Chủ nhật, ngày 23/5 được ấn định là Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đây là một trong những hoạt động chính trị quan trọng của đất nước ta trong năm 2021, sự kiện được tổ chức 5 năm một lần.
Với ý nghĩa đó, từng lá phiếu của mỗi cử tri mang trên mình rất nhiều trọng trách và không chỉ niềm tin của mỗi công dân mà là cả vận mệnh của đất nước.
Trong không khí rộn ràng của cả nước hướng đến ngày hội bầu cử 23/5, chúng ta nhớ đến ngày Tổng tuyển cử trong lịch sử dân tộc ta cách đây 75 năm, ngày 6/1/1946.
Trong điều kiện vô cùng khó khăn, đất nước mới giành được độc lập, tự do, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc,” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định tổ chức Tổng tuyển cử trong cả nước.
Trong bài viết Ý nghĩa tổng tuyển cử đăng trên báo Cứu quốc ngày 31/12/1945, Người đã viết: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà.”
Cũng trong bài viết này, Người nhấn mạnh: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết.”
Với ý nghĩa của Tổng tuyển cử như vậy, ngay trước ngày bầu cử một ngày, trong Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời hiệu triệu thiêng liêng: “Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.”
Để cho mỗi công dân có quyền tự cầm lá phiếu của mình để đi bầu cử, dân tộc ta đã phải chờ rất lâu, trải qua cuộc đấu tranh trường kỳ qua biết bao thế hệ.
Nói về giá trị của lá phiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó. Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta và quyền làm chủ thật sự của mỗi người công dân ta. Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri.” (Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu nhân dân Thủ đô trong cuộc ra mắt của các vị ứng cử đại biểu Quốc hội khóa III ở Hà Nội, ngày 14/4/1964).
Có thể nói, mỗi người dân hay tự ý thức được ý nghĩa, giá trị thiêng liêng của từng lá phiếu, tự chọn cho mình những ứng cử viên xứng đáng, và trên hết hãy cảm thấy tự hào được được hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Và như lời của Bác phát biểu tại Đại hội nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ra mắt cử tri ngày 24/4/1960: “Quốc hội phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ xã hội chủ nghĩa. Lựa chọn những đại biểu như vậy là quyền lợi và nghĩa vụ của người cử tri.”
Nhớ lại lời dạy của Bác, mỗi cử trị lại càng phải có ý thức hơn, phải cân nhắc kỹ hơn để lựa chọn những đại biểu thật xứng đáng trong lá phiếu của mình như lời Người căn dặn: “Phải đi bỏ phiếu để tự mình lựa chọn những người xứng đáng thay mặt cho mình trong Quốc hội.”
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra vào ngày 23/5 trong điều kiện ảnh hưởng lớn của tình hình dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị từ Trung ương xuống cơ sở, các tầng lớp nhân dân, tất cả các khâu chuẩn bị cho bầu cử đến nay đã hoàn tất, sẵn sàng cho Ngày hội toàn dân. Tất cả chúng ta đều có niềm tin vào sự thành công của sự kiện chính trị quan trọng này.
Niềm tin đó xuất phát từ trong thực tế trong gần một năm rưỡi qua, từ đầu năm 2020 đến nay, trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, Việt Nam chúng ta đã tổ chức thành công rất nhiều sự kiện chính trị quan trọng và thành công tốt đẹp, đó là Đại hội XIII của Đảng, trước đó là đại hội đảng bộ các cấp, rồi Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 và chuỗi các hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên…
Và cùng với đó, chúng ta hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả vừa khôi phục, phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh.
Những kết quả đó được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta vẫn duy trì ở mức dương, nằm trong top đầu của thế giới. Và còn rất nhiều kỳ tích khác của ngành y tế, văn hoá, xã hội, ngoại giao…
Để chuẩn bị tốt nhất cho hoạt động bầu cử, công tác y tế, phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm bầu cử cũng đã được chuẩn bị kỹ càng với rất nhiều phương án cụ thể với mục tiêu cao nhất - đảm bao an toàn phòng chống dịch cho cử tri, những người phục vụ bầu cử.
Mỗi cử tri khi đi bỏ phiếu, cùng chung trách nhiệm, chấp hành đúng những quy định phòng, chống dịch như giữ khoảng cách, không tập trung, sát trùng tay trước và sau khi bỏ phiếu, khai báo y tế…
Tại thành phố mang tên Bác, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, chung tay của cả nhân dân, công tác chuẩn bị, tổ chức cuộc bầu cử đã được hoàn tất theo đúng nội dung, tiến độ, sẵn sàng cho ngày bầu cử - Ngày hội của toàn dân. Hơn 3.000 tổ bầu cử trên toàn thành phố đã sẵn sàng đón cử tri đến thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình một cách trang trọng, an toàn.
Về công tác phòng, chống dịch, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ giải pháp đảm bảo yếu tố phòng chống cho cử tri và cả những người phục vụ bầu cử. Ngành y tế đã triển khai nhân lực, phương tiện, thuốc men và kế hoạch ứng trực đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra an toàn.
Với trách nhiệm của mỗi cử tri đối với lá phiếu của mình, cùng với sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo từ phía các cấp chính quyền cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, chúng ta tin tưởng rằng các cử tri sẽ lựa chọn được những đại biểu có đủ đức và tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tại các cơ quan quyền lực nhà nước, góp phần cho Ngày hội non sông thành công tốt đẹp./.
Hoàng Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)