Đa dạng các hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh

12:10 22/01/2021

Công tác tư vấn hướng nghiệp với vai trò quan trọng trong việc giúp các em xác định được đúng ngành nghề để theo đuổi, đã và đang được các trường đẩy mạnh bằng nhiều hình thức.

Một tiết học ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)
Một tiết học ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: Đại Nghĩa/TTXVN)

Trong thực tế nhiều ngành nghề đào tạo đại học ra đời, việc học sinh vào được trường, ngành yêu thích và phù hợp với năng lực, điều kiện bản thân là vấn đề đặt ra đối với mỗi trường phổ thông.

Công tác tư vấn hướng nghiệp với vai trò quan trọng trong việc giúp các em xác định được đúng ngành nghề để theo đuổi, đã và đang được các trường đẩy mạnh bằng nhiều hình thức.

Phân ban định hướng nghề nghiệp

Không chỉ các chương trình tư vấn được tổ chức thường xuyên, tại các trường Trung học phổ thông công tác hướng nghiệp cho học sinh còn được thực hiện thông qua việc phân ban, chọn khối học ngay từ khi vào lớp 10.

Thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức) cho biết, trường tư vấn cho học sinh ngay từ năm lớp 10 nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh, phát huy năng lực học tập theo thế mạnh của học sinh.

Theo đó, dựa vào xu hướng xét tuyển theo khối của các trường đại học, trường sẽ phân các lớp theo ban Tự nhiên, ban Xã hội để học sinh lựa chọn. Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ nhập học lớp 10, giáo viên tư vấn cho học sinh chọn ban theo học phù hợp với năng lực học tập, sở thích xu nghề nghiệp của học sinh.

Qua đó, nhà trường có kế hoạch giảng dạy theo định hướng nâng cao các môn theo ban. Kết thúc năm học, nếu học sinh nhận thấy không phù hợp có thể chuyển ban. Việc phân ban từ lớp 10 giúp học sinh định hình được ngành nghề theo đuổi, từ đó tập trung đầu tư các môn thế mạnh, sở trường.

Tiến sỹ Huỳnh Công Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Ngọc Viễn Đông (Quận 12) chia sẻ, để giúp học sinh có lựa chọn đúng ngành nghề trong tương lai, đầu mỗi năm học nhà trường thực hiện khảo sát với học sinh khối 12 về ngành nghề các em mong muốn, yêu thích cũng như năng lực phù hợp với ngành nghề đó.

Trên cơ sở lựa chọn của học sinh, trường sẽ tư vấn để học sinh hiểu rõ và lựa chọn ngành đăng ký xét tuyển phù hợp. Qua khảo sát ban đầu cho thấy, tỷ lệ học sinh của trường chọn ban Khoa học xã hội khá cao.

Đây là cơ sở để trường xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp, cũng như đẩy mạnh công tác tư vấn thông tin tuyển sinh, hướng nghiệp theo nguyện vọng, năng lực của học sinh.

Cùng với hoạt động thường xuyên của các trường, nhằm đưa thông tin tổng quan về định hướng nghề nghiệp đến với học sinh, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với nhiều tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp đến nhiều trường từ bậc trung học cơ sở đến trung học phổ thông.

Các chương trình nhằm định hướng học tập, cơ hội nghề nghiệp, giúp học sinh có lựa chọn phù hợp với năng lực bản thân. Đồng thời, các hoạt động này cũng thông tin tới học sinh về tình hình thị trường lao động và dự báo về xu hướng phát triển nguồn nhân lực trong tương lai để các em có thêm cơ sở lựa chọn ngành nghề.

Các chuyên gia cho rằng, nhiều học sinh hiện nay chọn ngành theo xu hướng ngành “hot” mà quên đi yếu tố phù hợp với năng lực, điều kiện bản thân dẫn đến không theo được trong quá trình học, hoặc ra trường không tìm được công việc phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh, đặc biệt là học sinh sau Trung học cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc cân bằng cơ cấu nhân lực trong xã hội.

Các chương trình hướng nghiệp ngay từ bậc Trung học cơ sở góp phần thiết thực giúp học sinh sớm có những kiến thức nền tảng về nghề, ngành sẽ học trong tương lai.

Đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm

Cùng với việc chủ động đưa thông tin đến học sinh thông qua nhiều kênh, việc định hướng nghề nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế cũng đã được nhiều trường tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực.

Ngày hội hướng nghiệp năm học 2019-2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: Vietnam+)
Ngày hội hướng nghiệp năm học 2019-2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: Vietnam+)

Để hướng nghiệp đi vào chiều sâu, sau khi khảo sát xu hướng lựa chọn ngành nghề của học sinh, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức) đã liên hệ với các trường đại học, đơn vị, doanh nghiệp để hỗ trợ đưa học sinh đến trải nghiệm trên giảng đường và nghề nghiệp thực tế. Hoạt động này giúp các em hình dung rõ hơn về nghề nghiệp mình định hướng theo.

“Hướng nghiệp không còn là việc giới thiệu thông tin về từng ngành nghề. Điều quan trọng là phải giúp học sinh nhìn nhận rõ về lĩnh vực mà các em chọn và năng lực của mình phù hợp với nghề đó không. Từ đó sẽ hạn chế được việc chọn ngành nghề chỉ theo xu hướng” - thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Từ năm 2016-2017, nhiều học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) đã tham gia trải nghiệm tại chương trình “Một ngày làm giáo viên” để hiểu hơn về nghề giáo.

Đây là một trong nhiều hoạt động được nhà trường thực hiện nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh. “Nhiều năm qua, theo xu hướng chung, học sinh thường chọn các ngành 'hot' như công nghệ thông tin, logistics, kiến trúc… còn ngành sư phạm lại khá hiếm học sinh lựa chọn. Việc các em tham trải nghiệm làm nghề giáo, từ soạn giáo án đến thực hành giảng dạy trên lớp... giúp các em hiểu hơn về nghề giáo. Đặc biệt với những học có định hướng theo nghề này, sẽ giúp các em hiểu rõ về nghề mình chọn,” thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Cùng với đó, mỗi năm học Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du cũng tổ chức các chuyến tham quan, trải nghiệm tại các trường đại học, doanh nghiệp để học sinh hiểu thêm về các ngành nghề.

Lãnh đạo nhà trường cho rằng, hướng nghiệp không đơn thuần là hoạt động tư vấn thông tin về ngành nghề các trường đại học tuyển sinh mà phải nhìn lâu dài hơn là phải giáo dục, định hướng hướng nghiệp học sinh thông qua mọi hoạt động của nhà trường.

Không chỉ bằng những hoạt động học tập mà ngay cả những hoạt động sự kiện được tổ chức tại trường cũng giúp học sinh tìm được đam mê, nhận ra thế mạnh của mình để điều chỉnh, lựa chọn ngành nghề phù hợp.

“Một nhà giáo có khả năng nói chuyện hay trước công sẽ truyền cảm hứng cho học sinh mong muốn trở thành nhà giáo, trở thành báo cáo viên; trực tiếp tham gia tổ chức một sự kiện, tham gia biểu diễn văn nghệ tại trường sẽ khơi gợi cho các em niềm đam mê với nghề tổ chức sự kiện, dẫn chương trình. Hay việc mời các nghệ sỹ đến biểu diễn, nói chuyện với học sinh về nghệ thuật Cải lương cũng góp phần truyền lửa nghề cho các thế hệ học sinh…,” thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ./.

Thu Hoài (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục