Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và các Phó Thủ tướng: Phạm Bình minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị.
Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với các điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Chủ trì tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu và Phó Chủ tịch HĐND TP Phan Thị Thắng.
Nền kinh tế tăng trưởng dương và trên đà phục hồi với nhiều điểm sáng
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, nền kinh tế chịu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Dịch bệnh đã gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua.
Là quốc gia hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động. Kinh tế quý 2 bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, nhất là tháng 4 và 5. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng GDP quý II đạt mức thấp nhất trong 30 năm qua, chỉ tăng 0,36%; 6 tháng đầu năm tăng 1,81%.
Mặc dù sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng do sớm đưa ra mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nên kinh tế Việt Nam tăng trưởng dương và đời sống nhân dân cơ bản vẫn đảm bảo.
Đặc biệt, kích cầu du lịch và hàng không nội địa khá thành công; tất cả các khách sạn trong cả nước từ TP. Hồ Chí Minh đến Phú Quốc, khu vực miền Trung, miền Bắc... gần như kín chỗ. Khách nội địa tăng 2% so với cùng kỳ. Doanh thu của một số hãng máy bay, như hãng Hàng không Việt Nam tăng đáng kể.
Trong khi cả thế giới suy thoái nặng nề, nhất là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam, nhưng kinh tế của chúng ta vẫn tăng trưởng dương và trên đà phục hồi với nhiều điểm sáng. Đây là minh chứng rõ nét của định hướng và các giải pháp quyết liệt phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế, đồng thời thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Kết quả đạt được góp phần quan trọng, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân cũng như các nhà đầu tư quốc tế.
Theo Thủ tướng, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên kiểm soát được dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 là 4,19%; xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 33% GDP. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020.Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019; Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ.
Cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507.200 lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng, có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Thủ tướng Chính phủ cho biết khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, dù có tác động từ đại dịch Covid-19 nhưng vẫn là “bệ đỡ” quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu.Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương cần bình tĩnh, chủ động, vững tin trong nhận định, đánh giá tình hình; không chủ quan nhưng nhất định không được bi quan. "Càng khó khăn, càng phải nỗ lực vươn lên. Trong đại dịch, chúng ta có 63 tỉnh, TP, nhưng chỉ có 12 địa phương tăng trưởng âm"- Thủ tướng khích lệ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cho các bộ ngành, địa phương phải xác định mục tiêu kép là không để dịch Covid-19 quay trở lại và không vì lợi ích kinh tế mà để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng, đảm bảo đời sống nhân dân.
Các bộ, ngành và địa phương cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tăng trưởng. Vấn đề đặt ra, theo Thủ tướng, là xác định các giải pháp, chính sách cụ thể và mức độ phù hợp. Thủ tướng cũng yêu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Hiện vốn đầu tư công giải ngân đến nay mới đạt 33%, vốn ODA chỉ đạt 10%...
Bên cạnh việc hoan nghênh một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An... đã có chương trình thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, trong đó có nguồn vốn FDI, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu chúng ta không có hạ tầng và các điều kiện về đầu tư kinh doanh thì nguồn vốn FDI sẽ "chảy" sang các quốc gia khác.
Riêng về vấn đề cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng cho rằng, hiện doanh nghiệp, người dân đang đối mặt với các khó khăn do đại dịch Covid-19, do vậy các địa phương cần cắt giảm thủ tục hành chính, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền để gỡ bỏ các rào cản. "Chúng ta cần có một thái độ phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp. Một không khí như vậy thì mới tạo sự phát triển được, còn cứ quyền anh, quyền tôi, gây khó khăn cho doanh nghiệp thì không bao giờ thành công. Chuyện này chúng ta đã nói nhiều, nhưng chưa chuyển biến" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Tình hình kinh tế - xã hội quý II của TP. Hồ Chí Minh có sự chuyển biến tốt
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết trong bối cảnh cả thế giới phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm thực hiện thắng lợi “nhiệm vụ kép” vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh.
TP đã hỗ trợ hơn 510.000 đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, đạt 94% kế hoạch với tổng số tiền hơn 500 tỷ đồng; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động để vực dậy kinh tế như: Phát động cao điểm 200 ngày thi đua chào mừng Đại hội Đảng các cấp; tổ chức Đại hội thi đua yêu nước thành phố lần thứ 7, giai đoạn 2020 - 2025. Tổ chức Hội thảo kích cầu du lịch; Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ; và ngày 04/7/2020 sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch TP.HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL để đánh giá những thành quả bước đầu trong công tác phối hợp phát triển du lịch giữa các địa phương, với quyết tâm đưa ngành du lịch (ngành chiếm khoảng 11% GRDP của TP) phục hồi nhanh nhất.
Với những quyết tâm và nỗ lực của TP, tình hình kinh tế-xã hội quý II/2020 có sự chuyển biến tốt hơn so với quý I. Theo Tổng cục thống kê, GRDP TP tăng 1,02%, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế TP tính toán thì tỉ lệ tăng phải là 2%, vì về quy mô, TP vẫn đóng góp vào GDP cả nước trên 25% và 27% tổng thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, khối lượng giải ngân các dự án trên thực tế đạt hơn 18.000 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch vốn, gấp hơn 4 lần về giá trị tuyệt đối, hơn 3 lần về tỷ lệ so với cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 403 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 20,7 tỷ USD, tăng 5,8%; nhiều ngành dịch vụ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao (dịch vụ y tế tăng 11,6%, tài chính ngân hàng tăng 7,8%, khoa học công nghệ tăng 7,1%, thông tin truyền thông tăng 7,3%).
TP có gần 18.500 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 246 ngàn tỷ đồng; đầu tư trực tiếp của nước ngoài thu hút hơn 2 tỷ USD. Các loại hình kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt... phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế số của TP.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, những kết quả đó, là tiền đề quan trọng cho sự phục hồi kinh tế TP trong giai đoạn bình thường mới.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, nhiều khu vực, ngành kinh tế có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm so cùng kỳ. Tổng doanh thu dịch vụ giảm 22,3%, ngành lưu trú, ăn uống giảm 47,3%, ngành du lịch lữ hành giảm 71,2%. Khu vực doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, hơn 2.500 doanh nghiệp giải thể, tăng 10,8%, hơn 8.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động, tăng 40,5%...
TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đi đầu trong thực hiện “nhiệm vụ kép”
Với vai trò là một đô thị đặc biệt, một trung tâm nhiều mặt của cả nước, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định, TP. Hồ Chí Minh xác định phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm nhiều hơn. Bởi sự chậm lại của TP sẽ tác động trực tiếp đến kết quả tăng trưởng chung của cả nước, TP phải luôn “vì cả nước, cùng cả nước”, xứng đáng mang tên Bác Hồ kính yêu.
Trên tinh thần đó, cả hệ thống chính trị và nhân dân TP phấn đấu đi đầu thực hiện “nhiệm vụ kép” với 08 giải pháp trọng tâm được Chủ tịch UBND TP nêu ra. Trong đó: Kiên trì theo đuổi thực hiện “nhiệm vụ kép”; Tập trung tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ 11, hoàn thành các nội dung phục vụ Đại hội, phát động các phong trào thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị của TP và đất nước; Triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 77 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 84, Nghị quyết số 70 của Chính phủ nhằm khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế, rà soát, hỗ trợ thiết thực cho hơn 8.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, phấn đấu hết tháng 9/2020 hỗ trợ được 90% số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, tập trung tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao tạo khí thế trong điều kiện bình thường mới. Triển khai Chương trình chuyển đổi số của TP giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, tận dụng cơ hội Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu để tăng cường lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ phần mềm và nội dung số, cũng như các lĩnh vực TP có thế mạnh.
Thành phố cũng tiếp tục thực hiện tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xem việc thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020; Đẩy nhanh tiến độ triển khai các bước lập quy hoạch kinh tế - xã hội TP thời kỳ 2021 - 2030 và quy hoạch chung xây dựng thành phố; Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai các nội dung theo kế hoạch của UBND TP về thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao, tham mưu cho Thành ủy sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Để tạo điều kiện cho TP hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm 2020, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo 02 nội dung cụ thể:
Thứ nhất, Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định “tổng vốn đầu tư còn lại của các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 chuyển tiếp qua giai đoạn 2021-2025 không được vượt quá 20%”. Quy định này gây ra khó khăn cho các địa phương. TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, theo đó, quy định nhu cầu vốn chuyển tiếp tại Điều 89 sẽ bắt đầu áp dụng đối với kỳ trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
Thứ hai, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có thông báo tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để TP cùng các địa phương có thể triển khai thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật Đầu tư công 2019.
Hội nghị tiếp tục diễn ra vào buổi chiều cùng ngày, với các nội dung thảo luận về kịch bản, giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép” trong nửa chặng đường còn lại của năm 2020, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, không để đổ gãy nền kinh tế.