Đẩy mạnh các dự án giao thông trọng điểm, khơi thông thị trường nhà đất

20:25 19/02/2020

TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung nguồn lực thúc đẩy các dự án giao thông trọng điểm và tìm giải pháp khơi thông thị trường nhà đất vốn đang gặp nhiều vướng mắc từ chính sách. Đó là những thông tin quan trọng được báo chí đăng tải trong ngày 19/2.

Đẩy mạnh các dự án giao thông trọng điểm, khơi thông thị trường nhà đất
Hệ thống đường ray đoạn trên cao đã cơ bản được lắp đặt xong. Tháng 6 sẽ đưa đầu máy, toa xe về lắp ráp. Ảnh: Báo Giao thông. (Ảnh báo Giao Thông).

Metro tăng tốc, đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm

Theo VTV.vn, sau khi được tháo gỡ khó khăn về vốn, thủ tục, tăng nguồn lực con người, tuyến metro số 1 tại TP. Hồ Chí Minh đang bứt tốc, chính thức thông suốt phần kết cấu hạ tầng toàn tuyến.

Mới đây, bức tường gần 2m - vách ngăn cuối cùng của toàn tuyến metro số 1 đã được phá bỏ đánh dấu “phá băng”, đưa dự án từ giai đoạn trì trệ sang giai đoạn tăng tốc.

Như vậy, toàn bộ 3 nhà ga ngầm của tuyến metro số 1 gồm Ga Bến Thành, Nhà hát thành phố và ga Ba Son, cùng 2,6 km đường tàu ngầm trong lòng đất đã thông với nhau, đồng thời, kết nối với đường tàu trên cao, thông suốt toàn bộ tuyến đường sắt đô thị số 1 dài 19,7 km từ ga Long Bình - Suối Tiên đến ga trung tâm Bến Thành.

Từ đây, dự án sẽ chuyển từ giai đoạn tập trung thi công phần kết cấu công trình sang giai đoạn lắp đặt đường ray, hệ thống cơ điện, từ đó lắp đặt trang thiết bị, hoàn thiện các nhà ga.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh và các nhà thầu cho biết sẽ quyết tâm thực hiện được 85% tiến độ tuyến metro này trong năm nay và hoàn thành toàn bộ dự án, đưa vào khai thác trong năm 2021.

Theo báo Pháp Luật TP, cùng với đẩy nhanh hoàn thiện tuyến Metro, UBND TP đã giao Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông hoàn thiện báo cáo một số dự án giao thông.

Trong đó, các dự án: mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa); xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái; xây dựng cầu Bình Triệu 2; xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa; dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật)… TP giao BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông phối hợp với BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công theo ý kiến góp ý của các sở, ngành.

UBND TP cũng giao BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh).

Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ lập danh sách những dự án đủ điều kiện cũng như những dự án không đủ điều kiện trình HĐND TP để UBND TP báo cáo tại cuộc họp tổ công tác về đầu tư.

Ngoài ra, Sở GTVT cũng được giao làm việc với Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng để xem xét các dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, dự án xây dựng nút giao An Phú (giai đoạn một) và xây dựng đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

Tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực nhà đất

Trong thời gian qua có nhiều doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có phản ánh thực trạng vướng mắc trong chính sách và công tác quản lý khiến các dự án rơi vào thế khó khăn. Điều này dẫn tới những trở lực cho thị trường bất động sản trên địa bàn Thành phố và làm chậm quá trình thay đổi diện mạo đô thị.

Theo báo Thanh Niên, hiện có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào dự án cả ngàn tỉ đồng, ngân hàng cũng “bơm” thêm hàng ngàn tỉ đồng mà không cấp phép xây dựng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Nhiều dự án bất động sản đang gặp vướng mắc trong quá trình triển khai. Ảnh: Đình Dân
Nhiều dự án bất động sản đang gặp vướng mắc trong quá trình triển khai. Ảnh: Đình Dân

Cuối tuần này, lãnh đạo Thành phố sẽ gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe những khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp. Đầu năm 2018, Thành phố thành lập tổ công tác về đầu tư do Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Tuy nhiên, mỗi buổi họp chỉ giải quyết được 3 - 4 dự án. Ông Phong cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung tháo gỡ các dự án đã được Chính phủ và bộ, ngành cho ý kiến để đẩy nhanh tiến độ. Văn phòng UBND Thành phố phải sắp xếp lịch làm việc hằng tuần cho tổ công tác, nếu các ngày trong tuần bận công việc thì có thể xếp lịch vào thứ bảy hoặc chủ nhật để giải quyết những tồn đọng, vướng mắc của các dự án.

Cùng ngày, làm việc với Sở Xây dựng trong việc giao nhiệm vụ năm 2020, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Thành phố, cho biết hiện có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào dự án cả ngàn tỉ đồng, ngân hàng cũng “bơm” thêm hàng ngàn tỉ đồng mà không cấp phép xây dựng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Chính vì vậy, Sở Xây dựng phải làm nhanh để cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp, không được để “đứng hình” hết.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông cùng các sở, ngành liên quan trong năm 2020 phải “số hóa” dữ liệu nhà, đất, trước mắt là tại những khu vực trung tâm, phối hợp đồng bộ với các sở ngành tổng rà soát lại quy hoạch… Đồng thời chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở ngành tổng rà soát quỹ nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố, nhất là quỹ nhà xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, xem xét để Thành phố chọn nhà hay quy đổi thành tiền, để từ nguồn tiền này phát triển những dự án nhà ở xã hội độc lập; đồng thời rà soát lại quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Theo Trí Thức Trẻ, tại TP. Hồ Chí Minh, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng và 158 dự án BĐS có nguồn gốc quỹ đất thuộc nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra. Tháng 3/2019, lãnh đạo TP và cơ quan có thẩm quyền của T.Ư đã quyết định cho 124 dự án được vận hành trở lại bình thường, nhưng trên thực tế hầu hết các dự án này vẫn chưa hoạt động trở lại bình thường.

Kết quả là năm 2019, toàn TP chỉ có 1 “dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở” được “chấp thuận chủ trương đầu tư”, giảm 12 dự án, tương đương tỷ lệ 92%. Chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư”, giảm 24 dự án, tương đương 85%. Chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận đầu tư”, giảm 64 dự án, tương đương 80%.

Có 47 dự án với 23.485 căn hộ chung cư “đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai”, giảm 14,1% so với năm 2018, bao gồm: căn hộ cao cấp 15.758 căn, chiếm tỷ lệ áp đảo lên đến 67,1%; căn hộ trung cấp có 5.284 căn, chỉ chiếm tỷ lệ 22,5%; căn hộ bình dân có 2.395 căn, chỉ còn chiếm tỷ lệ 10,2%. Số lượng dự án nhà ở tập trung nhiều nhất tại Q.9 (9 dự án), Q.7 (8 dự án), Q.2 (6 dự án), H.Bình Chánh (4 dự án). Năm 2019, không có dự án nhà ở xã hội mới và chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội (cũ) với 2.281 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.

Đình Nguyên (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục