Đảm bảo cung ứng hàng hóa, thực phẩm cho người dân

13:44 10/07/2021

Ngày 9/7, ghi nhận tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm ở khu vực quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Phú Nhuận..., lượng hàng thực phẩm thiết yếu như rau củ quả, thịt, cá tươi sống khá dồi dào, trong khi lượng khách đến mua sắm đã giảm khoảng 50% so với ngày trước đó.

Hải sản bán nhiều tại Mega Market (quận 2, TPHCM), trưa 9/7
Hải sản bán nhiều tại Mega Market (quận 2, TPHCM), trưa 9/7

Theo đại diện các siêu thị, lượng hàng vẫn được tăng cường, cộng với việc tăng giờ mở cửa nên người dân có thể yên tâm mua sắm trong thời gian thực hiện giãn cách.

Tại siêu thị MM Mega Market An Phú, TP Thủ Đức, rau củ quả, trái cây các loại chất đầy trên các quầy kệ, giá bán vẫn ổn định. Cụ thể, cà chua Đà Lạt giá 35.000 đồng/kg, bí đao 25.000 đồng/kg, đậu cove giống Nhật 28.000 đồng/kg, mướp hương 28.000 đồng/kg, cải bẹ xanh 28.000 đồng/kg, rau dền 27.000 đồng/kg… Tại quầy thủy hải sản cũng đa dạng các loại cá, từ cao cấp như cá tầm, cá bống mú, cá hồi, cá thu, cá ngừ đại dương, tôm sú đến các loại cá nước ngọt như cá tra bè (loại 1,5 - 1,8kg/con), cá lóc, cá diêu hồng, cá kèo. Các loại thịt gia súc, thịt và trứng gia cầm cũng chất đầy trên quầy kệ. 

Trong khi đó, tại các chợ truyền thống, các cửa hàng nhỏ, giá bán thực phẩm tươi sống ở mức rất cao. Hiện giá các loại rau xanh như cải bẹ, cải ngọt, rau dền, mướp… có giá bình quân khoảng 50.000 đồng/kg. Nguyên nhân chính, từ khi 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, nguồn cung hàng hóa cho các chợ bán lẻ giảm mạnh, làm tăng giá bán. Dự kiến trong vài ngày tới, khi TPHCM bố trí được các vùng đệm làm điểm trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TPHCM, nguồn cung sẽ dồi dào trở lại. 

Sở NN-PTNT TPHCM cho biết, đến nay, hoạt động sản xuất nông nghiệp của thành phố chỉ cung ứng được 10%-15% nhu cầu tiêu thụ của người dân. Nông nghiệp TPHCM chủ yếu là nông nghiệp kỹ thuật cao, sản xuất con, cây giống. 

Ngày 9/7, UBND TPHCM tiếp tục có công văn khẩn số 2292 hướng dẫn triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM. Văn bản nêu rõ: UBND TPHCM đã chỉ đạo tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về. Tuy nhiên, trước thực tế một bộ phận người dân gặp khó khăn từ việc tạm dừng hoạt động này, UBND TPHCM giao Sở Công thương yêu cầu các hệ thống phân phối như Saigon Co.op, Satra, MM.Mega Market, Bách Hóa Xanh, VinMart, Family Mart, AEON, Vissan… tăng cường cung ứng thực phẩm chế biến sẵn. Theo đó, hàng hóa phải đầy đủ trên quầy kệ, đa dạng về chủng loại, đảm bảo an toàn thực phẩm. Các hệ thống phân phối phải phối hợp giao hàng online và các hình thức phân phối trực tiếp đến tận tay người dân khi có yêu cầu.

UBND TPHCM yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn chủ động nắm bắt khó khăn của người dân trên địa bàn, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để hỗ trợ kịp thời. Các hình thức hỗ trợ cụ thể như hướng dẫn người dân đến mua thực phẩm chế biến sẵn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện đang hoạt động, hoặc đặt hàng thông qua các ứng dụng công nghệ. Đồng thời chủ động cung cấp các suất ăn miễn phí cho người già neo đơn, người bệnh… Thủ trưởng các sở ngành, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và các quận huyện chủ động triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân trên địa bàn và những người có hoàn cảnh khó khăn để yên tâm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và cùng thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TPHCM. 

Tối 9/7, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương đã ký Công văn 3439 về việc triển khai thực hiện chỉ đạo tại Công văn 2292 của UBND TPHCM, gửi ban giám đốc các hệ thống phân phối trên địa bàn TPHCM.

HẢI HÀ - THANH HẢI - MAI HOA/SGGP

Tin cùng chuyên mục