM, Chủ tịch nước yêu cầu, khi trúng cử, các ĐBQH sẽ làm các việc rất quan trọng là góp phần xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, giữ gìn bản sắc văn hóa, nhất là trong giới trẻ.
Chủ tịch nước lưu ý: “Văn hóa của người Việt Nam là kính già yêu trẻ, tôn sư trọng đạo, lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái… Nhân nghĩa, tình cảm trong từng gia đình, từng ấp phải được củng cố để nét đẹp tình làng nghĩa xóm mãi mãi lưu đọng trong người dân. Vì thế, chính quyền các cấp cần lãnh đạo, phát triển theo hướng bền vững, tốt đẹp đó, chứ không chỉ là quan tâm về kinh tế”.
TPHCM phải sánh vai với các thành phố lớn trong khu vực
Chủ tịch nước nhấn mạnh sự quan tâm đến TPHCM, cụ thể là đổi mới mô hình tăng trưởng, thu hút tài năng, nhất là thúc đẩy các sáng kiến đưa TPHCM trở thành hình mẫu của cả nước, có sức cạnh tranh trong khu vực về đổi mới sáng tạo và thu hút nhân tài.
Chủ tịch nước nêu rõ: “TPHCM là đô thị lớn nhất cả nước, phát triển kiểu mẫu của cả nước về các hoạt động. Điều đó đòi hỏi vai trò lớn của Đảng, Nhà nước đối với Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM”.
Theo Chủ tịch nước, không chỉ so sánh với các đô thị trong nước mà TPHCM cần sánh vai với các thành phố lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. TPHCM không chỉ là “hòn ngọc Viễn Đông” mà phải là “hòn ngọc soi sáng Viễn Đông”. Chính vì thế, việc đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài cần được TPHCM đặt ra. Và, một yêu cầu rất lớn, đó là TPHCM và ĐBQH tại TPHCM phải có trách nhiệm đưa các vùng chậm phát triển như Hóc Môn, Củ Chi tiến bước.
Chủ tịch nước nêu rõ, phải đưa huyện Hóc Môn, Củ Chi trở thành đô thị sinh thái, một cực tăng trưởng mới, một thành phố xanh ở phía Tây TPHCM. Nếu như dịch vụ ở huyện Hóc Môn phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian qua, thì sắp tới đây, Hóc Môn phải trở thành đô thị sinh thái, một thành phố dịch vụ chất lượng cao, thành phố công nghệ cao, thành phố nông nghiệp hữu cơ. “Trong 5 năm tới, cần đưa huyện Hóc Môn, Củ Chi phát triển, sánh vai như các quận trong nội thành của TPHCM”, Chủ tịch nước khẳng định.
Đề cập đến 3 chức năng quan trọng của Quốc hội là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Chủ tịch nước cũng khẳng định vai trò của Đoàn ĐBQH TPHCM, đại diện cho hơn 10 triệu người dân TPHCM.
Chủ tịch nước cho hay, một vấn đề cần thiết được đặt ra hiện nay là điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM, nhằm giúp TPHCM có điều kiện giải quyết các vấn đề về ngập nước, ách tắc giao thông. Qua đó, giúp TPHCM phát triển và đóng góp nhiều hơn cho cả nước. Một đồng để lại cho TPHCM thì TPHCM sẽ tăng thêm 3-4 đồng cho ngân sách Trung ương. “Việc này rất cần có sự quả quyết của các ĐBQH, kiến nghị Quốc hội xem xét, giúp TPHCM phát triển mạnh nhất nước ta về kinh tế, quốc phòng, khoa học - công nghệ cao”, Chủ tịch nước nêu bật trách nhiệm lớn của ĐBQH gắn với TPHCM, giúp TPHCM phát triển.
Đưa huyện Hóc Môn phát triển hùng cường
Với tư cách người đứng đầu Nhà nước, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ làm hết sức mình để cải cách tư pháp, đảm bảo quyền tự do, dân chủ, quyền công dân. Đồng thời, nêu cao tinh thần đoàn kết các tầng lớp nhân dân, 100 triệu dân một lòng, một ý chí để xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường vào năm 2045.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Muốn đất nước hùng cường thì TPHCM phải hùng cường, huyện Hóc Môn phải hùng cường, mang khát vọng phát triển lớn lao và quan tâm đời sống người dân, quan tâm đến phúc lợi người dân”.
Đánh giá vị trí hai huyện Hóc Môn và Củ Chi là địa bàn kết nối các đô thị trong vùng TPHCM gắn với các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Chủ tịch nước yêu cầu TPHCM cần quy hoạch hai huyện trên quan điểm liên kết, phát triển vùng. Cần quy hoạch hai huyện Hóc Môn, Củ Chi theo hướng đô thị sinh thái. Theo đồng chí, quy hoạch phải đi trước một bước để ổn định cuộc sống người dân. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài, chỉ rõ chỗ nào là đô thị, chỗ nào là nhà ở, chỗ nào là công nghiệp, chỗ nào là nông nghiệp chất lượng cao…
Chủ tịch nước nhấn mạnh việc nhanh chóng phát triển hệ thống giao thông với các công trình trọng điểm như cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh), vành đai 3, vành đai 4, tuyến đường ven sông Sài Gòn… Chủ tịch nước đánh giá đây chính là sự đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn cho hai huyện Hóc Môn, Củ Chi và thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, phát triển TPHCM và hai huyện.
“Nếu đường sắt đô thị, đường thủy, đường bộ kết nối trung tâm TPHCM tới huyện Củ Chi, Hóc Môn và các tỉnh lân cận hoàn thiện, thì mảnh đất Củ Chi, Hóc Môn sẽ là mảnh đất vàng, tương lai tươi sáng”, Chủ tịch nước đánh giá.
Trong sự phát triển của hai huyện Hóc Môn và Củ Chi, Chủ tịch nước đánh giá Khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi) sẽ là động lực chính để phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao và nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, cần thúc đẩy Khu đô thị Tây Bắc, tạo sức lan tỏa chung cho vùng. Trong đó, cần tập trung tháo gỡ vướng mắc trong kêu gọi đầu tư. Chủ tịch nước một lần nữa nhấn mạnh việc sẽ cùng với lãnh đạo TPHCM sẽ chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư để thu hút các tập toàn lớn về kinh tế, có trình độ khoa học kỹ thuật cao để đầu tư cho huyện Hóc Môn và Củ Chi phát triển. “Cần những việc làm lớn, tầm nhìn xa nhằm mang lại giá trị gia tăng cao, tạo sức lan tỏa tốt hơn cho sự phát triển của hai huyện Củ Chi, Hóc Môn.
Chủ tịch nước cũng lưu ý, trong quá trình phát triển, huyện Hóc Môn cần quản lý đô thị hiệu quả, chống đầu cơ đất nông nghiệp, tránh sử dụng lãng phí đất đai. “Với một đô thị như vậy trong tương lai gần, cấp ủy, chính quyền cần thí điểm mô hình quản lý nhà nước theo cơ chế đô thị, cách quản lý gần như TP Thủ Đức. Trong đó, cần mở rộng phân cấp, phân quyền, khuyến khích sự năng động sáng tạo của địa phương; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế và thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, quyết liệt, sâu sát thực tế đời sống người dân”, Chủ tịch nước gợi mở.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, ứng cử viên Nguyễn Thị Lệ chia sẻ 6 nội dung trọng tâm sẽ quyết liệt hành động.
Ứng cử viên Nguyễn Thị Lệ khẳng định, sẽ luôn nghĩ và hành động vì quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Bằng giám sát, khảo sát và từ thực tiễn sinh động của TPHCM, ứng cử viên sẽ tham gia đóng góp với Quốc hội các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đem lại sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Ứng cử viên Nguyễn Thị Lệ khẳng định, sẽ luôn nghĩ và hành động vì quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Ảnh: VIỆT DŨNG
Với vai trò Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, đồng chí có điều kiện cùng với Đoàn ĐBQH TPHCM, cùng với tập thể lãnh đạo TPHCM trong triển khai đẩy mạnh đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Đồng thời, nỗ lực, quyết tâm kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành, cơ quan Trung ương tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch; triển khai 4 chương trình đột phá, phát triển TPHCM đã đề ra.
Thúc đẩy Hóc Môn thành quận hoặc thành phố
Tại buổi tiếp xúc, cử tri huyện Hóc Môn bày tỏ niềm vui, vinh dự khi có Chủ tịch nước ứng cử ĐBQH trên địa bàn huyện, đồng thời cử tri gửi gắm nhiều mong muốn.
Cử tri Nguyễn Đức Bằng (xã Tân Thới Nhì) mong muốn các ứng viên trúng cử sẽ quan tâm kêu gọi đầu tư cho huyện Hóc Môn phát triển mạnh mẽ thời gian tới để sớm trở thành quận hoặc thành phố trong thời gian ngắn.
Cử tri Phan Thị Tuyết Anh (thị trấn Hóc Môn) bày tỏ, khi đưa tay bấm bút biểu quyết, các ĐBQH nên nghĩ đến quyền lợi của người dân. Nhiều cử tri cũng đặt vấn đề Quốc hội cần tăng cường phòng chống tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt. Bởi tham nhũng vặt tuy nhỏ nhưng làm xói mòn niềm tin của dân…
Thay mặt các ứng cử viên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời cảm ơn các ý kiến cử tri mà theo đồng chí là rất trách nhiệm, mang tinh thần xây dựng, sâu sắc, thể hiện nguyện vọng của nhân dân. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mong muốn huyện Hóc Môn sớm phát triển thành quận hoặc thành phố là nguyện vọng hết sức chính đáng của cử tri.
Trả lời câu hỏi của cử tri Phạm Văn Thắng "Chủ tịch nước bận rộn như vậy thì liệu có đảm bảo dự các buổi tiếp xúc cử tri sau này, có bỏ sót cuộc nào không?", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, bản thân đã là ĐB HĐND, ĐBQH nhiều khóa, gần đây nhất là ĐBQH tại TP Hải Phòng và đồng chí chưa từng bỏ bất cứ cuộc tiếp xúc cử tri nào, cả trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Chỉ một lần duy nhất chuẩn bị diễn ra hội nghị tiếp xúc cử tri ở một địa phương thì địa phương đó có nguy cơ đê vỡ và đồng chí đã trực tiếp đi chỉ đạo việc xử lý nguy cơ đê vỡ. Tất cả các buổi tiếp xúc cử tri còn lại, đồng chí đều thực hiện nghiêm túc, tham dự đầy đủ.
“Chính hơi thở cuộc sống, tâm tư nguyện vọng của người dân đã giúp hình thành nên các chính sách sâu sát với thực tiễn cuộc sống chứ không phải chúng ta xây dựng chính sách pháp luật từ phòng lạnh. Muốn vậy - có chính sách phù hợp với thực tiễn - thì phải nghe ý kiến nhân dân bằng nhiều hình thức, trong đó có tiếp xúc cử tri”, Chủ tịch nước khẳng định.
* Trưa 15-5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đi thăm thương binh Lâm Văn Xoài (82 tuổi, là thương binh đặc biệt nặng với tỷ lệ thương tật 91% và nhiễm chất độc hóa học) và Trương Thành Hỷ (96 tuổi, cùng ngụ xã Thới Tam Thôn).
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe thương binh Trương Thành Hỷ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ân cần hỏi thăm tình hình sức khỏe, cuộc sống của hai thương binh và gửi những lời chúc tốt đẹp đến hai gia đình.