Đảm bảo quyền trẻ em được thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc và trên mọi lĩnh vực

18:49 19/03/2021

(HMC) - Chiều 19/3, Trưởng Ban điều hành Bảo vệ chăm sóc Trẻ em TP, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan chủ trì Hội nghị Tổng kết 12 chương trình, đề án, kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn TPHCM. Tham dự Hội nghị có Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Lê Minh Tấn, đại diện UBND TP Thủ Đức, quận/huyện, các Sở, Ban ngành, đoàn thể TP.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Huyền Mai  
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Huyền Mai  

Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đạt nhiều thành tựu

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Điều hành Bảo vệ chăm sóc Trẻ em TP Trần Ngọc Sơn, trong giai đoạn 2011-2020, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều thành tựu.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Điều hành Bảo vệ chăm sóc Trẻ em TP Trần Ngọc Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Huyền Mai
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Điều hành Bảo vệ chăm sóc Trẻ em TP Trần Ngọc Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Huyền Mai

Trong những năm qua, Thành phố đã đầu tư nguồn ngân sách rất lớn để xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, xây dựng bệnh viện, cơ sở vui chơi giải trí cho trẻ em (11 công trình cấp thành phố, các quận, huyện và TP Thủ Đức đều có các điểm vui chơi giải trí phục vụ trẻ em), thành lập và đưa vào hoạt động khoảng 50 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, Thành phố cũng ban hành 12 chương trình, kế hoạch, đề án hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 như: chương trình hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; các sự án thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương;… Thông qua các chương trình và dự án, nhiều giải pháp, mô hình hiệu quả đã được Thành phố xây dựng và vận hành đảm bảo sự gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực. Trong quá trình thực hiện, trẻ em nói chung và 11.936 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng được hưởng lợi từ các chính sách của thành phố.

Về công tác đảm bảo thực hiện Quyền tham gia của trẻ em, nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện để trẻ em thực hiện quyền tham gia, Chương trình đối thoại giữa trẻ em và người đứng đầu các sở, ban, ngành, “Lãnh đạo Thành phố gặp gỡ thiếu nhi đầu Xuân”, hàng năm đều được tổ chức định kì; diễn đàn lắng nghe tiếng nói trẻ em đều được tổ chức từ cấp thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Bên cạnh đó, quyền của trẻ em còn được thực hiện thông qua Mô hình đối thoại 3 bên học sinh - phụ huynh - nhà trường, Mô hình Hội đồng trẻ em cấp thành phố do Thành Đoàn thành phố là cơ quan chủ trì thành lập.

Đối với công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Quyết định số 2017/QĐ-UBND về “Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn TPHCM”; Hướng dẫn số 10704/HD-SLĐTBXH về “Thực hiện  kiểm soát nội bộ trong phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em tại cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn TPHCM”; Công văn số 14/BVSTBPNTP đề nghị các Sở, ngành và quận, huyện rà soát xây dựng và triển khai các giải pháp “Phòng ngừa bạo lực, xâm hại và quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em ở nơi công cộng”. TP cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập và đưa vào hoạt động Tòa gia đình và người chưa thành niên, hướng đến xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em, vừa giáo dục răn đe, vừa bảo vệ cho trẻ em.

Về việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, diễn đàn lắng nghe tiếng nói trẻ em cấp thành phố năm 2019 với chủ đề “Phòng chống lao động trẻ em” đã tạo điều kiện cho trẻ em và cha mẹ có một bữa ăn trưa cùng nhau, giúp cha mẹ hiểu nguyện vọng của con cái.

Ngoài ra, trong công tác truyền thông, Thành phố cũng đẩy mạnh truyền thông qua những hoạt động được tổ chức đến tận khu dân cư, hình thúc truyền thông đa dạng, có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại (thơ, ca, hội thi, hò, vè,…), mang lại sự thay đổi tích cực về nhận thúc, hành vi và sự kì vọng về bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em.

Hướng đến đảm bảo thực hiện các quyền trẻ em

Tặng bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc. Ảnh: Huyền Mai
Tặng bằng khen cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc. Ảnh: Huyền Mai

Về định hướng Chương trình Hành động Quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030, mục tiêu chung của Thành phố hướng tới bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện, góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Thành phố đề ra mục tiêu thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, giảm thiều lao động trẻ em; phát hiện, hỗ trợ, can thiệp kịp thời để trẻ em có nguy cơ và lao động trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện. Ngăn chặn, phòng chống tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông.

Đồng thời, nâng cao nhận thức, năng lực, của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; nâng cao chất lượng hoạt động và số lượng trẻ em tham gia các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em; góp phần xây dựng thế hệ công dân Việt Nam phát triển toàn diện và hội nhập.

Để đạt được mục tiêu trên, Thành phố đề ra nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương đối với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu vì trẻ em. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất chính sách pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; Xây dựng và phát triển các mạng lưới, mô hình cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em có sự lồng ghép, phối hợp, chuyển tuyến liên ngành, liên cáp theo hình thức dịch vụ một cửa và các gói dịch vụ tiếp cận trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em tại gia đình và cộng đồng.

Song song với đó, Thành phố sẽ tăng cường truyền thông, giáo dục về kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em; vận động xã hội thực hiện các mục tiêu về trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Bảo đảm nguồn lực thực hiện quyền trẻ em và các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em; ưu tiên bố trí nguồn lực về bảo vệ trẻ em. Tiếp tục đàm phán, vận động các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực cùng tham gia giải quyết các vấn đề của trẻ em và xây dựng các công cụ hỗ trợ trẻ em phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ bạo lực, xâm hại phát sinh mới trong quá trình hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; xây dựng cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình, mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em.

Cần hành động mạnh mẽ, quyết tâm hơn nữa

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, qua 10 năm, Thành phố đã tạo ra được sự thay đổi cơ bản về quan điểm, cách tiếp cận, bảo vệ trẻ em, đảm bảo trẻ em được phát triển trong điều kiện hội nhập và phù hợp với quan điểm quốc tế về quyền trẻ em. Thành phố cũng là địa phương tiên phong, đi đầu trên cả nước ban hành quy trình phối hợp, hỗ trợ, can thiệp xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại và xâm hại tình dục trên địa bàn Thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Huyền Mai
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Huyền Mai

Trong giai đoạn tới, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các cấp, các ngành và toàn xã hội cần hành động một cách mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn nữa. Muốn làm được điều đó, phải có biện pháp để xã hội nhận thức được rằng, hành động vì trẻ em hôm nay chính là sự phát triển của mỗi gia đình của quốc gia và dân tộc ta trong tương lai.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, cần suy nghĩ đến một quy trình phối hợp xử lý giữa các cơ quan theo hướng mỗi một hành vi xâm phạm phải có một quy trình xử lý cụ thể. Bên cạnh đó, cần có kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em theo hướng mở rộng hơn các hành vi xâm hại, nêu rõ từng chi tiết hành vi để đưa ra mức xử phạt rõ ràng, cụ thể. Ông đề nghị, trong thời gian tới, ngành công an cần chọn một số án điểm để đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức xét xử một số vụ điển hình.

Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, chăm sóc, bảo vệ trẻ em là một hoạt động rất khó khăn, đầy thách thức, đòi hỏi sự tự nguyện cao. Do đó, Thành phố cần duy trì thường xuyên sơ kết, tổng kết để khen thưởng tập thể và cá nhân có thành tích tốt. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng một danh hiệu để khen thưởng cho những đối tượng này.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, vấn đề trẻ em cần có sự quan tâm, chỉ đạo, vận hành, phối hợp một cách đồng bộ của từng ngành, lĩnh vực, cá nhân và gia đình. Vì vậy, ông hy vọng Thành phố tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức xã hội, các tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tấn của Thành phố và Trung ương, của cộng đồng dân cư đối với lĩnh vực này. Ông mong rằng, mọi người có thể cùng chung tay với chính quyền Thành phố đảm bảo quyền trẻ em được thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc và trên mọi lĩnh vực.

Theo thống kê, TPHCM có 8.993.082 người, trong đó có 2.052.279 trẻ em (bao gồm cả 474.019 trẻ em dưới 15 tuổi đăng kí tạm trú). Trong đó, có 11.936 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (chiếm gần 0,58% tổng số trẻ em), trong số này có 2.342 trẻ em được chăm sóc thay thế tại các cơ sở bảo trợ xã hội và hơn 9.590 trẻ tại cộng đồng; khoảng hơn 34.200 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP.

Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục