Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - Kết tinh sức mạnh đoàn kết thống nhất non sông

07:28 30/04/2020

Cách đây 45 năm, thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; đồng thời, kết thúc chặng đường ba thập niên đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và củng cố thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. 

Đây là mốc son sáng ngời trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, là thành quả của ý chí đoàn kết và tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của toàn dân tộc. 

Nhân dân Sài Gòn - Gia Định hân hoan đón chào bộ đội giải phóng. Ảnh: T.L
Nhân dân Sài Gòn - Gia Định hân hoan đón chào bộ đội giải phóng. Ảnh: T.L

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976) khẳng định: “...thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (12-1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, bao gồm đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức cán bộ, đổi mới phương pháp lãnh đạo và phong cách công tác, sau hơn 30 năm đã đạt được: “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”. Sức mạnh Việt Nam làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đang là động lực thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo.


Những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc… chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Sức mạnh Việt Nam từng làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thể hiện trong nhiều lĩnh vực nhưng tập trung ở chủ nghĩa yêu nước; tinh thần đại đoàn kết dân tộc; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; truyền thống ngoại giao độc lập, tự cường và hòa bình, thân thiện với các nước trên thế giới. 

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam bắt nguồn từ truyền thống dân tộc, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoàn kết toàn dân tộc làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lãnh đạo thắng lợi các cuộc kháng chiến oanh liệt chống các thế lực thực dân, đế quốc mạnh nhất trong thế kỷ XX, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng ta chủ trương động viên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao chủ nghĩa yêu nước thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 

Đại đoàn kết dân tộc là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam. Nhờ phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong công cuộc đổi mới toàn diện, xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đề cao chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng. 

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng được thể hiện và khẳng định trong Cách mạng Tháng Tám và chiến tranh cách mạng, nổi bật trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975: Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Những thành tựu nổi bật trong công cuộc đổi mới vừa qua của đất nước chứng tỏ Đảng không ngừng vươn lên lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng kinh tế, xã hội, đưa đất nước từng bước vững chắc đi lên con đường chủ nghĩa xã hội.

 Ngoại giao độc lập, tự cường và hòa bình, thân thiện với các nước trên thế giới là truyền thống của ngoại giao Đại Việt. Ngoại giao cách mạng Việt Nam đã kế thừa truyền thống ngoại giao Đại Việt, phát triển phong phú, sáng tạo theo đường lối đối ngoại của Đảng và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước từ năm 1986, Đảng và Nhà nước đổi mới mạnh mẽ chính sách và hoạt động đối ngoại. 

Phát huy sức mạnh Việt Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, sau gần 35 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, mặc dù có những giai đoạn thăng trầm như bất kỳ quốc gia nào khác, song về tổng thể, so với mặt bằng chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ba thập niên kể từ khi “Đổi mới” là rất ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986-2017 đạt 6,63%/năm. Trong 20 năm gần nhất tăng trưởng bình quân 6,3%/năm. Việt Nam không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững.

Sức mạnh Việt Nam kết tinh trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 tiếp tục được kế tục, phát huy trong công cuộc đổi mới. Tinh thần Đại thắng mùa Xuân năm 1975 cũng là tinh thần và ý chí của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam tiến lên giành những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

PGS-TS VŨ HỒNG QUANG Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tin cùng chuyên mục