Ngày 17/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2021.
Chia sẻ về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Các giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, in và phát hành được chú trọng.
Các nhà xuất bản tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ vào quản lý, quy trình xuất bản; phát triển loại hình xuất bản điện tử, thương mại điện tử.
Cùng với chủ động đầu tư, đổi mới phương thức quản trị, bán hàng, các cơ sở phát hành xuất bản phẩm sẽ tập trung mọi nguồn lực thực hiện chuyển đổi số, phát triển thị trường phát hành xuất bản phẩm điện tử; chủ động liên kết giữa thị trường trong nước với thị trường khu vực và quốc tế.
Về nội dung, năm 2021, các nhà xuất bản sẽ tập trung xuất bản xuất bản phẩm phục vụ tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Các nhà xuất bản tăng cường khai thác, xuất bản sách phục vụ nhiệm vụ chính trị trọng tâm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về các vấn đề trọng yếu; xuất bản phẩm phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và tiềm năng của Việt Nam.
Theo đánh giá của Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà xuất bản đã có nhiều nỗ lực trong khai thác, tổ chức bản thảo, xuất bản được nhiều xuất bản phẩm giá trị, phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của đất nước trong năm có nhiều sự kiện lớn. Một số đơn vị phát hành nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh xuất khẩu sách; tìm kiếm thị trường mới, theo phương thức mới, hội nhập quốc tế.
Các nhà xuất bản đã chú trọng về quy trình xuất bản, quy trình biên tập, chất lượng nội dung đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một số nhà xuất bản vẫn còn buông lỏng quản lý dẫn đến vi phạm về nội dung, bị xử lý. Việc triển khai thực hiện xuất bản điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản còn chậm.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng đề nghị cơ quan chủ quản, nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách phải đổi mới tư duy trong công tác xuất bản, phát hành sách nhằm thích ứng với mọi đối tượng người đọc, theo quy luật thị trường.
Các cơ quan chủ quan cần quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí, con người, cơ sở vật chất để hỗ trợ nhà xuất bản của mình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Các nhà xuất bản cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng phương thức, nội dung kinh doanh trên cơ sở phải phù hợp, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của thị trường.
Các nhà xuất bản, công ty sách cần quan tâm khai thác, bám sát đời sống thực tiễn, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của từng ngành và nhu cầu của người dân.
Hiện cả nước có 59 nhà xuất bản, 2.725 đơn vị phát hành. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2020, các chỉ số về sản lượng, doanh thu của hoạt động xuất bản đều giảm so với năm 2019. Tổng số xuất bản phẩm là 36.218 (giảm 2,4%) với 403,5 triệu bản.
Về lĩnh vực phát hành, năm 2020, toàn ngành phát hành trên 330 triệu xuất bản phẩm (giảm 27,7%); doanh thu đạt 3.700 tỷ đồng (giảm 24,4%); số lượng xuất bản phẩm xuất khẩu đạt 300.000 bản (giảm 28,7%); số lượng xuất bản phẩm nhập khẩu 21,1 triệu bản (giảm 44,76%)...